Sáng 22/12, Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lưu ý, phải xây dựng thị trường lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, tăng cường quảng bá văn hoá Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam”. (Ảnh baochinhphu.vn)
Qua số liệu ước tính, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá ước đạt 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hoá tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch, giai đoạn 2018-2022, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hoá; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Kết quả cho thấy, các ngành công nghiệp có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, có giá trị tôn vinh văn hoá, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Hai điểm cầu Hà Nội và Cà Mau tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hoá vẫn còn đối mặt với một số khó khăn bất cập như: Chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực. Sự phối hợp để tạo chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa còn chưa phát triển mạnh mẽ và theo hệ thống.
Cùng với đó, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo riêng có, qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng trong nước và quốc tế….
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hai nội dung: Thứ nhất là giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam”. Thứ hai là các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và thực tiễn triển khai để khẩn trương đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hoá theo hướng đầu tư tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị; giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, tinh thần là sau Hội nghị phải có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá.
Thủ tướng nêu rõ, để công nghiệp văn hoá nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hoá "Dân tộc – Khoa học – Đại chúng" của Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943.
“Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện cơ chế thị trường, ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hoá và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân. Bên cạnh đó, phải xây dựng thị trường lành mạnh, đẩy mạnh công nghiệp phát triển văn hoá, tăng cường quảng bá văn hoá Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Lam Khánh