(CMO) Hàng năm, vào mùa mưa, trên địa bàn huyện Cái Nước bắt đầu xảy ra tình trạng sạt lở đất. Được biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng, tại ấp Mỹ Tân, xã Trần Thới và ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, đã làm hư hỏng nhiều đoạn lộ và cống vuông tôm của người dân.
Tuyến kênh xáng Đông Hưng dài trên 10 km, đi qua địa bàn của 2 xã: Đông Thới và Trần Thới. Trong đó, có trên 5,5 km đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu vào bên trong đất liền làm ảnh hưởng đến hệ thống lộ bê tông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Lãnh đạo huyện Cái Nước kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn. Ảnh: KIM ÚT |
Bà Cao Thị Đối, ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, cho biết: “Mặc dù gia đình tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sạt lở nhằm bảo vệ phần đất của gia đình, như làm bờ kè bằng bê tông, trồng cây mắm để giữ đất nhưng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đoạn lộ bê tông trước nhà sụt lún, gia đình tôi phải dời lộ vào trong. Tôi đã dời nhà vào trong 3 lần rồi”.
Theo Trưởng ấp Mỹ Đông Lê Hồng Khanh, tình trạng sạt lở trên địa bàn đã xảy ra rất nhiều năm, mặc dù chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhiều giải pháp giữ đất. “Mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể nhằm hạn chế được tình trạng sạt lở. Năm học mới bắt đầu, lộ làng cứ sụt lún như vầy làm sao con em đi học được”, ông Nguyễn Văn Út, ấp Mỹ Đông, bày tỏ.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cái Nước, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện có 139 căn nhà bị sập và tốc mái, ước tổng thiệt hại tài sản lên đến hơn 400 triệu đồng. Tuy số căn nhà sập và tốc máy tăng hơn so với cùng kỳ, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp ứng phó trong tình huống nguy hiểm, nên thiên tai không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm các cấp chính quyền địa từ huyện đến cơ sở, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chằng chống nhà ở và ứng phó trong tình huống nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng. Bà Tô Thị Phước, ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng, là một trong những trường hợp có nhà bị ảnh hưởng thiên tai do cơn bão số 3 vừa qua, cho biết: "Khi bước vào mùa mưa bão gia đình luôn có ý thức chằng chống để hạn chế thiệt hại, nhưng do căn nhà cất bằng cây gỗ địa phương, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nên bị sập đổ hoàn toàn".
Đây là một trong nhiều trường hợp có nhà bị sập và tốc mái do ảnh hưởng thiên tai, nhưng nhờ chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống và tìm nơi tránh trú khi tình huống mưa bão nên không xảy ra thiệt hại về người do thiên tai gây ra.
Theo nhận định của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp, mưa dông, lốc xoáy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, nhằm giúp người dân không ngừng nâng cao ý thức, chủ động ứng phó trong mọi tình huống thời tiết nguy hiểm, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.
Kim Út - Việt Tiến