ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 08:07:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể thu hút thương mại điện tử

Báo Cà Mau (CMO) Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, cùng với cả nước, thương mại điện tử (TMÐT) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thế nhưng, với góc nhìn tổng thể, việc phát triển TMÐT tại địa phương còn khá nhiều hạn chế, rào cản.

Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện kế hoạch phát triển TMÐT tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt được nhiều nhóm mục tiêu chính. Trong đó, nổi bật là có 90% doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMÐT loại hình “DN với DN” B2B. Có 50% DN có quy mô nhỏ và vừa biết đến tiện ích của TMÐT và tiến hành giao dịch TMÐT loại hình “DN với người tiêu dùng” B2C, hoặc “DN với DN” B2B. Hầu hết các DN nhỏ và vừa đã biết tới và đánh giá cao những lợi ích mà TMÐT mang lại. Phần lớn DN đã tích cực triển khai ứng dụng TMÐT ở các mức độ khác nhau.

Cùng với đó, sàn TMÐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đi vào hoạt động đã thu hút được 60 tài khoản kênh người bán với 316 sản phẩm được trưng bày. Các sàn giao dịch TMÐT của các DN bưu chính có chi nhánh trên địa bàn tỉnh: voso.vn (Viettel), postmart.vn (Bưu điện) hiện nay có 132 gian hàng với 450 sản phẩm của tỉnh được giới thiệu trưng bày.

Ðể đảm bảo nguồn lực có thể phát triển TMÐT bền vững và hiệu quả, đã qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Sở Công thương Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công thương thường xuyên tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về TMÐT cho nhiều đối tượng là DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh với hàng trăm lượt người tham dự. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các công nghệ số, TMÐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm), phần mềm Hạch toán chi phí sản xuất - Kế toán (WACA)…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong chiến lược phát triển TMÐT, dù việc ứng dụng TMÐT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã trở thành phổ biến nhưng phần lớn DN còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng. Hơn nữa, các DN cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới về TMÐT của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Dương Vũ Nam chia sẻ, tại Cà Mau, một số DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ kinh doanh và tin học cần thiết. Thêm vào đó, sản phẩm hàng hoá chưa đa dạng, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt khách hàng, khối lượng giao dịch thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa đồng đều khi tham gia thị trường. Hiện tham gia Sàn giao dịch TMÐT tỉnh chủ yếu là các DN có quy mô lớn, còn các cơ sở vừa và nhỏ lẻ chưa mạnh dạn tham gia giao dịch trên sàn.

Mẫu mã bao bì sản phẩm chưa bắt mắt khách hàng, được nhìn nhận là một trong những hạn chế cản bước phát triển của thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị được hỗ trợ website chưa dành nhiều thời gian để vận hành, khai thác website; thông tin, hình ảnh sản phẩm chậm cập nhật… dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc tham gia các sàn TMÐT lớn trong và ngoài nước của các đơn vị còn hạn chế.

Ðặc biệt, sự tăng trưởng nóng của thị trường TMÐT từ DN tới khách hàng dẫn đến hệ luỵ là các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử. Vấn đề này đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho quản lý Nhà nước trong môi trường này.

Theo ông Dương Vũ Nam, để TMÐT thật sự hiệu quả, cũng như hoàn thành mục tiêu phát triển TMÐT tỉnh Cà Mau tầm nhìn đến năm 2025, việc quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về TMÐT nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp về TMÐT, góp phần chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Thực hiện tốt công tác truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMÐT. Từng bước làm cho sàn TMÐT trở thành kênh mua bán sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp Hiệp hội TMÐT Việt Nam, Cục TMÐT và kinh tế số, các đơn vị, DN tư vấn có kinh nghiệm, năng lực về TMÐT để hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ, công chức, DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển TMÐT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMÐT trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh. Ðẩy mạnh ứng dụng TMÐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển TMÐT tại các địa phương...

“Ðể tạo môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển TMÐT, thời gian tới, Bộ Công thương cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống pháp luật được định hướng theo chuẩn mực chung là hỗ trợ cho giao dịch TMÐT, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện các loại văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, ngành nghề kinh doanh TMÐT, ưu đãi thuế cho giao dịch TMÐT, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMÐT. Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng TMÐT và cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp mình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin của cơ quan, đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp, hướng dẫn người sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin”, ông Dương Vũ Nam nhấn mạnh./.

 

Văn Ðum

 

Liên kết hữu ích