Hiện nay, số bệnh nhân đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) trong cộng đồng đang có xu hướng ngày càng gia tăng nhanh chóng, với nhiều biểu hiện biến chứng nặng nề như về tim mạch, thận, mắt, thần kinh… và nó đã thật sự trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Do vậy, việc trang bị những kiến thức hiểu biết cơ bản về các triệu chứng của căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ giúp người bệnh có thể phát hiện sớm, để điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay trong tỉnh có tới 15.260 người mắc căn bệnh ĐTĐ, bình quân mỗi năm phát hiện mới gần 3.000 trường hợp; trong số đó có 54 trường hợp tử vong do các biến chứng nặng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hoá.
Một bệnh nhân đái tháo đường đang được bác sĩ Trạm Y tế xã Khánh Thuận, (huyện U Minh) tiêm Insulin định kỳ.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về nội tiết Insulin hoặc đề kháng với Insulin, hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hoá đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân không thể tự chuyển hoá các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, từ đó lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác…
Đối với ĐTĐ tuýp 1, xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi (thường gặp nhất là dưới 20 tuổi), chiếm khoảng 5-10% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Ở thể này, các triệu chứng bệnh thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện được bệnh.
Tuy nhiên, đối với ĐTĐ tuýp 2 là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hoá, chiếm từ 90-95% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Giai đoạn này do không có những triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân rất khó phát hiện.
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Yếu tố lối sống đóng một vai trò nào đó trong khả năng gây ra tình trạng bệnh ĐTĐ. Trong khi ĐTĐ type 1 chủ yếu xảy ra là do cơ chế tự miễn dịch, thì nguy cơ của ĐTĐ type 2 chủ yếu là do lối sống không lành mạnh”.
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, bệnh ĐTĐ tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính nguy hiểm như mù loà, suy thận, đau tim, đột quỵ và thậm chí là phải cắt cụt chi.
Bà T.T.T, 52 tuổi, ngụ Khóm 6, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, đã có hơn 20 năm “sống chung” với căn bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, gần đây do căn bệnh có những biến chứng nặng, các bác sĩ đã phải tháo cả khớp gối chân cho bà và cả 2 mắt bà T đều đã bị mù loà. Bà T cho biết: “Trước đây, do bản thân tôi thiếu hiểu biết về mối nguy hiểm của căn bệnh tiểu đường nên không thường xuyên đi tầm soát tỷ lệ đường huyết, đến khi phát hiện thì căn bệnh đã ở vào thể chuyển nặng rồi”. Điều đáng lo ngại hơn, cả hai người con gái của bà chỉ mới ở vào độ tuổi 20 nhưng cũng đã bị bệnh ĐTĐ.
Các triệu chứng ĐTĐ ở giai đoạn đầu có thể không xuất hiện hoặc chỉ có một vài triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng xuất hiện dần theo thời gian. Thường thì ở bệnh nhân ĐTĐ type 1, các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rõ ràng với các biểu hiện sút cân nhanh chóng, đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều... Trong khi các triệu chứng ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 diễn tiến âm ỉ, ít triệu chứng, thường chỉ tình cờ phát hiện khi được khám sức khoẻ định kỳ hoặc phải nhập viện vì một lý do khác.
Bệnh ĐTĐ có thể phòng ngừa được bằng một lối sống, sinh hoạt lành mạnh như: Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập ít nhất 30 phút; giảm lượng carbohydrate tinh chế, bao gồm đường và các loại thực phẩm ngọt; ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu; duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì; không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia; kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Đặc biệt, kiểm tra đường huyết định kỳ khoảnh 6 tháng đến 1 năm một lần là cách đơn giản nhất để tầm soát ĐTĐ./.
Phương Vũ