Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, có những nghĩa tình yêu thương âm thầm được thắp lên từ tấm lòng nhân ái, từ sự sẻ chia không điều kiện giữa người với người. Tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, mô hình “Quầy hàng miễn phí: Ai thừa đến cho - ai thiếu đến nhận” trở thành nét đẹp của tình người, khơi dậy tinh thần “lá lành đùm lá rách” qua hành động nhỏ bé nhưng đầy tính nhân văn.
Mô hình do Nhóm thiện nguyện “Cho đi là còn mãi” khởi xướng, với sự phối hợp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hàm Rồng. Chị Võ Hồng Cẩm, Trưởng nhóm, chia sẻ về sự ra đời của nhóm: “Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của nhiều hộ gia đình, trẻ em thiếu quần áo mặc, bản thân cũng là người mẹ nên tôi thấy xót thương. Tôi chia sẻ ý tưởng lập nhóm thiện nguyện và nhận được sự quan tâm của chị em. Mọi người đều đồng thuận, chung mong muốn lan toả yêu thương bằng những hành động thiết thực. Từ đó, Nhóm thiện nguyện “Cho đi là còn mãi” ra đời”.
Bắt đầu từ ngày 19/2/2019, gian hàng miễn phí đầu tiên ra đời theo hình thức tự phát. Dù còn đơn sơ nhưng mô hình nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Chỉ sau một tháng hoạt động, với sự ủng hộ từ chính quyền và cộng đồng, Nhóm thiện nguyện “Cho đi là còn mãi” chính thức ra mắt. Buổi lễ khi ấy ấm áp khi có hàng trăm người tham dự, hơn 400 kg gạo và hàng trăm bộ quần áo được trao tặng.
Ðồ nào sứt chỉ, đứt nút đều được các chị may sửa lại cẩn thận.
Cách cầu Ðầm Cùng 700 m về hướng Năm Căn, Gian hàng 0 đồng được dựng ngay bên đường, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đến lựa chọn. Bà Võ Thị Út, ấp Kinh Tắc, thành viên nhóm, chia sẻ: “Tôi tham gia nhóm ngay từ đầu. Ban đầu chúng tôi nấu cơm từ thiện mỗi dịp Rằm, 30 hằng tháng, tập hợp tại nhà Cẩm để nấu. Cẩm chuẩn bị hết mọi thứ, từ nhu yếu phẩm đến những vật dụng cần thiết. Chúng tôi có gì góp nấy, không có thì góp sức, Cẩm vẫn rất vui vẻ. Ðến khi chúng tôi chuyển sang làm Gian hàng 0 đồng chi phí đều do Cẩm phụ trách chính, từ kim chỉ, dây thun, bột giặt, nước giặt, điện... thậm chí lo cơm cho chúng tôi mỗi khi đến đây làm”.
Các chị làm việc 10 tiếng/ngày để phân loại đồ.
Gian hàng 0 đồng được tổ chức trong sự tôn trọng và yêu thương. Không chỉ người nghèo, mà bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đến tìm cho mình món đồ phù hợp. Việc vận hành nhóm để “cửa hàng” luôn đầy ắp đồ đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và tinh thần trách nhiệm cao từ 11 thành viên nhóm. Từ việc thu gom quần áo, vận chuyển, đến giặt giũ, phân loại, khâu vá..., tất cả được thực hiện bằng sự tự nguyện, tận tâm.
Nhóm của chị Cẩm luôn chỉn chu trong khâu tổ chức, được thể hiện qua sự chu đáo ngay trong từng chi tiết nhỏ: quần áo rách được may lại, dây kéo hư được thay sửa, những bộ đồ sạch sẽ, phẳng phiu được treo lên. Bởi họ hiểu rằng, người khó khăn cần không chỉ vật chất, mà còn sự tôn trọng và cảm giác được quan tâm, sẻ chia.
Quần áo sau khi soạn được các chị giặt, sấy khô rồi mới xếp vào bao gửi đi, theo từng kích cỡ.
Chỉ tay về phía hàng chục bao quần áo được sắp xếp gọn gàng, chị Cẩm cười hiền: “Ðây là đồ cần thay dây thun, may lại đường chỉ, vì còn mới nên nhóm để sẵn, khi nào rảnh sẽ mang ra làm. Chứ đồ rách, đứt chỉ, sứt nút... cho thì bà con cũng không mặc được”.
Không chỉ tại địa bàn xã nhà, nhóm còn tổ chức điểm tiếp nhận tại nhiều địa phương như xã Viên An, TP Cà Mau. Ðồng thời, chị Cẩm còn có mối quan hệ mật thiết với nhiều nhóm thiện nguyện trên cả nước, thường xuyên huy động xe tải miễn phí để chuyển đồ.
Theo chị Cẩm, bình quân mỗi năm nhóm nhận từ các mạnh thường quân khoảng 15 tấn quần áo và chuyển đi hỗ trợ người dân khó khăn. Qua hơn 6 năm hoạt động, nhóm hỗ trợ ở nhiều địa phương trong nước hơn 80 tấn quần áo, hơn 35 ngàn bộ quần áo dịp Tết, trên 3 ngàn bộ đồng phục học sinh, cùng hàng ngàn phần quà thiết yếu cho người dân vùng sâu, vùng xa. "Ðợt bão Yagi ảnh hưởng không nhỏ đến các tỉnh phía Bắc. Trước khó khăn đó, nhóm đã vận động trên 15 tấn quần áo từ nhiều địa phương, nhóm đã làm quyết liệt bất kể ngày đêm để kịp vận chuyển hỗ trợ bà con ngoài đó”, chị Cẩm chia sẻ kỷ niệm.
Ðiều khiến Nhóm thiện nguyện “Cho đi là còn mãi” trở nên đặc biệt, không chỉ là lượng hàng hoá hay số lượng người được hỗ trợ, mà chính là ở giá trị lan toả của mô hình. Nhờ tích cực truyền thông qua mạng xã hội, hình ảnh những quầy hàng nghĩa tình đã chạm đến trái tim của rất nhiều người, từ người dân địa phương đến mạnh thường quân khắp nơi, ngày càng nhiều những trái tim kết nối trong sự đồng điệu làm điều tử tế trong cuộc sống.
Gian hàng 0 đồng tại xã Ðất Mới trong “Ngày Biên phòng toàn dân”, tại Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Năm Căn.
Quầy hàng không chỉ trao quần áo, nhu yếu phẩm, mà còn trao sự ấm áp và khơi dậy tinh thần tương thân tương ái giữa người với người. Câu chuyện “cũ ta - mới người” trở thành động lực để hàng ngàn cá nhân, tổ chức đóng góp và chia sẻ, dù ít dù nhiều. Chị Cẩm thông tin: “Ðồ thì nhiều, nhưng nhà kho của xã cho mượn tập kết không đủ. Trước khó khăn đó, tôi bàn với ông xã mua đất, xây thêm nhà để làm kho chứa đồ. Ðồng thời, cất thêm phòng nghỉ cho các chị đến làm có chỗ nghỉ ngơi”. Hiện tại, nhà kho mới của chị Cẩm đã hoàn tất, tổng chi phí xây cất trên 250 triệu đồng.
Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của chị Võ Hồng Cẩm và các thành viên, Nhóm thiện nguyện “Cho đi là còn mãi” đang tiếp tục mang nghĩa tình đến với bà con khó khăn, kết nối những tấm lòng và chung tay giữ gìn giá trị nhân ái trong cộng đồng./.
Kim Cương