(CMO) Đoàn cán bộ do Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Uỷ ban Dân tộc Phạm Thúc Thủy có buổi khảo sát chuyên đề tại Cà Mau.
Ngày 23/10, đoàn khảo sát kết quả đào tạo cán bộ, công chức cấp xã cho vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025; đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ cho người dân tộc thiểu số bằng nguồn ngân sách giai đoạn 2019-2025; cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
Huyện Trần Văn Thời có 2.325 hộ người dân tộc thiểu số với 9.757 khẩu, chiếm 4,96% số hộ trong toàn huyện. Theo điều tra, đầu năm 2018, hộ nghèo người dân tộc thiểu số có 608 hộ, chiếm 26,26%; 184 hộ cận nghèo, chiếm 7,95% so với họ dân tộc thiểu số.
Tại các xã thuộc Chương trình 135 trên địa bàn huyện có 70 cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc. Trong đó, 51 người có trình độ đại học, 17 người có trình độ cao đẳng, trung cấp; có 2 người chưa qua đào tạo.
Thực hiện Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với các xã thuộc Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, đã có 208 cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ấp, khóm tham gia các lớp: kỹ năng lãnh đạo, quản lý; văn hóa ứng xử giao tiếp; bồi dưỡng cải cách hành chính; nâng cao năng lực quản lý nhà nước…
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã vùng dân tộc thiếu số giai đoạn 2019-2025 là chuẩn đầu vào thạc sỹ, tiến sỹ cao nên công chức, viên chức người dân tộc không thể thi đậu. Số lượng cán bộ là người dân tộc phụ trách công tác dân tộc ở cơ sở còn quá ít. Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm đối với các trường hợp cử tuyển sau khi ra trường gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc tuyển dụng, bố trí việc làm cho người lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự ưu tiên, cả trong xuất khẩu lao động.
Phương Lài