ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 15:04:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cảnh báo nạn trộm cắp trên các ghe tàu ở cửa biển

Báo Cà Mau Thời gian gần đây, một số chủ tàu neo đậu tại cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, phản ánh tình trạng mất trộm tài sản trên các ghe, tàu. Chỉ cần chút sơ hở, mất cảnh giác, bọn trộm đã nhanh chóng ra tay lấy đi bất kể thứ tài sản nào miễn bán được, trong đó bình ắc-quy là món được chúng ra tay trộm nhiều nhất.

Thời gian gần đây, một số chủ tàu neo đậu tại cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, phản ánh tình trạng mất trộm tài sản trên các ghe, tàu. Chỉ cần chút sơ hở, mất cảnh giác, bọn trộm đã nhanh chóng ra tay lấy đi bất kể thứ tài sản nào miễn bán được, trong đó bình ắc-quy là món được chúng ra tay trộm nhiều nhất.

Theo một số chủ tàu, do phải thức đêm để đánh bắt và mua bán thuỷ sản, nên khi tàu cập bến các thuyền viên đều lên bờ nghỉ ngơi, chỉ một số ít tàu cử người canh giữ tài sản. Lợi dụng vắng người, sơ hở của người canh giữ, bọn trộm đã ra tay thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, từ bình ắc-quy, thiết bị chiếu sáng đánh bắt cá, đến các vật dụng sinh hoạt trên tàu.

Tình trạng trộm trên tàu đánh bắt ngày càng gia tăng tại các cửa biển có số lượng tàu đánh bắt nhiều.           Ảnh: NGỌC QUÂN

Anh Trần Thanh Ðiền, chủ tàu Ngọc Huyền, có 2 chiếc đậu ở cửa biển Sông Ðốc, cho biết, cách đó vài ngày, sau khi tàu cập bến xuống hàng xong thì các thuyền viên lên nhà nghỉ ngơi, do chủ quan vì nghĩ rằng nơi đậu tàu và nhà nghỉ cách nhau chỉ vài chục mét nên anh Ðiền không để người lại giữ tàu. Ðến sáng hôm sau, anh xuống tàu kiểm tra thì phát hiện 2 can keo composite và 2 bình ắc-quy loại 150 Ampe không cánh mà bay, trị giá số vật dụng trên gần 8 triệu đồng.

Không những lợi dụng sơ hở trong việc bảo quản tài sản trên tàu, một số trường hợp dù được khoá kỹ càng vẫn bị trộm đột nhập lấy tài sản, đó là trường hợp của anh Trần Thanh Hùng, cư ngụ Khóm 6, thị trấn Sông Đốc, chủ ghe cào đang neo đậu tại cửa biển. Anh nói, trong vài năm trở lại đây ghe của anh thường bị mất trộm, từ thiết bị chiếu sáng để đánh bắt cá đến các loại bình ắc-quy… Xót của, trước khi lên nhà anh khoá cửa ghe cẩn thận, thậm chí 2 bình ắc-quy được anh dùng dụng cụ chấm hàn sắt lại với nhau, nhưng rốt cuộc kẻ trộm cũng cạy cửa hầm máy lấy đi.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Công an huyện Trần Văn Thời chỉ đạo lực lượng trinh sát phối hợp cùng Công an thị trấn Sông đốc thành lập tổ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn ngừa tình trạng trên, nhất là vào những ngày ghe, tàu cập bến.

Sau những ngày mai phục, lực lượng Công an huyện Trần Văn Thời đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Trường Hận, sinh năm 1992, cư ngụ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, khi y đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trên tàu.

Tại cơ quan công an, Hận khai nhận đã thực hiện một số vụ trộm cắp tài sản trên các tàu trong thời gian gần đây. Theo hồ sơ, Hận là đối tượng vừa mãn hạn tù cũng với hành vi trộm cắp trên các tàu, thủ đoạn của Hận rất chuyên nghiệp và dù các vật dụng trên tàu nặng hàng chục kí-lô-gam nhưng y chỉ ra tay một mình, tránh bị phát hiện.

