ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 20:38:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðáp ứng vốn vay, cùng khách hàng vượt khó

Báo Cà Mau (CMO) Mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, nhưng các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng, nhất là các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh ước đạt 54.179 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là sự cố gắng lớn của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc đáp ứng vốn tín dụng cần thiết, hỗ trợ kịp thời đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, nhất là các DN xuất khẩu thuỷ sản.

Ðồng thời, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tích cực xử lý, thu hồi nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn nợ, tạo nguồn vốn đầu tư tín dụng, tập trung cho vay đối với sản xuất kinh doanh, phục vụ chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và tập trung vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/ND-CP.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV Cà Mau, chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số DN và người dân đều chỉ hoạt động cầm chừng hoặc buộc phải dừng hoạt động dẫn đến một số lĩnh vực, ngành nghề bị đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng đầu vào, đầu ra, đơn hàng và doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao. Từ đó, DN và người dân gặp nhiều khó khăn và chưa thể khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay được. Về phía ngân hàng, cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng vì khi tỉnh Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến lượng khách hàng trực tiếp đến giao dịch giảm, ngân hàng bị giảm nguồn thu".

Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng chỉ làm việc tại cơ quan 50%, số còn lại phải làm việc tại nhà và nhiều nhân viên thuộc diện F1, F2 phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, BIDV Cà Mau đã triển khai tích cực các biện pháp hỗ trợ tối đa cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, chi nhánh đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0.5-1,5% năm đối với khách hàng hiện hữu, với tổng dư nợ giảm lãi suất 1.665,52 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu thời gian trả nợ với tổng dư nợ cơ cấu đến thời điểm 30/9 số dư 219,9 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc cơ cấu 218 tỷ đồng và lãi cơ cấu 1,9 tỷ đồng).

Nhân viên Ngân hàng BIDV Cà Mau tư vấn khách hàng về các hình thức gửi tiết kiệm.

Ðể đồng hành cùng khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Tổng giám đốc Agribank đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ...; các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cà Mau, cho biết: Ðã có 402 khách hàng của chi nhánh được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số tiền 248 tỷ đồng; 79.500 khách hàng được giãm lãi suất cho vay đối với số tiền lãi giảm 22 tỷ đồng. Theo đó, chi nhánh cũng đã cho hơn 30 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách hàng là DN lớn, DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân vay mới với tổng số tiền trên 722 tỷ đồng; trong đó, số tiền lãi ưu đãi trên 1,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank cũng đã triển khai miễn phí chuyển tiền trong nước trong và ngoài hệ thống trên tất cả các kênh thanh toán của Agribank. Riêng chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank khách hàng được miễn phí khi sử dụng các kênh thanh toán điện tử như ATM, E-mobile banking, Internet banking…

Ðồng hành cùng người dân và DN phát triển kinh tế

Ðể chuẩn bị cho thời kỳ trong và hậu Covid-19, góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam giai đoạn mới, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank cấp trên, cùng với công tác tăng cường phòng, chống dịch, theo ông Nguyễn Phú Hải, thời gian tới, Agribank Cà Mau sẽ tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Ðồng thời căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình thực hiện tiết giảm tối đa các khoản chi phí, nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đơn vị sẽ chủ động cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; căn cứ tình hình thực tế, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí đối với khách hàng khó khăn. Cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Về phía BIDV Chi nhánh Cà Mau, đã đề ra nhiều giải pháp cùng đồng hành với DN và người dân phục hồi và phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Theo ông Trần Thanh Quỳnh, ngoài việc đáp ứng nhu cầu vay vốn cho khách hàng hiện hữu, BIDV còn chủ động tiếp cận xem xét cấp tín dụng cho nhiều DN, cá nhân mới có nhu cầu vay thêm vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, đảm bảo DN và người dân được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, nhanh chóng. Song song đó, BIDV triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau giãn cách; 5.000 tỷ đồng hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng cho cán bộ y tế và gói tín dụng 20.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân.

Thời gian tới, hy vọng các giải pháp mà hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trong tỉnh đã triển khai sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ DN, người dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng đẩy mạnh phát triển kinh tế tỉnh nhà./.

 

Hồng Phượng