(CMO) “Chúng tôi đánh giá rất cao về ngành thuế, có thể nói đây là cơ quan có sự cải cách hành chính sâu rộng nhất, có nhiều giao dịch điện tử, công khai, minh bạch trong nhiều hoạt động. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, khoảng cách đã gần nhau hơn, nói chuyện cởi mở hơn”, đó là đánh giá của Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau La Văn Hiếu, nhân hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2019 vừa qua.
Với mục tiêu lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, thủ tục về thuế, thời gian qua, ngành thuế không ngừng cải cách về thủ tục hành chính cũng như cung cấp kịp thời đến doanh nghiệp, người nộp thuế những chính sách về thuế, miễn giảm thuế để người nộp thuế tiếp cận kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh. Đặc biệt, qua những cuộc đối thoại trực tiếp càng giải toả hơn tâm lý cũng như khúc mắc cho DN trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về thuế.
Đại diện nhiều doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh trao đổi những vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về thuế. |
Đánh giá về lĩnh vực thuế thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, Phó cục trưởng Cục thuế Cà Mau Nguyễn Văn Bé cho rằng, có rất nhiều văn bản thay đổi về chính sách, thủ tục về thuế có hiệu lực thi hành từ năm 2019 và 2020. Trong đó, có 3 thay đổi lớn ảnh hưởng nhất định đối với công tác quản lý thuế cũng như thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế. Đó là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Thông tư 66/2019/TT/BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 110/2015 hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và Thông tư 68/2019/TT/BTC hướng dẫn một số điều Nghị định 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/9/2018, của Chính phủ quy định về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ. Do vậy, đối thoại năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp, người nộp thuế cũng như ngành thuế.
Có rất nhiều ý kiến được doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại. Trong đó, có 2 vấn đề chính được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là chính sách thuế thay đổi và việc cung cấp các dịch vụ thuế có lợi cho doanh nghiệp. Đại diện Bệnh viện MEDIC Cà Mau, bà Đặng Thanh Lam đặt ra câu hỏi: “Bệnh viện là đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, dữ liệu vật tư hàng hoá rất lớn và đã được chuẩn hoá trước đó. Theo đó, thuế cũng được tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu. Nay theo quy định mới chuyển đổi sang phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp phải tự nhập liệu từng loại vật tư hàng hoá mất nhiều thời gian”.
Vấn đề này đã được ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế tỉnh, trả lời: “Hiện nay, theo quy định của luật quản lý thuế mới, có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng: Tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện theo phương pháp khấu trừ sẽ tính trực tiếp trên doanh thu. Riêng đối với đơn vị bệnh viện bắt buộc phải chuyển đổi theo phương pháp khấu trừ, do mới tiếp cận nên sẽ gặp chút khó khăn, doanh nghiệp cần cố gắng thực hiện đúng quy định, ngành thuế sẽ hỗ trợ tích cực”.
Ngoài ra, theo quy định này, khi doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp khai thuế sẽ huỷ tất cả các hoá đơn chưa sử dụng. Riêng thủ tục sử dụng hoá đơn điện tử hiện nay vẫn được áp dụng như quy định trước đây.
Giải đáp về thuế đất phi nông nghiệp của Công ty CP Thuỷ sản Cà Mau, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II Nguyễn Thanh Bồi chia sẻ: “Mặc dù công ty đang làm thủ tục thuê đất và đang trong thời gian chờ cơ quan Nhà nước giải quyết thì vẫn phải kê khai nộp thuế đất phi nông nghiệp trên toàn bộ khu đất mà công ty đang toạ lạc theo quy định. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của công ty”.
Với tinh thần thẳng thắn, nhiều doanh nghiệp cũng đã trao đổi nhiều vướng mắc xoay quanh việc miễn giảm thuế, tra cứu chứng từ thuế, khấu trừ thuế. Ông Nguyễn Văn Bé cho biết thêm, đối với một số vấn đề khác, nếu trong quá trình thực hiện bị vướng, ngành thuế sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người nộp thuế.
Ông La Văn Hiếu mong muốn: “Sự phát triển của doanh nghiệp Cà Mau thời gian qua mặc dù có những bước tiến đáng kể, song vẫn chưa thật sự mạnh, cần phải cải thiện nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, tiếp cận công nghệ 4.0 trong quá trình hoạt động. Để làm được điều này, cần sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, nhất là hỗ trợ các chính sách, pháp luật về thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà ngày một đi lên”./.
Hồng Nhung