ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 22:53:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cảnh giác việc góp hụi ở nông thôn

Báo Cà Mau Đã từ lâu, chơi hụi diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở nông thôn. Ðây là hình thức giúp các thành viên cùng tham gia góp vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hụi viên có thêm vốn kinh doanh mà không phải chịu lãi suất cao.

Đã từ lâu, chơi hụi diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở nông thôn. Ðây là hình thức giúp các thành viên cùng tham gia góp vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hụi viên có thêm vốn kinh doanh mà không phải chịu lãi suất cao.

Tuy nhiên, hiện nay chơi hụi đang dần bị biến tướng khi không ít chủ hụi lợi dụng hình thức này để trục lợi cho bản thân, chiếm đoạt tài sản những người tham gia. Nhiều vụ vỡ hụi xảy ra liên tiếp trên địa bàn các vùng nông thôn thời gian qua là hồi chuông cảnh báo người dân.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù chính người trong cuộc cũng biết chơi hụi tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng họ vẫn đổ tiền triệu, thậm chí tiền tỷ để tham gia vì mức lợi khá hấp dẫn. Tại các làng quê, phần vì thiếu hiểu biết, phần vì người dân trọng chữ tín, xem xét về tài sản để tin tưởng lẫn nhau, nên ít khi yêu cầu chủ hụi làm đúng thủ tục giấy tờ. Nhiều vụ vỡ hụi xảy ra với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, nhưng khi đến cơ quan trình báo, bằng chứng họ đưa ra duy nhất chỉ là hình thức giao dịch bằng miệng hoặc những tờ giấy được viết tay, không có hiệu lực pháp lý. Ðã có nhiều trường hợp tan nhà nát cửa bởi các vụ vỡ hụi mà ra.

Hụi viên bàng hoàng khi hay tin vỡ hụi.

Chiêu trò của chủ hụi là ban đầu giao tiền rất sòng phẳng, đúng hẹn, trang bị nhà cửa, tư trang hạng sang để tạo được uy tín, lòng tin của mọi người, sau đó lập “danh sách ma” (tức thống kê thêm một số tên vào danh sách hụi viên), cuối cùng là tuyên bố vỡ hụi hoặc bỏ trốn mất tăm.

Xảy ra đã lâu nhưng người dân huyện U Minh vẫn chưa hết bàng hoàng khi bà Lê Bé Chín (Chín hụi), sinh năm 1964, ngụ tại Khóm 4, thị trấn U Minh, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố bắt tạm giam về hành vi chiếm đoạt tài sản của hơn 300 hụi viên đến từ các huyện U Minh, Thới Bình, Kiên Giang, với số tiền lên đến 30 tỷ đồng. Với  uy tín được tạo dựng hơn 10 năm, bà Chín huy động được hàng trăm hụi viên tham gia vào dây hụi của bà. Trước khi sự việc vỡ ra, bà đã liên tục kêu “bán” các dây hụi do bà làm chủ với mức lợi nhuận khá cao, sau đó cả gia đình bỏ trốn ngay sau đêm đám cưới con trai bà được tổ chức hoành tráng. Hay tin bà Chín bỏ trốn, nhiều đoàn người đổ xô đến nhà đợi chờ trong vô vọng.

Chị Nguyễn Thị Ny, nạn nhân của bà Chín hụi, cho biết: “Gia đình mưu sinh nhờ vào việc cân đi bán lại hải sản, tôi cố gắng dành dụm để có một số vốn kha khá. Nhưng, người tính không bằng trời tính, số tiền dành dụm mất trắng trong phút chốc. Chỉ tính tiền vốn thôi đã 40 triệu đồng, ngày hay tin tôi suýt phải nhập viện vì sốc. Nhiều người còn thê thảm hơn, rửa mướn từng cái chén, bán từng cọng rau, chắt chiu dành dụm giờ đành trắng tay. Hiện nay, mặc dù bà Chín đã bị bắt tạm giam, nhưng hụi viên vẫn chưa nhận được khoản tiền đền bù nào”.

