Con số hơn 99,98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, cho thấy những nỗ lực của ngành điện cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn điện liên tục, an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, thì ý thức, sự hiểu biết của người dân là nhân tố quan trọng.
Nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết của người dân trong quá trình sử dụng điện, ngành điện cũng như các sở, ngành và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, bảo trì lưới điện và cả hệ thống điện trong nhà dân; thường xuyên triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả, trong đó có cấp phát cẩm nang cung cấp kiến thức, thực hiện các chuyên mục an toàn điện trên phương tiện thông tin... Ðồng thời, khuyến cáo người dân các giải pháp để chủ động phòng tránh tai nạn điện, nên lắp đặt các thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ; thường xuyên kiểm tra đường dây, thiết bị đóng cắt, cầu dao, không để các thiết bị nơi ẩm ướt...
Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sử dụng điện nhưng vẫn còn không ít trường hợp người dân chưa thật sự am hiểu, bất cẩn, thậm chí chủ quan khi sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất.
Công nhân ngành điện Cà Mau thường xuyên kiểm tra và nâng cấp hạ tầng lưới điện để khắc phục tình trạng quá tải, cũng như giảm thất thoát điện, đây là giải pháp không chỉ đảm bảo an toàn mà còn để tiết kiệm điện trong điều kiện nhu cầu ngày một tăng của người dân.
Ðiều này thể hiện rõ qua các vụ tai nạn điện đáng tiếc thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các nguyên nhân được xác định dẫn đến các vụ tai nạn điện là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn điện chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân tự ý câu móc, di dời công tơ điện, sử dụng nhiều thiết bị điện khiến quá tải... gây mất an toàn điện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, tai nạn do điện. Ngoài ra, cũng có các trường hợp bị tai nạn do sử dụng bẫy chuột, bắt cá bằng điện...
Mặt khác, dù đã có hơn 99,98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nhưng trong số đó, bên cạnh 301.546 hộ sử dụng điện kế chính, vẫn còn khoảng 4.048 hộ phải sử dụng điện chia hơi. Nhiều nơi người dân sử dụng điện chia hơi nhưng dây dẫn chưa đảm bảo chất lượng, lẫn tải trọng, trụ điện đa phần bằng cây tạp, thiếu an toàn, chưa đảm bảo độ cao... đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến sự cố về điện, nhất là trong thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của mọi người, mọi nhà, doanh nghiệp đều tăng cao. Ðiều này không chỉ gây áp lực cho ngành điện khi phụ tải tăng cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác, thời tiết nắng nóng như hiện nay, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, Khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau, phải sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện gia dụng phục vụ sinh hoạt. Bà Oanh cho biết: "Vào giờ trưa, có khi cùng lúc sử dụng tủ lạnh, máy lạnh, tivi, quạt máy, máy lọc nước, đèn... nhưng không thể không xài được, bởi đây là thời gian các thành viên trong gia đình cùng về nhà và thời tiết bên ngoài nắng nóng, nhiệt độ tăng cao".
Trong suốt thời gian qua, công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đó, đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Sự chuyển biến này thể hiện rõ nhất khi trung bình mỗi tháng toàn tỉnh tiết kiệm được khoảng 2,5% sản lượng điện thương phẩm, tức khoảng 3,9 triệu kWh.
Thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng, nguy cơ quá tải cục bộ ở một số đường dây, trạm biến áp có thể xảy ra. Do vậy, để tình trạng này không xảy ra, bên cạnh những nỗ lực của ngành điện, rất cần sự chung tay chia sẻ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện tiết kiệm điện./.
Phan Ngọc Ẩn