(CMO) Trong đợt thực hiện cao điểm tổng kiểm tra đối với ô tô và mô tô, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Cà Mau đã phát hiện rất nhiều trường hợp chạy quá tốc độ quy định và có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trong quá trình lập biên bản xử lý vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ gặp nhiều trường hợp chống đối.
Trong một lần tháp tùng cùng với Đội CSGT Công an tỉnh Cà Mau, khi tuần tra tại tuyến Quốc lộ 1, khi vừa thấy lực lượng làm nhiệm vụ, một số thanh niên đang tụ tập tại ngã tư đầu Lộ Gòn, thuộc địa bàn Khóm 2, thị trấn Cái Nước lập tức tăng tốc, lạng lách bỏ chạy với tốc độ cao. Đây cũng là một trong nhiều lần tuần tra mà lực lượng làm nhiệm vụ va chạm với những đối tượng có xu hướng gây rối làm mất TTATGT tại khu vực này.
Phương tiện bị tạm giữ trong một vụ tụ tập tổ chức đua xe trái phép bị lực lượng CSGT ngăn chặn kịp thời. |
Đa phần những đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên, bốc đồng, thường tụ tập vào ban đêm trên những đoạn đường rộng để tổ chức đua xe trái phép. Lực lượng làm nhiệm vụ phải thường xuyên trinh sát bám địa bàn, nắm tình hình mới có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Đơn cử như vụ việc xảy ra khoảng 1 giờ 30, ngày 9/8 vừa qua. Thông qua nguồn tin tố giác của người dân và công tác nắm tình hình, Đội CSGT Tân Hưng Đông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Công an huyện Cái Nước tổ chức ngăn chặn và tạm giữ nhiều thanh thiếu niên đang gây mất TTATGT trên tuyến lộ từ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước đến thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, nhiều đối tượng đã tăng tốc bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau. Tuy vậy, các tổ công tác đã kịp thời tạm giữ 26 đối tượng, trong đó có 2 nữ, 20 mô tô các loại. Hầu hết các phương tiện tham gia đều có phân khối lớn và được thay đổi kết cấu để có thể tăng tốc trong thời gian ngắn và không hề gắn biển kiểm soát.
Còn đối với trường hợp không hợp tác khi bị lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của những đối tượng vi phạm về nồng độ cồn thì muôn màu, muôn vẻ. Ví như trường hợp lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện và kiểm tra tại tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn Khóm 2, thị trấn Cái Nước. Người đàn ông bị kiểm tra đang trong tình trạng ngà ngà hơi men, không chỉ lớn tiếng mà còn bỏ cả xe để chống đối. Theo trần tình của người đàn ông này thì người này không hề chống đối nhưng không thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, do xe không đem theo giấy thì cứ giữ xe.
Trên đây cũng chỉ là 2 trong những trường hợp vi phạm nhưng viện mọi lý do, từ giải thích đến cả khiêu khích, đả kích lực lượng thi hành nhiệm vụ. Hành động này không chỉ gây nguy hiểm, gây mất trật tự tại các điểm chốt chặn mà còn làm mất nhiều thời gian để lực lượng làm nhiệm vụ giải quyết sự việc.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 11 vụ chống lại CSGT làm 1 người hy sinh, 3 người bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ. Con số thống kê trên đã phần nào cho thấy hành vi liều lĩnh, cố ý bất hợp tác và tấn công cả người thi hành công vụ.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 7 - cao điểm ra quân đợt 1, ít nhất ghi nhận 2 trường hợp đang được khẩn trương điều tra vì có dấu hiệu tấn công CSGT, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng người thi hành công vụ, gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên dân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ trình độ văn hoá, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng. Đồng thời, vì sự ích kỷ, tư lợi của bản thân mà cố tình tránh né, bất hợp tác hoặc chống đối, gây sự nhằm tổn hại hình ảnh, cản trở lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, việc chống đối, không chấp hành, thậm chí tấn công CSGT làm nhiệm vụ, không chỉ trực tiếp đe doạ tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ mà còn dẫn đến nhiều hệ luỵ về ANTT, ATGT chung.
Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu, Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Những trường hợp chống đối, không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ tùy vào mức độ, cũng như tính chất của vụ việc sẽ có những phương án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật cần xem xét, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài việc tập huấn kỹ càng cho lực lượng chiến sĩ, cân nhắc tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể, thì công tác đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhận thức và đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, tăng quyền giám sát cho người dân cũng cần tăng lên.
Rõ ràng, trong bối cảnh tình hình TNGT ngày càng có những diễn biến phức tạp thì vấn đề tăng cường xử lý vi phạm giao thông phải được đẩy cao hơn nữa mới đủ sức răn đe; Đồng thời phải xử lý cương quyết và đủ mạnh với các hành vi chống đối lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ. Có như vậy mới mong pháp luật nghiêm minh, việc vi phạm giao thông, tai nạn giao thông mới mong được kiềm giảm./.
Song Khuê