(CMO) Như nhiều thông tin, bài viết đã đề cập, hiện nay hành lang an toàn cầu Khánh An đang bị vi phạm nghiêm trọng và tình trạng này cứ bị tái phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn cầu, cũng như luồng tuyến của các phương tiện qua lại khu vực này. Ngành chức năng đã vào cuộc, thế nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn.
Hiện tại, ngay khu vực cầu Khánh An, thuộc địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, trên tuyến sông Ông Đốc tồn tại một bến thuỷ nội địa của Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm nằm ngay trong phạm vi an toàn cầu Khánh An, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Nhiều phương tiện loại lớn của Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm vẫn ngang nhiên cập bến sát bên hông cầu Khánh An. |
Tính đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lập nhiều biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này cam kết không tái phạm và việc di dời bến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017. Thế nhưng, đến nay tình trạng tái phạm tại vị trí này vẫn tiếp diễn.
Theo ghi nhận của phóng viên, có thời điểm 2 bên cầu, sát phía chân cầu, trong khu vực biển cấm neo đậu có khoảng 3-4 chiếc sà lan, thiết bị cẩu hàng trọng tải lớn neo đậu. Mặc các biển cấm không cho phép tàu thuyền neo đậu trong bán kính 100-150 m để bảo đảm hành lang an toàn cầu, doanh nghiệp vẫn vô tư vi phạm.
Được biết, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm sẽ thực hiện chủ trương di dời về bến mới được cấp phép tại khu vực bến cảng mới nằm trong Khu Công nghiệp Khánh An, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, việc cấp phép vẫn còn vướng một số thủ tục. Chưa được cấp phép đồng nghĩa với việc chưa thể di dời, do đó, việc doanh nghiệp này tái chiếm hành lang an toàn tại khu vực là điều không thể tránh khỏi.
Ông Phan Văn Út, Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn số 8, thuộc Chi cục An toàn đường thuỷ nội địa phía Nam, cho biết: “Hiện nay, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm đã chấp thuận di dời về địa điểm mới, nhưng chưa được cấp phép. Qua làm việc, phía công ty cũng đã hứa hẹn sẽ di dời toàn bộ trang thiết bị về nơi làm việc mới, thế nhưng trên thực tế không phải như thế, doanh nghiệp vẫn hoạt động, thỉnh thoảng có sà lan cập bến cũ, gần khu vực cầu Khánh An để bốc dỡ vật liệu phục vụ cho hoạt động của công ty. Về quy mô có giảm so với trước, nhưng thực tế vẫn còn hoạt động. Hiện Đội Thanh tra an toàn số 8 đã đề xuất với Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu Thường trực Đoàn Liên ngành số 3 tổ chức kiểm tra lại”.
Tính đến thời điểm hiện tại, bến xếp dỡ này vẫn là bến không phép, đã bị đoàn kiểm tra liên ngành tạm đình chỉ hoạt động do các vi phạm về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Cũng theo ông Phan Văn Út: “Khi có đợt kiểm tra của đoàn liên ngành không phát hiện bến này hoạt động, thế nhưng, những lúc không kiểm tra thì bến này tiếp tục hoạt động bình thường. Với cách hoạt động đối phó như kiểu này, các ngành chức năng rất khó xử lý”.
Để trả lại sự an toàn, thông thoáng cho cầu Khánh An, thiết nghĩ cần sự vào cuộc kiên quyết, dứt khoát của các ngành chức năng, qua đó, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tìm hướng xử lý thoả đáng nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phát triển lâu dài tại địa phương./.
Chí Diện