Qua mấy trận mưa liên tục, những hàng dâm bụt, bông trang đâm thêm chồi non và cứng cáp hẳn ra. Sớm nay, tranh thủ lúc cây vừa ráo nước, bà con trong ấp cắt tỉa bớt để cây vào “khuôn” thẳng tắp, đẹp mắt hơn. Nhanh tay tỉa hết đoạn hàng rào hoa còn bỏ dở hôm trước, bà Lý Hồng Xuân trần tình: “Hổm nay lu bu chu tất tiệc “sinh nhật” cùng mấy chị em, rồi mưa suốt, nên mới dở dang thế này. Chứ hễ cây mà vượt tầm là tôi với ông nhà “xử” gọn gàng liền. Bởi nó không chỉ là bộ mặt của nhà mình, mà còn góp phần tạo nên mỹ quan của cả ấp”.
Qua mấy trận mưa liên tục, những hàng dâm bụt, bông trang đâm thêm chồi non và cứng cáp hẳn ra. Sớm nay, tranh thủ lúc cây vừa ráo nước, bà con trong ấp cắt tỉa bớt để cây vào “khuôn” thẳng tắp, đẹp mắt hơn. Nhanh tay tỉa hết đoạn hàng rào hoa còn bỏ dở hôm trước, bà Lý Hồng Xuân trần tình: “Hổm nay lu bu chu tất tiệc “sinh nhật” cùng mấy chị em, rồi mưa suốt, nên mới dở dang thế này. Chứ hễ cây mà vượt tầm là tôi với ông nhà “xử” gọn gàng liền. Bởi nó không chỉ là bộ mặt của nhà mình, mà còn góp phần tạo nên mỹ quan của cả ấp”.
Hoá ra ở ấp (ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị kỷ, huyện Thới Bình) có Câu lạc bộ (CLB) Phát triển bền vững được thành lập và duy trì đã được 7 năm, do chị em phụ nữ trong ấp “hợp sức”. Hôm 29 âm lịch vừa qua là CLB vừa tròn 7 tuổi, nên các gia đình chị em tề tựu chúc mừng. Theo lý giải của bà Xuân, CLB này là CLB đầu tiên ở ấp nên gọi là CLB Phát triển bền vững 1, còn CLB thứ 2 ở xóm dưới của ấp.
Bà Lý Hồng Xuân cắt tỉa hàng rào cây xanh để làm đẹp nhà, đẹp đường làng, ngõ xóm. |
Trước đây, CLB chỉ là nhóm nhỏ, chị em có cùng chung sở thích đờn ca, mỗi khi đám tiệc tụ họp chuyện trò, chia sẻ đủ thứ chuyện trong - ngoài gia đình, từ đó gắn bó, khăng khít. Thấy vậy, Hội Phụ nữ xã “bày kế” thành lập CLB để chị em sinh hoạt thành nếp, đến nay đã có 30 thành viên của 30 hộ gia đình tham gia. “Chính từ tình chị em, chúng tôi tin tưởng nhau, ai có kế làm ăn hay đều kể nhau nghe, rồi hướng dẫn cách làm. CLB còn góp hũ gạo tình thương sẻ chia chị em khó khăn, cùng nhau lập nên tổ hùn vốn (500.000 đồng/tháng). Mỗi tháng cứ đến 29 âm lịch, CLB họp bỏ thăm. Vốn nhận được chị em dùng thả tôm, chăn nuôi, trị bệnh, hoặc trang trải học hành cho con,… Ngoài ra, CLB còn lồng ghép tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng; vận động chị em tích cực xây dựng đời sống văn hoá (ÐSVH) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cũng được CLB triển khai tốt”, bà Lý Hồng Xuân cho biết.
Ðơn cử như hoàn cảnh khó khăn của chị Thạch Thị Hiền, có con khuyết tật, rời Bạc Liêu về “chân ướt chân ráo”, khi được gia nhập CLB, được giúp đỡ đồng vốn, gia đình chị đã có xuồng, xe máy sinh kế bán buôn. Sau 7 năm phát triển bền vững, 30 hộ gia đình có thành viên của CLB đã có kinh tế vững chắc, gia đình êm ấm, con cái thành đạt. Họ còn góp sức giúp đỡ các gia đình nghèo, khó khăn ngoài CLB.