Một vụ vỡ hụi khác được Thượng tá Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng Công an huyện U Minh, thông tin, là trường hợp của bà Nguyễn Cẩm Mơ. Công an huyện đã nhận khá nhiều đơn tố cáo của người dân về vụ vỡ hụi do bà Nguyễn Cẩm Mơ làm chủ. Con số ban đầu ước tính lên đến 5 tỷ đồng. Hiện lực lượng công an đang xác minh, phân tích về tính dân sự, hình sự để có hướng giải quyết trong thời gian sắp tới.

Trước tình trạng các vụ vỡ hụi, tranh chấp nợ hụi xảy ra liên tục, Chủ tịch UBND thị trấn U Minh Nguyễn Minh Cà cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi họp chi bộ để cảnh báo người dân cẩn trọng khi tham gia chơi hụi trên địa bàn, phân tích mặt lợi, hại của vấn đề để mọi người cùng xem xét và cẩn trọng khi đầu tư số tiền lớn mà rủi ro quá cao”.

Ông Cà cho biết thêm: “Phần lớn chủ hụi và hụi viên đều thoả thuận ngầm về việc tham gia hụi, nên khi vỡ hụi, các tranh chấp được toà án thụ lý đều rất khó khăn trong việc xác định số tiền và danh sách các hụi viên tham gia (chỉ có chủ hụi mới nắm rõ), từ đó dẫn đến khó xác định được thiệt hại của hụi viên”.

Những căn nhà lụp xụp vẫn cứ dột nát, những đứa trẻ đang mất dần cơ hội được đến trường, nhiều người không còn vốn làm ăn, lâm vào cảnh nợ nần chỉ vì tin vào hụi. Rõ ràng mối nguy hại về việc góp hụi đã được các ngành chức năng cảnh báo, nhưng làn sóng chơi hụi vẫn đang tiếp diễn chưa có hồi kết.

Tiền mất tật mang

Với một số người dân, số tiền góp hụi là cả một gia tài dành dụm, chắt chiu. Chỉ vì tin tưởng tuyệt đối vào chủ hụi, họ đem những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của mình kiếm được đổi lại bằng một tờ giấy viết tay nét chữ nguệch ngoạc. Khi chủ hụi bỏ trốn, họ bỏ hết công ăn việc làm, nhà cửa, con cái đến nhà chủ hụi để chờ đợi vật vờ với hy vọng mong manh lấy lại được số vốn ban đầu.

Bà Hoàng Kim Phúc, tiểu thương chợ U Minh, ngậm ngùi: “Tôi đã 3 lần bị giật hụi, số tiền hơn 1 tỷ đồng. Vì muốn có vốn xoay vòng để buôn bán, tôi mới tham gia góp hụi. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, tính chơi hụi để có tiền dưỡng già nhưng không ngờ mất hết”.

Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương Khóm 4, thị trấn U Minh, chua xót: “Cùng một lúc tôi góp 12 dây hụi do bà Chín làm chủ, một dây đóng 15 triệu đồng/tháng, do muốn kiếm lời nên dây nào tôi cũng để dành hốt chót, không ngờ không những không hốt hụi được mà vốn mất sạch luôn”.

Việc góp hụi ngày càng rầm rộ, số vụ vỡ hụi ngày càng tăng, khoản tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng và cho đến hiện tại chưa ai dám đảm bảo vụ việc sẽ dừng lại hay còn có bao nhiêu gia đình nữa phải ngậm đắng nuốt cay, tán gia bại sản vì hụi.

Vụ vỡ hụi khoảng 6 tỷ đồng tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thế nhưng, nhiều nạn nhân đành thất vọng khi vợ chồng chủ hụi là ông Ðinh Trung Trường và bà Hứa Kim Liên không về địa phương nữa.

Gương mặt thất thần, đờ đẫn sau bao đêm thức trắng, vẫn không muốn tin sự thật phũ phàng đã phơi bày trước mắt, chị Nguyễn Thị Thêm, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, xót xa: “Tiền đó tôi cực khổ lắm mới kiếm được, mỗi ngày tôi đi bắt ốc, chồng thì đi làm công trình, nhà tôi thiếu nợ người ta 10 triệu đồng, 1 tháng đóng vài trăm ngàn đồng, giờ bị giật hụi tiền đâu mà đóng nữa”.

Chị Nguyễn Thị Ngon, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Tôi có chơi hụi đâu mà chủ hụi dám để tên tôi vô đây, rồi còn bảo là tôi hốt 2 chân nữa chứ. Ðây là hụi ma, làm như vậy là lừa gạt để chiếm đoạt tài sản hụi viên mà thôi”.

Ông Nguyễn Minh Cà khuyến cáo: “Ðể tránh tình trạng vỡ hụi diễn ra phức tạp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến quần chúng Nhân dân tại địa phương, kết hợp xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm để răn đe giáo dục. Ðiều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, phải nêu cao cảnh giác, không nên đem số tiền quá lớn đầu tư vào hụi, tránh những tổn thất cho gia đình mình”./.

Bài và ảnh: Yến Nhi

Chính sách nhân văn với người tái hoà nhập cộng đồng

Tư vấn giới thiệu việc làm, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù... là những chính sách nhân văn của Ðảng và Nhà nước, nhằm giúp người sau khi chấp hành xong án tù về địa phương có điều kiện làm lại cuộc đời.

Nói không với ma tuý trong học đường

Ma tuý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống, người nghiện có thể dẫn đến các hành vi phạm tội nguy hiểm cho mọi người và xã hội. Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý có xu hướng gia tăng và đối tượng sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống ma tuý, nhất là trong học đường.

Tuyên truyền “Nói không với ma tuý” trong học đường

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng chống ma tuý, thuốc lá điện tử trong học đường, sáng nay (21/10), Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Nói không với ma tuý” cho tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (Phường 8, TP Cà Mau).

Hỗ trợ hoà nhập cho người mãn án

Với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ người mãn án trở thành người có ích cho xã hội, Công an huyện U Minh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho những đối tượng này.

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong giới trẻ

Những năm gần đây, số người nhiễm HIV/AIDS tại Cà Mau có xu hướng trẻ hoá, trong đó dưới 30 tuổi chiếm đa số; không chỉ trong nhóm đối tượng trưởng thành mà ngay cả học sinh, sinh viên cũng là mối quan tâm, vì thói quen sinh hoạt không lành mạnh, do đó, cần tăng cường truyền thông mạnh và rộng khắp.

Bắt nhóm đối tượng vận chuyển 2 kg ma tuý

Sau thời gian nỗ lực điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Cà Mau, đã khám phá thành công và bắt giữ nhóm đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép chất ma tuý liên tỉnh, thu giữ 2 kg ma tuý.

Thí điểm mô hình phối hợp hỗ trợ người sau cai

Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau và UBND huyện Thới Bình vừa tổ chức ký kết phối hợp thực hiện mô hình “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý". Kết quả từ mô hình thí điểm này sẽ là tiền đề để thời gian tới tỉnh thực hiện nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn.

Giúp học viên phục hồi sức khoẻ

Xác định một trong những mục tiêu quan trọng khi cai nghiện ma tuý là phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho học viên, thời gian qua, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... giúp học viên rèn luyện, có thêm động lực cai nghiện tốt, sớm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng.

Ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, qua rà soát và phân loại, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma tuý, 22 điểm có nguy cơ phức tạp về ma tuý và 100/101 xã, phường, thị trấn có ma tuý. Những tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh từng lúc diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm về ma tuý được phát hiện, xử lý nhiều hơn cùng kỳ.

Tệ nạn và tội phạm ma tuý ngày càng trẻ hoá

Thời gian gần đây, các loại ma tuý mới xuất hiện thâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã làm tình hình tội phạm về ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo đó, số lượng người nghiện cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Đáng chú ý là người nghiện ma tuý có xu hướng trẻ hoá về độ tuổi, chủ yếu là thanh, thiếu niên. Đây cũng là hồi chuông báo động đối với bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình.