(CMO) Đối tượng lừa đảo thời buổi công nghệ 4.0 rất tinh vi, chúng đã vạch ra nhiều thủ đoạn để bêu rếu, vu khống, đăng ảnh cá nhân của người khác lên trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhằm hạ nhục nhân phẩm của người bị hại và kiếm lợi từ đó, khiến người bị hại khó có thể giải thích với những ai chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thậm chí, các đối tượng này còn có hành động dùng rất nhiều số điện thoại lạ để gọi điện, nhắn tin liên tục cho người thân, bạn bè của người bị hại để đe doạ, uy hiếp. Điều khó hiểu là họ chẳng liên quan gì đến những khoản nợ vay hay những lời cáo buộc trên.
Vu khống, đe doạ
Vừa qua, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm, nhân viên Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), TP Cần Thơ, ngụ huyện Đầm Dơi, hoang mang khi vào trang Facebook cá nhân của mình. Chị Diễm sửng sốt bởi thấy mình được ai đó tag (gắn thẻ) vào một bức ảnh chụp hình chị - người đang bị rêu rao là “lừa đảo”. Quá bức xúc vì chẳng liên quan gì đến chuyện vay nợ kia, chị Diễm liên hệ với số điện thoại được các đối tượng để lại. Kết quả là chị nhận được những câu nói rất khó nghe cùng tuyên bố sẽ tiếp tục đăng hình chị lên mạng xã hội và gửi cho người thân quen. Dù chị Diễm cố giải thích không quen “con nợ” của các đối tượng, nhưng họ khăng khăng không nghe và yêu cầu chị phải đưa “con nợ” đến gặp họ để giải quyết thì câu chuyện bêu rếu kia mới chấm dứt. Đối diện với những chiêu trò vu khống, đe doạ, bêu xấu, làm nhục nhiều lần, một thời gian sau chị Diễm cũng quen dần cho đến khi bạn bè, người thân hiểu câu chuyện này không có thật. “Tuy nhiên, tôi đã phải mất một thời gian vô cùng căng thẳng, thậm chí khủng hoảng nghiêm trọng về tinh thần” chị Diễm chia sẻ.
Tương tự hoàn cảnh chị Diễm, chị Lê Thị Kiều Duyên, Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, cho biết, sáng 15/1 có một người đàn ông dùng số điện thoại lạ gọi cho chị và liên tục chửi bới, lăng mạ, đòi trả số tiền 30 triệu đồng. Chị không biết số nợ đó từ đâu ra. Chị Duyên bức xúc nói: “Tôi đã giải thích mình không hề nợ anh ta, nên không có nghĩa vụ phải trả tiền, đồng thời yêu cầu ngừng gọi điện thoại chửi bới, lăng mạ, cũng như không được vu khống, bôi nhọ tôi và gia đình. Thế nhưng, người đàn ông này vẫn tiếp tục gọi điện thoại đe doạ gia đình tôi. Chưa hết, anh ta còn gọi điện, nhắn tin đến bạn bè tôi bảo rằng đang truy tìm kẻ lừa đảo và khẳng định người đó là tôi. Danh dự, uy tín của tôi và gia đình tôi không còn gì”.
Đa số những thông tin xuyên tạc, vụ khống trên mạng xã hội đều có cùng nội dung. Điển hình một đoạn thông tin vu khống như sau: “Với thủ đoạn tinh vi có tính toán từ trước, các đối tượng: Trang Hạ My, Lê Thị Kiều Duyên, Trần Thị Tuyết Hằng, Trần Chí Tiến, cô Minh (mẹ)… Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, sử dụng sổ hộ khẩu, chứng minh thư và các giấy tờ khác vay tôi số tiền lớn để chi tiêu cá nhân. Sau khi thực hiện xong hành vi lừa đảo, đối tượng cắt đứt liên hệ và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia đình và người nhà nhiều lần bao che cho hành vi phạm tội của đối tượng trên trốn tránh để không trả tiền cho chúng tôi. Hiện tại chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin cá nhân và gia đình”. Người gửi tự nhận là phòng hành chính công ty mua bán nợ của một tài khoản Facebook có tên Minh Lê.
Hình ảnh những người không liên quan đến “món nợ” cũng bị bọn xấu đưa lên vu cáo. |
Xử lý hình sự
Theo đại diện một ngân hàng trên địa bàn Phường 6, TP Cà Mau: “Gây áp lực cho những người không liên quan gì đến khoản vay, để đòi tiền nợ đọng khi con nợ chính đã biệt vô âm tính, đó là những chiêu trò bẩn của các công ty thu hồi nợ thuê, đối tượng cho vay nặng lãi (tín dụng đen), thậm chí có cả những công ty tài chính, ngân hàng uy tín. Vì thế, việc tự dưng người dùng bị bôi xấu trên Facebook hay có nhiều số lạ liên tục gọi đến gia đình, người thân quấy rối, đe doạ… là chuyện chúng tôi phải nghe mỗi ngày”.
Anh N.M.T, thông qua ứng dụng trên điện thoại di động của anh, các đối tượng cho vay nắm bắt được mọi thông tin như danh bạ điện thoại, tên tuổi, số CMND, vị trí… Nội dung được các tài khoản Facebook có tên: Phạm Thị Vàng Trâm và những tài khoản Facebook không còn sử dụng đã lâu, cùng lúc phát tán thông tin bêu xấu nặng nề đến anh Triều: “Đại gia đình chuyên ăn giựt tiền, lừa đảo! Gia đình gia giáo của N.M.T (ĐT 0907xxxxxx) đã ký hợp đồng vay tiền hơn 45.xxx.000 đồng của công ty chúng tôi để sử dụng mục đích tiêu xài cá nhân của cả nhà. Tuy nhiên, mượn tiền thì nói ngon nói ngọt, khi gọi đến nhắc nợ thì ăn nói thô tục, từ già đến trẻ, từ lớn đến nhỏ, gia đình rất vô văn hoá khi mượn tiền. Đây không phải một gia đình nữa, đây là một tổ chức chuyên lừa đảo, mọi người nên tránh xa. Được biết thêm gia đình còn có thói quen đi ăn chực, ăn ké nhà người khác, ích kỷ, lười lao động kiếm tiền, thích ngồi phơi chân cầm giấy chứng minh kiếm tiền. Nếu bạn bè có quen biết thì nhắc nhở cả họ gia đình ra thanh toán khoản nợ, còn nếu trong trường hợp gia đình này thực sự đói khát tới mức này thì mọi người hãy quyên góp mỗi người 5-10 ngàn đồng cho họ để có tiền trả nợi bên công ty chúng tôi…”.
Chị L.T.K.D tá hoả khi bị tung tin vu khống trên mạng xã hội. |
Luật sư Đặng Huỳnh Quốc (Đoàn Luật sư Cà Mau) cho biết: “Hiện nay, việc đăng những thông tin có nội dung đòi nợ thông thường lên Facebook không bị pháp luật ngăn cấm nếu giữa các cá nhân có vay nợ thực sự với nhau. Còn với các trường hợp không có vay nợ mà lại bị kẻ khác vu khống, đe doạ, thì tại Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng Internet đã ghi rõ: Nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tiết lộ những bí mật khác do pháp luật quy định. Trong những trường hợp đã kể trên, có thể thấy một số đối tượng cho vay nặng lãi, hay một số ngân hàng sử dụng công ty đòi nợ thuê để đăng thông tin giả mạo, bịa đặt, đe doạ, thoá mạ, hạ thấp danh dự của người khác nhằm gián tiếp đòi khoản nợ đã cho vay là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện những hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi xét thấy có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Ngoài ra, người bị đăng thông tin vu khống có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai”./.
Tại điểm d, e, khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: Nghiêm cấm các hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt theo Điều 66, Nghị định 174/2013 việc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Cụ thể, bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe doạ, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. |
Việt Mỹ
BÀI 2: NƠI THÔNG TIN CÁ NHÂN DỄ BỊ LỘ