Bí thư Chi bộ ấp Ðường Ðào Hữu Thảo phấn khởi: Ấp hiện có 445 hộ dân, trong đó có 294 hộ đồng bào dân tộc Khmer sống đan xen người Kinh. Kinh tế chính của họ là lúa - tôm, chăn nuôi,... Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở ấp đã nhanh chóng triển khai 5 nội dung, 3 tiêu chuẩn của phong trào gắn liền với xây dựng NTM tới tất cả các hộ dân. Trong đó, cán bộ, đảng viên là hạt nhân; còn gia đình là cốt lõi của mọi phong trào. Ðồng thời, lập nên 13 tổ Nhân dân tự quản gắn với tổ văn hoá tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các tiêu chí; ấp còn tích cực tuyên truyền thực hiện thông qua các cuộc họp, hệ thống loa phát thanh.
“Ðể đạt được hiệu quả như mong đợi ở ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer này, chúng tôi còn phát huy vai trò người có uy tín là ông Hữu Nhọ, nhất là trong việc hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách tiếp cận mô hình kinh tế, tự lực vươn lên; ngoài ra, còn có mô hình CLB phát triển bền vững. Nhờ vậy mà nay đời sống nâng lên, con cái bà con học hành thành đạt. Tổng điều tra năm 2014, ấp có trên 70 con em học đại học, có nghề nghiệp ổn định, ấp được nên danh “Làng đại học””, ông Hữu Thảo cho biết thêm.
Ông Nguyễn Nhật Bằng, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện, Phó Ban Chỉ đạo (BCÐ) xây dựng ÐSVH - xây dựng NTM huyện Thới Bình, đánh giá: Hay ở điểm, Bí thư Chi bộ là người dân tộc Khmer, Chi hội trưởng các hội, đoàn thể cũng là người dân tộc Khmer, nên trong việc quan tâm đến công tác mô hình sản xuất, xoá đói giảm nghèo nhiều năm qua, ấp Ðường Ðào làm bài bản. Thấu hiểu bà con, họ chỉ ra được cách thoát nghèo, như: các hộ khá có vuông tôm nhiều, hỗ trợ hộ nghèo cân cá bán lại; các hội, đoàn thể hỗ trợ vốn mua xe cân cá để bán, cải thiện đời sống. Rồi họ hướng dẫn hộ nghèo chăn nuôi, làm mô hình đa cây, đa con để mùa nào cũng có thu nhập. Kể cả chi xài cũng có kế hoạch theo kiểu “ăn cần, ở kiệm”, họ tích luỹ được vốn, siêng năng trong lao động sản xuất; các hủ tục trong đời sống văn hoá không cần thiết, cũng được loại bỏ.
Nay, cuộc sống bà con ấp Ðường Ðào đã thay đổi rõ nét. Hiện ấp chỉ còn 14 hộ nghèo (có 9 hộ đồng bào Khmer), theo kế hoạch phấn đấu, đến cuối năm 2015, ấp giảm còn 7-8 hộ nghèo do không đất đai, già neo đơn. Ðời sống vật chất đủ đầy hơn, có xe máy, phương tiện nghe nhìn. Ấn tượng đầu tiên khi về ấp chính là những con đường nhựa, đường bê-tông trong ấp đều sạch sẽ, thoáng đãng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Ðời sống văn hoá ngày càng phong phú, Nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; giữ vững an ninh trật tự; ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc thực hiện các phong trào ngày càng nâng lên... Ðến nay, phong trào XDÐSVH gắn với xây dựng NTM đã tạo nên những nét đẹp văn hoá trong nếp sống của mỗi người dân ấp Ðường Ðào. Họ quyết tâm hơn, phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu “Ấp văn hoá NTM”./.
Bài và ảnh: Băng Thanh