Trong xã hội hiện đại, tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị. Ðể nhận biết trẻ có dấu hiệu tự kỷ từ sớm, kịp thời điều trị, vừa qua, Phòng khám Phục hồi chức năng Minh Hải (Phường 7, TP Cà Mau) kết hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Cà Mau có buổi thảo luận về chủ đề “Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ để sớm can thiệp kịp thời”.
Qua buổi thảo luận, các bậc phụ huynh, các bạn trẻ được bổ sung thêm nhiều thông tin để có cái nhìn bao quát hơn trước những nguy cơ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ số.
Không gian thảo luận chủ đề “Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ để can thiệp sớm” là cơ hội để những bậc phụ huynh, những ai có mối quan tâm về chứng tự kỷ ở trẻ tương tác trực tiếp với chuyên viên giải đáp thắc mắc tại chỗ.
Anh Huỳnh Nhật Hào, Trưởng bộ phận Nhi khoa phát triển, Phòng khám Phục hồi chức năng Minh Hải, chia sẻ: “Tự kỷ không phải là bệnh, mà chỉ là sự rối loạn ở trẻ. Ðặc biệt, với những trẻ có biểu hiện tự kỷ, không dùng từ “lì” để áp đặt với trẻ. Chính vì vậy, thông qua buổi trò chuyện trực tiếp, ngoài giới thiệu cơ bản về chứng tự kỷ ở trẻ, nội dung chính cần xoáy sâu vẫn là các biểu hiện, dấu hiệu cụ thể để phụ huynh, người thân của trẻ nhận diện trực tiếp. Ngoài ra, cũng chia sẻ một số phương pháp can thiệp hiệu quả”.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, những dấu hiệu báo động trẻ bị rối loạn tự kỷ thường rất đa dạng, bao gồm: Trẻ không bập bẹ trước 9 tháng tuổi, không chỉ ngón trỏ trước 12 tháng, không nói từ đơn lúc 16 tháng, không nói từ đôi lúc 2 tuổi, thoái lui ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất kỳ thời điểm nào; thiếu giao tiếp mắt phù hợp tuổi, thiếu biểu lộ niềm vui tình cảm, thiếu sự sẻ chia, quan tâm hay thích thú. Ðặc biệt, trẻ thiếu đáp ứng với tên gọi, nói chuyện nhịp và ngữ điệu bất thường, các hành vi rập khuôn như xoay vòng tròn, có mối bận tâm dai dẳng về đồ chơi hay đồ vật...
Hiện nay, tại Phòng khám Phục hồi chức năng Minh Hải đang tiếp nhận điều trị khoảng 30 trẻ mắc chứng tự kỷ. Tự kỷ không có phác đồ điều trị, mà trị liệu theo biểu hiện của trẻ, chính vì vậy, thời gian phục hồi nhanh hoặc chậm tuỳ vào mức độ tự kỷ, độ tuổi và khả năng phối hợp của trẻ với giáo viên, chuyên viên, sự đồng hành từ phía gia đình.
Tự kỷ không có phác đồ điều trị cụ thể mà trị liệu theo biểu hiện của trẻ, trong đó hữu hiệu nhất là việc tương tác 1:1 giữa giáo viên, chuyên viên với trẻ. (Ảnh chụp tại Phòng khám Phục hồi chức năng Minh Hải).
Bên cạnh chia sẻ thông tin, xuyên suốt thời gian buổi thảo luận, trao đổi, nhiều bậc phụ huynh, bạn trẻ đặt ra câu hỏi tương tác 2 chiều thiết thực, xoáy vào nội dung trọng tâm như: chi phí thăm khám; thời gian phục hồi; trẻ có biểu hiện bất hợp tác, la hét có phải là phổ tự kỷ hay không; tự kỷ có phải do di truyền... Thông qua việc giải đáp thắc mắc tại chỗ cùng chuyên viên đã cung cấp những thông tin, kinh nghiệm, kịp thời giúp các bậc phụ huynh nhận biết sớm các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để phụ huynh hiểu và hỗ trợ kịp thời trong hành trình phát triển về sau của con.
Anh Lư Hoài Phương (Phường 8, TP Cà Mau) cho biết: “Trước nay, tôi khá quan tâm vấn đề trẻ mắc chứng tự kỷ. Tôi cũng có người quen có con biểu hiện tăng động, không kiểm soát được hành vi. Bản thân tôi có con 4 tuổi, tôi cũng mong muốn tìm hiểu, trong mỗi giai đoạn phát triển thì con có những hoạt động nào là phù hợp”.
Anh Khoa (Phường 6, TP Cà Mau) chia sẻ: “Hiện tại, tôi chưa lập gia đình, nhưng thông qua buổi sinh hoạt này, tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ðó là, khi nuôi dạy trẻ nhỏ cần quan sát hành vi của trẻ ở từng độ tuổi khác nhau; chủ động giao tiếp, trao đổi và quan tâm cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Ðặc biệt, trong thời buổi hiện tại, nhiều ba mẹ có thói quen cho con tiếp xúc với điện thoại, công nghệ khá nhiều, thì các chủ đề nuôi dạy và sẻ chia cùng con từ thực tiễn, càng thiết thực, cần được nhân rộng nhiều hơn”./.
Nhi Ngô