(CMO) Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Cái Nước có nhiều trường hợp người lớn vẫn mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, trong công tác phòng bệnh SXH hiện nay, không chỉ ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng phải nêu cao ý thức bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chỉ mới phát hiện 62 trường hợp mắc bệnh SXH tại 45 ổ dịch nhỏ. Tất cả các trường hợp mắc bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không có biến chứng nguy hiểm. Trung tâm Y tế kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành diệt lăng quăng tại hộ gia đình có người bệnh bán kính 400 m và phun hoá chất diệt muỗi đúng theo quy trình xử lý ổ dịch SXH.
![]() |
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH. |
Điều đáng lưu ý, trong số 62 trường hợp mắc bệnh có nhiều trường hợp là người lớn, triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, bệnh nhân rất dễ nhầm lẫn với bệnh nóng sốt thông thường. Bác sĩ Nguyễn Minh Thi, Trưởng trạm Y tế xã Đông Thới, cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn xã chỉ phát hiện 4 trường hợp mắc bệnh SXH, tập trung tại ấp Bào Tròn, trong đó có 1 bệnh nhân 42 tuổi. Ban đầu bệnh nhân 42 tuổi có triệu chứng nóng sốt, cứ nghĩ bệnh nóng sốt thông thường nên mua thuốc về nhà tự điều trị, triệu chứng nóng sốt chỉ giảm sau khi uống thuốc và lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và làm xét nghiệm mới phát hiện mình mắc bệnh SXH. Thị trấn Cái Nước và xã Tân Hưng Đông là 2 địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao nhất so với các địa phương trong huyện, lại có nhiều trường hợp là người lớn. Bác sĩ Vũ Như Nam, Trưởng trạm Y tế xã Tân Hưng Đông, nhận định, người lớn khi mắc bệnh SXH mức độ nguy hiểm ít hơn so với trẻ nhỏ, lý do người lớn có sức khoẻ tốt và biết tự chăm sóc bản thân khi mắc bệnh. Chính vì lý do này, khi người lớn mắc bệnh SXH thường chủ quan, cứ nghĩ bị nóng sốt thông thường và tự mua thuốc điều trị. Khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế khám và làm xét nghiệm, mất ít nhất 3-4 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, đây là nguyên nhân dẫn đến người lớn mắc bệnh nhập viện điều trị có triệu chứng nặng hơn trẻ nhỏ.
Theo Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, bệnh SXH được chia thành 4 tuýp, trong đó tuýp 1 và 2 được xem là nguy hiểm nhất. Còn tuýp 3 và 4 ít nguy hiểm hơn. Chính vì bệnh SXH có đến 4 tuýp, khi bệnh nhân mắc bệnh SXH ở tuýp nào, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để miễn dịch với tuýp đó, các chủng vi-rút SXH ở tuýp khác, cơ thể chưa có miễn dịch vẫn mắc bệnh SXH. Do đó, bệnh SXH có thể gây bệnh ở bất kỳ lứa tuổi, không phân biệt trẻ nhỏ hay người già.
Trong suốt cuộc đời mỗi con người, có thể mắc bệnh SXH ít nhất 4 lần, với các loại vi-rút khác nhau. Thậm chí có trường hợp còn mắc bệnh SXH nhiều lần trong năm, với nhiều tuýp vi-rút khác nhau, khi ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao.
Theo nhận định của Trung tâm Y tế, từ nay đến cuối mùa mưa là cao điểm của bệnh SXH, số ca mắc bệnh và ổ dịch nhỏ sẽ còn tăng lên, không loại trừ trường hợp người lớn mắc bệnh. Hiện Trung tâm Y tế huyện Cái Nước đang triển khai chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng vòng 2 năm 2020. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình./.
Huỳnh Việt