(CMO) Bà Phạm Thị Ngọc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Ðề án Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ban hành là cơ sở, là nội dung xây dựng và hoàn thiện cơ chế PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật. Trong đó, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện Ðề án đã thu hút được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo Nhân dân.
Nhiều hoạt động PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm đã được áp dụng và không ngừng phát huy hiệu quả. Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của Nhân dân về học tập và làm theo pháp luật ngày càng nâng lên, đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển hoá địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.
Mô hình 3 an toàn, 3 không được triển khai tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau được đánh giá cao về tính hiệu quả. |
Cụ thể, năm 2018, có 9 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thuộc diện chuyển hoá, đã chuyển hoá thành công 4 địa bàn. Năm 2019 có 8 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thuộc diện chuyển hoá, đã chuyển hoá thành công 6 địa bàn. Năm 2020, từ 9 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tư, an toàn xã hội thuộc diện chuyển hoá, đã chuyển hoá thành công 7 địa bàn. Năm 2021, có 15 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thuộc diện chuyển hoá (đang thực hiện đánh giá).
Bà Phạm Thị Ngọc cho biết: "Trên cơ sở các quyết định thực hiện chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp đã có văn bản gửi địa phương xác định nhu cầu PBGDPL cần bồi dưỡng như các lĩnh vực: đất đai; môi trường; an toàn thực phẩm; hình sự, ma tuý, tệ nạn xã hội khác; trật tự, an toàn giao thông, phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em... Từ đó, có những chương trình, giải pháp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho tuyên truyền viên phù hợp với tình hình thực tế".
Hình thức tuyên truyền PBGDPL thời gian qua được thực hiện phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế, như hội nghị triển khai, hội thảo, tập huấn, toạ đàm, đối thoại, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, sinh hoạt pháp luật cộng đồng, câu lạc bộ; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép với sinh hoạt của các tổ đoàn thể...
Từ thực tiễn địa phương đã qua trong công tác PBGDPL nói chung, đề án nói riêng, đến thời điểm hiện tại, đúc kết được nhiều kinh nghiệm rất cần được nhìn nhận, đánh giá và có phương hướng nhân rộng trong thời gian tới. Như trong công tác này, yêu tố quan trọng là tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, đề cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện những nội dung liên quan. Trong đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời uốn nắn những hạn chế, yếu kém.
"Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nòng cốt ở địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL. Ðể hạn chế vi phạm pháp luật, trong công tác PBGDPL cần chú ý nhóm đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ cao. Tăng cường phối hợp với gia đinh, nhà trường và đoàn thể quản lý, giáo dục, kèm cặp, giúp đỡ họ có hành động tích cực", bà Ngọc cho biết thêm./.
Văn Ðum