Ðối tượng khai nhận: “Cái nào trộm cũng khó, nhưng có bình ắc-quy là dễ trộm, bởi bình có khi để trên hoặc dưới hầm, có khi khoá khi không”.

Từ các vụ mất trộm tài sản trên ghe, tàu tại cửa biển Sông Ðốc trong thời gian gần đây, có thể thấy chủ tàu, người quản lý thường có tâm lý chủ quan, lơ là trong việc bảo quản tài sản có giá trị. Chính những điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng ra tay trộm cắp tài sản.

Thượng tá Mai Trường Sơn, Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, khuyến cáo: "Mặc dù cơ quan công an đã bắt được đối tượng trộm cắp, nhưng trước tình hình như thế, khi ghe vào đậu ở cửa biển Sông Ðốc, chủ ghe nên phân công người trông giữ tài sản của mình, đồng thời góp phần cùng chính quyền phát hiện các loại tội phạm".

Bên cạnh biện pháp tăng cường tuần tra của cơ quan chức năng, các chủ phương tiện có tàu, ghe đang hoạt động ở cửa biển Sông Ðốc hãy nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội để các đối tượng ra tay thực hiện hành vi trộm cắp./.

Hoàng Quân

Chính sách nhân văn với người tái hoà nhập cộng đồng

Tư vấn giới thiệu việc làm, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù... là những chính sách nhân văn của Ðảng và Nhà nước, nhằm giúp người sau khi chấp hành xong án tù về địa phương có điều kiện làm lại cuộc đời.

Nói không với ma tuý trong học đường

Ma tuý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống, người nghiện có thể dẫn đến các hành vi phạm tội nguy hiểm cho mọi người và xã hội. Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý có xu hướng gia tăng và đối tượng sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống ma tuý, nhất là trong học đường.

Tuyên truyền “Nói không với ma tuý” trong học đường

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng chống ma tuý, thuốc lá điện tử trong học đường, sáng nay (21/10), Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Nói không với ma tuý” cho tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (Phường 8, TP Cà Mau).

Hỗ trợ hoà nhập cho người mãn án

Với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ người mãn án trở thành người có ích cho xã hội, Công an huyện U Minh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho những đối tượng này.

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong giới trẻ

Những năm gần đây, số người nhiễm HIV/AIDS tại Cà Mau có xu hướng trẻ hoá, trong đó dưới 30 tuổi chiếm đa số; không chỉ trong nhóm đối tượng trưởng thành mà ngay cả học sinh, sinh viên cũng là mối quan tâm, vì thói quen sinh hoạt không lành mạnh, do đó, cần tăng cường truyền thông mạnh và rộng khắp.

Bắt nhóm đối tượng vận chuyển 2 kg ma tuý

Sau thời gian nỗ lực điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Cà Mau, đã khám phá thành công và bắt giữ nhóm đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép chất ma tuý liên tỉnh, thu giữ 2 kg ma tuý.

Thí điểm mô hình phối hợp hỗ trợ người sau cai

Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau và UBND huyện Thới Bình vừa tổ chức ký kết phối hợp thực hiện mô hình “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý". Kết quả từ mô hình thí điểm này sẽ là tiền đề để thời gian tới tỉnh thực hiện nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn.

Giúp học viên phục hồi sức khoẻ

Xác định một trong những mục tiêu quan trọng khi cai nghiện ma tuý là phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho học viên, thời gian qua, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... giúp học viên rèn luyện, có thêm động lực cai nghiện tốt, sớm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng.

Ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, qua rà soát và phân loại, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma tuý, 22 điểm có nguy cơ phức tạp về ma tuý và 100/101 xã, phường, thị trấn có ma tuý. Những tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh từng lúc diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm về ma tuý được phát hiện, xử lý nhiều hơn cùng kỳ.

Tệ nạn và tội phạm ma tuý ngày càng trẻ hoá

Thời gian gần đây, các loại ma tuý mới xuất hiện thâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã làm tình hình tội phạm về ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo đó, số lượng người nghiện cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Đáng chú ý là người nghiện ma tuý có xu hướng trẻ hoá về độ tuổi, chủ yếu là thanh, thiếu niên. Đây cũng là hồi chuông báo động đối với bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình.