ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 11:23:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đất anh hùng dựng xây nông thôn mới

Báo Cà Mau (CMO) Vùng đất này từng được gọi là xã Phú Mỹ (chung), sau đó là Phú Mỹ A và bây giờ là Phú Thuận.

Cái eo đất mà trên đường xuôi ngược ra cửa biển Cái Đôi Vàm, người ta thân thương gọi tên địa danh Vàm Đình. Chính tại nơi đây, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau ra mắt quốc dân, đồng bào vào ngày 20/11/1961, đưa cách mạng của Cà Mau hoà chung khí thế những ngày đồng khởi. Phú Thuận giờ đây đã hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng NTM, khoác lên mình một diện mạo nông thôn trù phú, đẹp tươi.

Thắm tươi đất khó

Mấy năm trở lại thăm ông Dương Thành Nhỏ, ấp Đất Sét, nhìn cơ ngơi của ông, chúng tôi cảm nhận được bước tiến vững chắc của đất và người Phú Thuận. Cái địa danh Đất Sét gợi lên một trời ký ức với lão nông này, ông kể: “Hồi đó mần nông nghiệp thì khó khăn lắm. Lúa trồng có bụi mà không có bông. Hết đường tính, tôi quay sang mần rẫy”. Nghề rẫy bám riết ông mấy chục năm nay. Từ cây lúa chuyển qua con tôm, ông Nhỏ vẫn thuỷ chung với hoa màu, mùa nào việc ấy. Bây giờ thì ông Nhỏ có thêm trang trại gà, ăn nên làm ra, nhưng cũng lui cui với bờ liếp, sân vườn trồng đủ loại. Ông nói: “Hông mần thì nhớ nghề, bỏ đất không cỏ mọc thì tiếc”.

Câu chuyện của ông Nhỏ, từ một hộ khó khăn vươn lên khá, giàu với thu nhập hơn 15 triệu/tháng khiến ai cũng cảm phục. Chủ tịch Hội CCB xã Phú Thuận Bùi Trung Lập cho biết: “Phú Thuận bây giờ phát triển khá lắm. Ngoài nguồn thu từ vuông tôm, bà con còn làm thêm các mô hình rẫy, chăn nuôi, đủ thứ cây, con hết”. Nhớ lần ghé trước, đang cái nắng cực hạn, vậy mà sân nhà ông Nhỏ vẫn ngập tràn màu xanh của dưa hấu, trái to loại nhất, chủ gia khoe với khách: “Nói là vùng mặn, nhưng đất chỗ này mà trồng rẫy thì không thua ở đâu hết”. Cũng từ những tấm gương trong lao động như ông Nhỏ, mô hình rẫy hoa màu, chăn nuôi nở rộ khắp Phú Thuận, tạo nên một diện mạo nông thôn căng tràn nhựa sống.

Gặp lại anh Hồ Hỡi, giờ là Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, anh thông tin: “Coi như xã đã hoàn thành xong các tiêu chí, chỉ chờ thẩm định và công nhận thôi”. Một câu ngắn gọn nhưng trong đó là cả hành trình vươn lên của Phú Thuận, từ vùng đất nghèo vươn lên thành xã NTM. Điều mừng nhất của Phú Thuận chính là sự chung sức, đồng lòng và ý thức cao độ của người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương. Anh Hỡi chia sẻ: “Thành quả này có sự đóng góp to lớn của bà con. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể có sự hậu thuẫn và tin tưởng của Nhân dân thì làm gì cũng thuận lợi, cũng có kết quả tốt”. Cũng thú vị. Hiếm nơi đâu, khi nói về thành tựu, vai trò của Nhân dân lại được đặt ở vị trí trung tâm. Mà xét cho cùng, NTM cũng là của dân, do dân và vì dân. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể là những người tổ chức thực hiện, không có dân thì tổ chức và thực hiện thế nào cho xong (!)

Bia kỷ niệm nơi ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau đặt tại khu vực giáp ranh giữa ấp Đất Sét và ấp Giáp Nước, nơi các thế hệ con người Phú Thuận gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng.

Phú Thuận giờ chỉ còn 1,5% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt mức 50 triệu/người/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn dần hoàn thiện, đời sống và mức sống người dân đã bước sang một giai đoạn mới, như lời anh Hỡi khẳng định: “Mình xây dựng nông thôn mới là để người dân khá giàu lên, xây dựng quê hương tươi đẹp hơn”. Điều này rất khác với mục tiêu xoá nghèo mà cách đây mấy năm, cũng anh Hỡi, khi đó là Phó chủ tịch UBND Phú Thuận đã ước ao. Sau một mùa đại hạn, dân Phú Thuận đón mùa mưa bằng màu xanh mướt của rẫy hoa màu. Nhịp điệu lao động và ý chí vươn lên của con người nơi đây khiến cả vùng đất bừng tỉnh, tái sinh và toát lên một vẻ đẹp khoẻ khoắn, vững bền.

