Cái Đôi Vàm, thị trấn nhỏ ven biển của huyện Phú Tân, là nơi mà cuộc sống người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ, gắn chặt với biển cả. Không chỉ đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ mà các chị còn phải mưu sinh, nhưng thu nhập bấp bênh theo từng chuyến biển.
Chị Thạch Thị Bé Ba, Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, là một trong những ví dụ tiêu biểu về cuộc sống chật vật nơi đây. Gia đình chị không có đất sản xuất, phải nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước để có một căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ. Hai vợ chồng và bốn người con sống dựa vào công việc làm thuê. Chị Bé Ba làm nghề ráp câu, kiếm được khoảng 180 ngàn đồng/ngày, nhưng công việc này không thường xuyên. Vào mùa ruốc, chị đi phơi ruốc, lựa tôm, cá mỗi khi ghe cặp bờ. Chồng chị thì lênh đênh ngoài biển khơi với công việc đi ghe câu. Mùa mưa bão, khi biển động, anh lại chuyển sang đi rừng bắt ốc len.
Do không có đất sản xuất, chị Thạch Thị Bé Ba phải làm thuê sống qua ngày nhưng thu nhập rất bấp bênh.
Chị Bé Ba chia sẻ: "Cuộc sống bấp bênh, mỗi ngày chỉ kiếm được vài trăm ngàn, đủ để nuôi sống gia đình. Nhưng dù khó khăn đến đâu, mình cũng không bỏ cuộc, phải bám biển mà sống".
Theo lời chị Võ Cẩm Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cái Đôi Vàm, Khóm 5 có đến 53 hộ người dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, đi rừng bắt ốc hay lựa cá. Đời sống của phụ nữ nơi đây phụ thuộc nhiều vào nghề biển và công việc lao động chân tay nặng nhọc.
"Một ngày chị em làm công việc như phơi ruốc hay lựa cá có thể kiếm được khoảng 150 ngàn đồng, nếu làm từ sáng đến tối thì thu nhập có thể lên đến 400 ngàn đồng", chị Hằng chia sẻ. Tuy vậy, công việc vẫn rất bấp bênh, phụ thuộc vào mùa vụ.
Chị em ở đây cũng đã từng tham gia vào các tổ làm khô nhưng vì nhiều lý do các tổ này không duy trì được. Mặc dù đã có nhiều cuộc tuyên truyền và tập huấn từ các dự án như Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024, nhưng chị em vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đầu tư lâu dài và bền vững.
Ông Trần Hoàng Đảm, Trưởng Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: “Khóm hiện có 407 hộ, trong đó có 53 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn khóm còn 8 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo, trong đó 4 hộ dân tộc nghèo và 3 hộ dân tộc cận nghèo. Trước đây, số hộ nghèo và cận nghèo trong khóm rất nhiều, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ Nhà nước về việc xây nhà và khuyến khích làm ăn, nhiều hộ dân đã dần ổn định hơn về cuộc sống”.
Chẳng hạn như trường hợp của chị Kim Thị Hiền, sống bằng nghề buôn bán và chăn nuôi gà, vịt. Chị Hiền có hai người con, trong đó, người con lớn đã đi xuất khẩu lao động, con nhỏ đang học lớp 8. Dù cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự cố gắng và chăm chỉ, chị Hiền đã tạo điều kiện để con cái học hành, phát triển tương lai”.
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Đôi Vàm Võ Cẩm Hằng (thứ 2 từ trái sang) cùng Trưởng Khóm 5 Trần Hoàng Đảm (bìa trái) thăm hỏi cuộc sống gia đình chị Kim Thị Hiền những ngày mưa bão.
Dù đã có nhiều nỗ lực, phụ nữ thị trấn Cái Đôi Vàm, đặc biệt là ở Khóm 5, nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc sinh sống vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh. Những người phụ nữ nơi đây không chỉ cần sự hỗ trợ về vật chất mà còn cần thêm các chương trình tập huấn, phát triển nghề nghiệp bền vững hơn.
Hồng Phượng