(CMO) Ngày 11/7, kỳ họp thứ Chín HĐND tỉnh Cà Mau bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận chung và giải trình những vấn đề được đặt ra tại nghị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giải trình nhiều vấn đề nóng.
Tình trạng nợ đọng BHXH trong các doanh nghiệp, trong đó nợ khó đòi đến nay hơn 59 tỷ đồng là hết sức báo động. Lao động trong các doanh nghiệp không được mua BHXH vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp tìm cách “lách luật” để không mua BHXH cho người lao động. Vì vậy, trước hết cần phải quyết liệt phát hiện, xử lý về vi phạm ở lĩnh vực BHXH và BHYT. Ngành chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp trách nhiệm giữa các ngành, nâng cao ý thức về quyền lợi của người lao động. HĐND các cấp phải tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm chặt tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, LĐLĐ tỉnh Cà Mau, cho biết: “Có 2 đơn vị được lưu ý trện địa bàn tỉnh về nợ đọng BHXH là Công ty thuỷ sản Quốc Việt nợ trên 23 tỷ đồng BHXH, kinh phí công đoàn trên 5 tỷ đồng; công ty Cadomimex trên 17 tỷ đồng BHXH. Công nhân các công ty này không được đóng BHXH, hoặc chốt BHXH sau khi nghỉ việc đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động”.
Đại biểu Vũ Hồng Như Yến đặt ra băn khoăn về các vi phạm về đất đai, xây dựng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Bà Yến cho rằng, có tình trạng “làm ngơ”, xử lý không tới nơi tới chốn, dẫn đến sai phạm ngang nhiên tồn tại. Lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh đang gặp khó khăn nhưng các báo cáo đều chưa nêu được nguyên nhân của tình trạng này. Bà Yến kiến nghị: “Với công tác quản lý sử dụng đất cần phải rà soát quy hoạch, xây dựng lộ trình quy hoạch chi tiết ở khu vực đô thị, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật. Phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý một cách triệt để. Xử lý cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nhưng vẫn để ra sai phạm”.
Đại biểu Vũ Hồng Như Yến đặt ra băn khoăn về các vi phạm về đất đai, xây dựng, đặc biệt là ở khu vực đô thị.
Đại biểu Phạm Thị Ngọc, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu: “Dãy quán cà phê ven bờ hồ Vân Thuỷ xây dựng không phép, nhưng vì sao lại tồn tại trong một thời gian dài. Theo cam kết thì đến cuối năm 2019 sẽ tháo dỡ, nhưng như thế là quá chậm bởi dư luận, cử tri đang rất bức xúc”.
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh gởi gắm tâm tư của cử tri Đầm Dơi: “Điện lực nói tăng giá 8,36%, tuy nhiên, nhìn vào số tiền đóng hàng tháng, con số tăng là nhiều hơn rất nhiều. Người dân không có điều kiện để biết quy trình tính toán giá điện, các thang bậc giá điện, tuy nhiên, điện tăng là ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, kinh tế của bà con. Vậy nên mức tăng, cách tính toán thế nào để phù hợp với thực tế”.
Đại biểu Ngô Ngọc Khuê, Trưởng ban VH-XH trăn trở: “Xử lý rác của nhà máy xử lý rác lại gây ô nhiễm môi trường. Đợt mưa vừa qua, ô nhiễm theo nước mưa tràn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân”. Theo bà Khuê, công suất thiết kế là xử lý 200 tấn rác/ngày, trong khi đó lượng rác tập kết từ các nguồn chỉ vào khoảng 180 tấn, tại sao rác thải chưa xử lý ứ đọng quá nhiều?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giải trình các vấn đề được nêu. Ông Nguyễn Tiến Hải thừa nhận: “Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT là thực trạng tồn tại thời gian qua ở địa phương. Vấn đề này ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người lao động, một số doanh nghiệp đã đến mức phải xử lý. Tuy nhiên, UBND tỉnh không có chức năng trực tiếp để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đề nghị LĐLĐ và các ngành liên quan tăng cường trách nhiệm, ý thức để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.
Vấn đề đất đai, ông Nguyễn Tiến Hải thừa nhận dư luận đặt ra là rất đúng. Tuy nhiên, theo ông, câu chuyện này không phải mới diễn ra mà tồn tại trong thời gian rất dài. Theo đó, các quy định của pháp luật về đất đai đã thay đổi rất nhiều, không thể giải quyết hết trong một ngày, một bữa. Ông Nguyễn Tiến Hải không phủ nhận “công tác quản lý chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở không chặt chẽ, dẫn đến sai phạm”.
Về câu chuyện cho thuê đất ở hồ Vân Thuỷ và các công trình sai phép tại đây, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, đại biểu và cử tri nêu rất chính xác. Ông Nguyễn Tiến Hải nói thẳng: “Do các cơ quan quản lý nhà nước làm chưa tốt, chưa hết trách nhiệm của mình”. Việc tính giá cho thuê của các cơ quan quản lý làm rất chậm, làm không phù hợp nên không nhận được sự hợp tác của phía doanh nghiệp, dẫn đến không thu được tiền. Công trình sai phép mọc lên và tồn tại trong thời gian dài là điều không thể chấp nhận. Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Phải dời, phải tháo dỡ. Đây là trách nhiệm của UBND thành phố và có thoả thuận với doanh nghiệp về thời điểm”.
Về nhà máy rác, ông Nguyễn Tiến Hải nói là “điểm nhạy cảm”, “điểm nóng”. Cả tỉnh chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý rác thải. Nhà máy này được hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây dựng theo chủ trương khuyến khích của tỉnh. Quá trình hoạt động, nhà máy đã duy tu lần 1 hơn 20 tỷ đồng năm 2016, đến năm 2018 duy tu lần 2 hơn 25 tỷ đồng. Nhà đầu tư xin tạm dừng 3 tháng nhưng thực tế là 6 tháng. Nhà máy rác đang tiếp tục đề nghị tiền hỗ trợ xử lý rác và cho thuê thêm đất để xử lý nước thải. UBND tỉnh đang xem xét hết sức thận trọng các đề xuất này. Với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải khẳng định: “Sẽ xem xét giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo, toàn diện và triệt để”.
Quốc Rin