Nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, từ năm 2014, Hội LHPN tỉnh triển khai Ðề án "Nâng cao năng lực hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đệm rừng tràm U Minh Hạ". Ðề án trên đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho 80 phụ nữ nghèo trên địa bàn xã.
Nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, từ năm 2014, Hội LHPN tỉnh triển khai Ðề án "Nâng cao năng lực hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đệm rừng tràm U Minh Hạ". Ðề án trên đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho 80 phụ nữ nghèo trên địa bàn xã.
Xã Khánh Thuận, huyện U Minh, điều kiện phát triển kinh tề còn rất khó khăn do phần lớn diện tích nằm trên địa phận rừng tràm, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp kết hợp với quản lý, khai thác cây tràm và một số sản vật dưới tán rừng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Khánh Thuận còn ở mức cao và nguy cơ tái nghèo rất lớn.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Phạm Hồng Nhân (thứ hai từ phải sang) tham quan các sản phẩm từ Đề án “Nâng cao năng lực hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đệm “rừng tràm U Minh Hạ“ tại hội nghị tổng kết đề án. |
Mô hình trồng màu trên các bờ bao lâm phần đã được trồng thí điểm từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Ðến nay, nhiều mảnh đất nhiễm phèn trên các lâm phần rừng tràm được phủ xanh rau màu, cây ăn trái. “Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cải tạo những mảnh đất nhiễm phèn chua để phát triển nông nghiệp, vì thế, ý tưởng sáng tạo của Hội LHPN tỉnh về “Nâng cao năng lực hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo sinh sống trong địa bàn vùng đệm rừng tràm U Minh Hạ” sẽ là cơ hội mang lại sinh kế cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Ðồng thời, tạo thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô”, chị Tiêu Việt Tiên, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Cà Mau, chia sẻ.
Nhằm tạo môi trường sản xuất có liên kết, hợp đồng trong đầu tư sản xuất, qua đó bán sản phẩm ra thị trường dễ hơn và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ, đề án đã thành lập 4 tổ hợp tác cho 80 chị em phụ nữ ở 2 ấp 11 và 15. Từ đó các chị em được tập huấn kỹ thuật trồng màu theo phương pháp hiện đại, tập huấn kỹ năng quản lý hộ, cách tính giá thành, định giá thành bán ra, hỗ trợ hạt giống và dụng cụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện mô hình. Tham gia đề án, các chị em còn được hỗ trợ thùng ủ rác hữu cơ và hướng dẫn phân loại rác, ủ rác hữu cơ làm phân compost. Ngoài ra, các chị em còn được truyền thông về Luật Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức cho các thành viên tổ hợp tác nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên.
Sống trên lâm phần rừng tràm nhiều năm nay nhưng cuộc sống vẫn còn chật vật, trước đó chị Phạm Thị Mỹ Nhiều, ấp 11 đã trồng dưa leo nhưng năng suất không cao, khi triển khai đề án chị mạnh dạn tham gia vào Tổ hợp tác Thắng Lợi, từ đó chị được hỗ trợ giống dưa, phân bón, màng phũ, kỹ thuật, đến nay rẫy dưa của chị đang vào vụ thu hoạch.
Chị Hà Thị Chiêu, Tổ hợp tác Hoà Phát, ấp 15, xã Khánh Thuận, cho biết, trước đây khi chưa được tham gia tập huấn kỹ thuật thì trồng màu hay bị chết do không nắm được kỹ thuật làm đất, nhưng khi được học qua thì trồng hiệu quả hơn. Với 130 dây dưa leo, trong 10 ngày đầu chị thu hoạch được 60 kg. Ngoài ra, tham gia lớp tập huấn kinh tế hộ, chị đã biết được cách tính chi phí nguyên vật liệu, chi phí lao động trực tiếp, từ đó tính được giá thành sản phẩm nên tính được giá thành khi bán ra phải cao hơn tổng chi phí sản xuất mới có lợi nhuận.
Chị Trịnh Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 15, cho biết, ấp có 40 chị em phụ nữ tham gia đề án, được chia làm 2 tổ hợp tác, đa số các chị em trồng đậu đũa, dưa leo, các loại cải. Qua gần 1 năm triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các chị em.
Chị Tiêu Việt Tiên cho biết, U Minh là một trong những huyện có xã nghèo của tỉnh Cà Mau. Về phía hội không thể nào giúp hết phụ nữ nghèo được, mà phải chọn nhóm cộng đồng phụ nữ nghèo ở địa bàn này để hỗ trợ. Sau đó sẽ nhân rộng ra các cộng đồng khác. Hội hướng dẫn họ học kỹ thuật tận dụng bờ bao bỏ trống để trồng rau màu và cho kết quả tốt. Các loại cây trồng được quanh năm như dưa leo, mướp, đậu đũa năng suất rất tốt nếu áp dụng khoa học - kỹ thuật phù hợp.
Với kinh phí tài trợ hơn 200 triệu đồng, đề án còn khảo sát thị trường tiêu thụ, qua khảo sát đã có 80/120 ý kiến các sạp tại các điểm chợ sẽ thu mua bán lại cho khách hàng, 40 ý kiến còn lại do có mối làm ăn lâu dài nên chưa nhận lời. Ðến nay, hầu hết rau màu sau khi thu hoạch màu đều đem bỏ cho các sạp ở chợ nên giá cả ổn định.
Ông Phạm Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết, qua thời gian thực hiện đề án, các mô hình trồng màu của chị em phụ nữ đạt được năng suất cao. Trước mắt xã sẽ duy trì 4 tổ hợp tác của đề án, sau đó sẽ nhân rộng ra các ấp khác. Ðề án này đã góp phần thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Chị Tiêu Việt Tiên nhận định: Qua triển khai đề án, đến nay cơ bản chị em phụ nữ nắm được kỹ thuật trồng màu an toàn, nắm được kiến thức về kinh tế hộ, có đầu ra ổn định. Tuy vụ màu của bà con triển khai chậm so với kế hoạch do nhiều yếu tố như thời tiết nắng nóng, hạn hán, lượng nước trong các kênh bờ bao rừng tràm bị nhiễm mặn, người dân trồng màu không có nước tưới, nhưng hiện đã có nhiều hộ cho thu hoạch. Ðây là hướng mở để chị em phụ nữ vùng đệm rừng tràm có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từ đó tạo ra nguồn sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng