(CMO) Qua 38 đợt triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đạt trên 2,6 triệu mũi tiêm. Trong đó, mũi 1 gần 990 ngàn người, đạt 92,08% và mũi 2 hơn 936 ngàn người, đạt 87,16% người từ 5 tuổi trở lên; mũi bổ sung đạt 95,51% người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, mũi nhắc lần 1 hiện chỉ đạt 34,32% người từ 18 tuổi trở lên; mũi nhắc lần 2 đạt 1,43% người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ đạt rất thấp.
Trước tình hình trên, tại hội nghị trực tuyến 3 cấp về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 vào chiều ngày 31/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo: “Phải phân định rõ các đối tượng chưa tiêm chủng, từ đó mới có biện pháp kịp thời. Trong đó, ngành giáo dục phải thống kê, phân loại lại ngay đối tượng học sinh chưa tiêm chủng”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Quan Phú, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cho biết, đối với mũi bổ sung, tỷ lệ tiêm chủng các đơn vị đều đạt từ 90% trở lên. Riêng mũi nhắc lần 1 (bắt đầu thực hiện từ ngày 14/12/2021 đến nay), các đơn vị đều chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ tiêm đạt dưới 50%. Trong đó, thấp nhất là các huyện Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi, đạt dưới 30%. Theo đó, qua rà soát, dự kiến còn 794.266 người cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Phân tích một số nguyên nhân tiêm mũi nhắc đạt thấp, ông Nguyễn Quan Phú cho biết, tâm lý một bộ phận người dân hiện nay còn chủ quan, không đồng ý tiêm do nhận thấy tình hình dịch bệnh giảm, khi mắc bệnh thường là nhẹ như cảm cúm thông thường và nghĩ rằng liều nhắc lại là không cần thiết; người mắc bệnh (F0) đã khỏi bệnh cũng không đồng ý tiêm mũi 3 do cho rằng đã được miễn dịch.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp còn do khó khăn trong việc quản lý đối tượng, đặc biệt có nhiều người đi làm ăn xa; một bộ phận người chưa đủ thời gian để tiêm mũi nhắc; một bộ phận người dân tiếp cận những thông tin khác biệt, tiêu cực về phản ứng sau tiêm và hiệu quả của tiêm chủng cũng như những tác dụng phụ, biến chứng sau khi tiêm liều nhắc.
Đối với đối tượng học sinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, TP Cà Mau) Nguyễn Kim Hợi cho biết: “Trường đã tiến hành tiêm chủng cho các em học sinh từ khối 5 trở xuống khối 1, nhưng càng về sau số lượng tiêm chủng càng ít đi. Một phần do số học sinh mắc Covid-19 cao đã qua, chưa đủ điều kiện tiêm chủng; phần khác do phụ huynh còn tâm lý lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin, chủ quan về tiêm chủng cho trẻ”.
Trong khi còn 1 tháng nữa phải đạt 100% 2 mũi đối với đối tượng này theo chỉ đạo của trung ương, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới đạt 40%. Đặt vấn đề tại sao số học sinh là đối tượng dễ quản lý, dễ tiêm chủng nhất nhưng lại đạt thấp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho rằng đây là hạn chế lớn nhất trong công tác tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm chủng trong đối tượng học sinh hiện đạt rất thấp. |
Vạch ra nguyên nhân hạn chế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, công tác chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, nhất là lực lượng nòng cốt ngành y tế chưa tập trung quyết liệt, chưa có sự quan tâm; cùng với nhận thức, sự chủ quan của người dân. Đây là mấu chốt quan trọng khiến tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp.
Bên cạnh đó, trong vấn đề tổ chức thực hiện, giao việc chưa cụ thể, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa đồng bộ. Nắm bắt đối tượng chưa chặt chẽ dẫn đến thống kê, phân loại chưa đầy đủ, chính xác.
Nhấn mạnh công tác tuyên truyền rất quan trọng, nhất là vai trò đoàn thể địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải chấn chỉnh, xốc lại bộ máy công tác tiêm chủng, nhất là ở cơ sở. Phải có kiểm điểm trách nhiệm từng đơn vị, cán bộ, làm sao đảm bảo tiến độ tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng và không để vắc-xin hết hạn./.
Hồng Nhung