Chiều 21/12, Chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá, Đề án 06 là một trong những “điểm sáng” chuyển đổi số của nước ta.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Đề án 06 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số của nước ta trong 2 năm qua. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06 đã góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện Đề án, có 3 bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào phải dứt điểm việc đấy; Chủ động của người đứng đầu mang tính quyết định; kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các Bộ, các ngành, giữa doanh nghiệp và người dân tạo được sự liên thông các cơ sở dữ liệu là rất cần thiết.
Tại hội nghị, các địa phương cũng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc về triển khai thực hiện Đề án 06. Qua đó, đề xuất kiến nghị, giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” để thực hiện Đề án tốt hơn trong thời gian tới.
Tại điểm cầu Cà Mau, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt; Đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 đánh giá, qua 2 năm thực hiện, Đề án 06 đã tạo sự chuyển biến tích cực từ Trung ương đến địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng. Thời gian tới, các địa phương cần tập trung chỉ đạo điều hành hơn nữa về số hoá, đơn giản quá thủ tục hành chính cho người dân; đẩy nhanh hơn nữa việc cập nhật cơ sở dữ liệu, kết nối cơ sở dữ liệu để hoàn thành trung tâm dữ liệu quốc gia…
Phát biểu chỉ đạo về việc thực hiện Đề án 06 trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Vẫn còn nhiều vệc phải làm, trong đó trọng tâm là thực hiện chủ đề của năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hoá, dữ liệu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển khai Đề án 06 để phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung khẩn trương giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án 06 và 17 nhiệm vụ theo các Chỉ thị, Nghị quyết, Công điện của Chính phủ. Tập trung triển khai các lộ trình theo Đề án 06/ năm 2024, chậm nhất là trong tháng 1 phải xong các kế hoạch”.
Qua 2 năm triển khai quyết liệt, đến nay đã hoàn thành 67/77 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án và 200/216 nhiệm vụ thuộc các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06. Đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện.
Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương đạt 58,2% (cao hơn chỉ tiêu 40%); tại các Bộ, ngành đạt 31,7% (chưa đạt chỉ tiêu 40%), riêng Bộ Công an đạt 75%.
Về phát triển công dân số, Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao), hoàn thành cấp hơn 84,7 triệu căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Triển khai các tiện ích trên ứng dụng VneID vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có những nội dung mang lại nhiều tiện ích cho người dân như: Sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú; tích hợp thẻ CCCD, thông tin cư trú của công dân; tích hợp ví điện tử lên tài khoản VneID…
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Cà Mau đẩy mạnh hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) mức độ 2 trên ứng dụng VNeID có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin của công dân.
Đến nay, đã có 37.542 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 72,8 triệu hoá đơn. Tổng số tiền thuế thu trên hoá đơn trên 1.900 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử trên các lĩnh vực: ngân hàng, viễn; giao thông vận tải; bảo hiểm; y tế (100% các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai giải pháp khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp Bảo hiểm Y tế) đã tạo được sự hài lòng và đồng thuận rất cao từ người dân và doanh nghiệp.
Kim Cương