ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 06:01:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chủ động nguồn hàng khi thiên tai, dịch bệnh

Báo Cà Mau (CMO) Nhằm đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai; đồng thời làm việc với các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh, Co.opmart Cà Mau, Vinmart Cà Mau, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau,… về phương án dự trữ mặt hàng thiết yếu. Tổng nguồn hàng dự trữ trên 1.434 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, hàng hoá phong phú, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định; không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng; cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất, kinh doanh cho người dân.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá 4 tháng đầu năm ước đạt 45.606 tỷ đồng, tăng 11,79% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 25.688 tỷ đồng, bằng 37,07% kế hoạch, tăng 11,26% so với cùng kỳ.

Phó giám đốc Sở Công thương Dương Vũ Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 siêu thị và trung tâm thương mại, trong đó có 2 siêu thị chuyên doanh và 2 siêu thị tổng hợp; 112 cửa hàng tiện lợi và hơn 6.300 cửa hàng tạp hoá, thực phẩm chuyên doanh; 71 chợ.

Các DN tham gia triển khai kế hoạch dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai chủ yếu là các công ty phân phối xăng dầu, các công ty cung ứng hàng hoá tiêu dùng như: Co.opMart Cà Mau, VinMart Cà Mau, Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau, Chuỗi cửa hàng VinMart+, Chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh, các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu (393 cửa hàng, 15 DN đầu mối)... Các mặt hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, giá cả tương đối ổn định.

Co.opMart Cà Mau luôn chủ động phương án vận chuyển đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn hàng được các nhà phân phối, DN chủ động, có phương án vận chuyển đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cụ thể, nguồn hàng của Co.opMart Cà Mau được cung cấp từ các kho ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang, giá trị hàng hoá nhu yếu phẩm dự trữ tại Cà Mau là 25-30 tỷ đồng, khi cần thiết vận chuyển trong 3-5 giờ là có hàng. Nguồn hàng của VinMart Cà Mau được cung cấp từ các kho của công ty tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang và tại Cà Mau cũng có kho dự trữ hàng hoá; giá trị hàng hoá, nhu yếu phẩm dự trữ tại kho khoảng 4 tỷ đồng. Nguồn hàng của chuỗi cửa hàng VinMart+ được cung cấp từ các kho ở TP Hồ Chí Minh vận chuyển về Cà Mau khoảng 3-6 giờ; giá trị hàng hoá, nhu yếu phẩm dự trữ tại kho khoảng 8 tỷ đồng. Nguồn hàng của Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau được cung cấp từ các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, vận chuyển về trong thời gian khoảng 1 ngày và tại Cà Mau có 3 kho hàng dự trữ; giá trị hàng hoá, nhu yếu phẩm dự trữ khoảng 36 tỷ đồng. Nguồn hàng của chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh được cung cấp từ kho Hậu Giang và vận chuyển về Cà Mau khoảng 3-5 giờ; giá trị hàng hoá, nhu yếu phẩm dự trữ tại kho Cà Mau khoảng 50-60 tỷ đồng.

Việc điều tiết vận chuyển, phân phối hàng hoá từ trung tâm tỉnh về các huyện, xã hiện nay đã được các công ty, DN thiết lập mạng lưới phân phối hàng hoá giữa DN và các đại lý, cửa hàng bán lẻ rộng khắp (kể cả vùng sâu, vùng xa); phương tiện vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ và đường thuỷ.

Ðể hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN trong công tác dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai, Sở Công thương Cà Mau kiến nghị Bộ Công thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, hoặc vay không tính lãi để đảm bảo nguồn hàng hoá dự trữ./.

 

Phúc Duy

 

Liên kết hữu ích