ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 02:53:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chợ niêm yết giá, an tâm mua sắm

Báo Cà Mau (CMO) Ðể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành chức năng yêu cầu tất cả tiểu thương buôn bán tại chợ phải treo bảng giá niêm yết. Ðiều này tạo sự hài lòng, an tâm cho người dân khi mua sắm.

Theo ghi nhận, từ chiều 18/7, nhiều sạp hàng rau, thịt, cá... tại các chợ truyền thống Phường 7, Phường 8, Phường 4, các tiểu thương đã treo bảng giá niêm yết.

Khách hàng khi đến mua chỉ cần nhìn giá, không phải hỏi, trả giá như trước đây. Ðặc biệt là giá cả các mặt hàng đều giảm so với 2 ngày trước đó từ 10-40%. Hàng hoá nông sản được bán khá dồi dào, đa dạng.

Giá cả được niêm yết, cập nhật từng ngày để người mua dễ dàng nhận biết.

Bà Nguyễn Thị Xuân (Phường 1, TP Cà Mau) chia sẻ: “Hôm nay đi chợ đầu mối thấy đã ổn định hơn rất nhiều so với 2 hôm trước. Giá cả niêm yết rõ ràng, rẻ hơn, người đi chợ thưa thớt, không chen lấn, tập trung đông nữa, nên mình cũng dễ dàng mua sắm và yên tâm hơn”.

Trong sáng ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội (19/7), lượng người đi mua hàng hoá đã giảm rất nhiều so với ngày 17/7. Việc lưu thông hàng hoá, mua bán cũng thuận tiện hơn.

Chị Lê Thị Hồng Thắm (Phường 5, TP Cà Mau) cho biết: “Sáng nay đi chợ không còn chen chúc nữa, chỉ cần nhìn bảng niêm yết giá là biết giá mỗi mặt hàng. Chọn lựa mua cũng dễ dàng hơn. Tôi thấy việc niêm yết giá như thế này nên thực hiện lâu dài, để bà con mình đi chợ không bị “chặt chém” hay phải “trả giá”, nhất là những ngày lễ, Tết hay những khi phải hạn chế ra đường trong lúc dịch bệnh này”.

Hiện nhiều tiểu thương tại chợ lo ngại việc giãn cách xã hội sẽ khiến cho người dân ngại đi mua sắm, cộng với họ đã mua đồ dự trữ trước đó. Vì vậy, nếu nông sản không bán được sẽ bị hao hụt và lỗ vốn.

Chị Ngô Hồng Phúc, tiểu thương chợ Phường 7, chia sẻ: “Giá hôm nay giảm 2-3 lần so với 2 hôm trước. Lỗ trung bình từ 5.000-15.000 đồng/kg. Dưa leo, khổ qua lấy vào 35.000 đồng/kg, mà bây giờ bán ra có 20.000 đồng/kg. Bí đao 40.000 đồng/kg, bán ra cũng 40.000 đồng/ kg. Mình không nhập hàng thì không có hàng bán, nên bắt buộc phải lấy hàng về, mỗi ngày ít nhất cũng 300-400 kg hàng, vốn hơn chục triệu đồng. Người đi chợ ít đi rất nhiều do thực hiện giãn cách và do họ đã mua dự trữ rồi, nên hôm qua nay bán chậm, rau củ quả bị hư vì không để lâu được. Có thể giá rau củ ngày mai còn rẻ hơn nữa vì rất ít người mua”.

Chủ vựa rau củ quả Thiên Ðiều tại chợ Phường 7 cho biết: “Trước nay tôi chưa từng để bảng niêm yết giá, chỉ trao đổi giá cả bằng miệng và giá cả tôi bán luôn giữ ổn định cho bà con mua, vì tôi bán ở đây hơn chục năm nay rồi, nên ai cũng biết. Nhưng nay được ngành chức năng yêu cầu phải công khai niêm yết giá, tôi thấy hợp lý và thuận tiện, nên đồng tình thực hiện theo”.

Giúp khách hàng yên tâm mua thực phẩm, nhiều tiểu thương trong chợ đã treo bảng niêm yết giá với kích thước lớn, rõ ràng, dễ thấy nhất khi ghé vào sạp. Tiểu thương Phan Phương Thảo tại chợ Phường 7, chia sẻ: “Dù ít người mua hơn, nhưng niêm yết giá rõ ràng nên người đi chợ chỉ cần nhìn bảng giá chứ không cần hỏi, thuận tiện cho người mua lẫn người bán”.

Hiện tại, qua kiểm tra, khảo sát, tình hình tại các điểm chợ truyền thống đã ổn định. Việc niêm yết giá, cập nhật giá cả mỗi ngày và bán đúng giá niêm yết cho người dân được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hoá, trước sạp, thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan chức năng khi kiểm tra. Các mặt hàng rau xanh, củ, quả, trái cây, thịt, cá... khá dồi dào, đa dạng, giá cả niêm yết rõ ràng. Ðến nay, việc kiểm soát giá cả và tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu cho bà con đảm bảo ổn định.

Một số tiểu thương cho rằng, việc công khai bảng niêm yết giá sẽ khá phức tạp, vì mỗi tiểu thương bán rất nhiều mặt hàng, giá cả hàng hoá, nông sản lại thường xuyên thay đổi, cùng với đó là thói quen mua sắm của người dân trước đây chỉ trao đổi bằng miệng.

Trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau Nguyễn Thành Phương thông tin: “Ðoàn kiểm tra liên ngành đã phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động từng tiểu thương tại chợ và các hộ kinh doanh, buôn bán niêm yết giá cả hàng hoá, bán hàng đúng giá niêm yết, đảm bảo giá cả so với mặt bằng chung trên thị trường. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ xử phạt theo quy định. Người tiêu dùng khi mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ cần chú ý xem có niêm yết giá rõ ràng, đúng giá và bán theo giá niêm yết không. Khi phát hiện các trường hợp nâng giá bán bất hợp lý, hoặc các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý; các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm; trang thiết bị y tế và các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, hãy liên hệ với Cục Quản lý thị trường, các đội quản lý thị trường nơi gần nhất, hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành chức năng tại địa phương”./.

 

Thảo Mơ

 

Liên kết hữu ích