Ngọn nguồn cách mạng

Ông Cao Hữu Thạo, ấp Giáp Nước, thương binh 4/4, kể cho chúng tôi nghe về sự kiện ra mắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau. Khi ấy, ông Thạo 20 tuổi, là Phân đoàn trưởng thanh niên của ấp. Vùng Giáp Nước và Đất Sét được lựa chọn làm nơi ra mắt của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau bởi địa thế hiểm trở, bí mật. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, đó là bà con quanh vùng đều một lòng sắt son với cách mạng. Chú Thạo cùng với các đoàn viên thanh niên ấp khi ấy đảm nhận phần trang trí, chuẩn bị sân bãi, bảo vệ sự kiện.

Theo lời kể của chú Thạo, một khoảng đất ngang tầm 4 công, dài 8 công đất được ruồng trống lấy mặt bằng chuẩn bị cho sự kiện. Người đi dự chen chân kín mít, đến nỗi lươn chui đầu lên chết, bờ đất sạt xuống lòng sông. Các hoạt động văn nghệ chào mừng do Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau đảm nhận, là những tên tuổi đã tạc vào sử sách Cà Mau như ông Út Nghệ (ông Nguyễn Hải Tùng); Nghệ sĩ Kim Chi; Nghệ sĩ Huỳnh Hảnh… Ngay sau sự kiện chấn động lòng người ấy, Phú Mỹ (chung) tiến lên xây dựng làng xóm kiểu mẫu thời chiến. Không khí cách mạng ở vùng đất này bừng lên. Rừng Mũi Ông Lục trở thành căn cứ đầu não kháng chiến của huyện Cái Nước (chung).

Mô hình rẫy màu và chăn nuôi của ông Dương Thành Nhỏ, ấp Đất Sét, mang lại thu nhập ổn định trên 15 triệu đồng/tháng.

Cũng phải nói thêm rằng vùng Giáp Nước được coi là phên giậu để che chắn và bảo vệ Căn cứ Tỉnh uỷ phía Xẻo Đước. Rồi sau này, khi chia tách thành Phú Mỹ A, rồi Phú Thuận, có chút nuối tiếc khi danh hiệu xã anh hùng cũng không còn nữa. Riêng về chuyện này, chú Thạo trăn trở: “Phú Mỹ anh hùng thì đúng rồi. Nhưng Phú Thuận là một phần máu thịt của Phú Mỹ lớn ngày xưa. Nơi đây cũng xứng đáng anh hùng lắm chớ. Vậy mà chia tách rồi, bên này mất luôn cái đáng tự hào nhất, ai mà không xót”.

Trong máu và hoa của những trang sử hào hùng, Cà Mau làm sao có thể quên đi công lao to lớn của những vùng đất, tên người xứ sở Phú Tân ngày nay. Đầm Thị Tường như bà mẹ nhân từ, gan góc, kiên trung che chở cho đầu não kháng chiến tỉnh nhà. Rồi bao nhiêu xóm làng, bao nhiêu những con người vô danh đã anh dũng đối đầu với kẻ thù khát máu từ thời biệt khu Hải Yến - Bình Hưng cho đến tận ngày giải phóng. Phú Tân anh hùng từ những con người anh hùng vô danh mà chí tình chí nghĩa với cách mạng.

Đứng trước bia kỷ niệm nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau, chúng tôi bồi hồi tưởng nhớ về ngọn nguồn của cách mạng quê hương. Nếu không có gốc me phía Tân Ân, Rạch Gốc, nơi thầy giáo Hiển phất cờ Khởi nghĩa Hòn Khoai; không có Giáp Nước - Đất Sét, nơi cách mạng chuyển sang khí thế Đồng Khởi, tổng tấn công kẻ thù bằng bạo lực vũ trang cách mạng thì làm sao có được ngày hôm nay, quê hương thanh bình, giàu đẹp.

Chuyến đi này, chúng tôi còn may mắn gặp được ông Trương Việt Văn, người gọi Nhà báo - Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Mai bằng cậu ruột. Ông nhắc lại kỷ niệm với cậu Năm của mình: “Cậu Năm thương tụi tui dữ lắm. Bữa đó, từ nhà tôi cậu Năm uống 2 ly rượu từ giã, rồi đi mãi”. Trong trí nhớ của ông Văn, lần đó là lần duy nhất ông thấy cậu Năm mình uống rượu. Đám giỗ của Nhà báo - Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Mai được ông Văn tổ chức vào ngày mùng 4 Tết hàng năm. Ông còn nhắc lại bài báo cuối cùng mà cậu Năm ông viết, tác phẩm ký “Đêm tàn”: “Đêm tàn, là tàn đời tụi giặc. Là bình minh cho quê hương mình, phải không mấy em nhà báo?”.

Quê hương Phú Thuận, nơi chúng tôi qua có biết bao điều mà lòng còn xốn xang và thương nhớ. Bước đi của đất anh hùng chuyển mình dựng xây NTM cứ vang dội mạch nguồn của ngày hôm qua, kết nối với niềm tin đong đầy của hôm nay và mãi mãi ngàn sau./.

Phạm Hải Nguyên

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.