(CMO) Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp ở trẻ, bên cạnh việc điều trị, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp để giúp trẻ sớm hồi phục.
![]() |
Nhân viên y tế tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. |
Nhiễm khuẩn hô hấp được chia làm 2 loại, là nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn hô hấp trên gồm viêm mũi họng, viêm amidal, viêm tai giữa. Nhiễm khuẩn hô hấp dưới gồm viêm thanh, khí, phế quản, viêm phổi, viêm phế quản phổi. Nguyên nhân của nhiễm khuẩn hô hấp cấp có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm vi-rút, thường gặp ở những trẻ sinh non, cân nặng sơ sinh thấp, suy dinh dưỡng hoặc trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình có điều kiện vệ sinh kém, các gia đình có kinh tế khó khăn. Ðặc biệt, thời gian gần đây thời tiết thay đổi thất thường đã làm tỷ lệ trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tăng lên.
Nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy trẻ ho, sốt, chảy nước mũi, thở nhanh, co rút lồng ngực... thì cần cho trẻ đến thăm khám để có hướng dẫn điều trị phù hợp. Ðối với trẻ dưới 5 tháng tuổi cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn; trẻ từ 6-23 tháng tuổi cần đánh giá những thay đổi chế độ ăn của trẻ khi bị bệnh, như số bữa ăn, số lượng ăn mỗi bữa, ai cho trẻ ăn, cho ăn như thế nào... Bổ sung thức ăn như bột, cháo nấu loãng hơn bình thường, đảm bảo đa dạng thực phẩm và cho trẻ ăn nhiều bữa. Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường trong thời gian trẻ nhiễm khuẩn hô hấp. Ðảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ để trẻ không bị sụt cân, suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Ðinh Thị Nguyên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh đường hô hấp nói riêng. Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường. Với trẻ viêm đường hô hấp, cần tuân theo những nguyên tắc của chế độ ăn, như ăn đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ”.
Ngoài ra, việc cung cấp đầy đủ chất đạm cho cơ thể rất cần thiết cho quá trình điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp, để tái xây dựng những mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch. Kết hợp đạm động vật, như thịt, cá, trứng, sữa (khoảng 150-200 g/ngày), và đạm thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu cô ve, đậu nành), các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạnh nhân, macca...). Các nguồn giàu vitamin C như kiwi, cam, chanh ngọt, rau lá xanh, bông cải xanh... rất hữu ích trong việc tăng cường hệ hô hấp. Chúng cũng rất giàu magiê giúp làm sạch đường hô hấp. Hành tây có tác dụng chống viêm và có lợi trong việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, để phòng bệnh liên quan tới đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ để vi khuẩn gây bệnh không có chỗ ẩn náu, ít có cơ hội tấn công và gây hại cho sức khoẻ của bé./.
Minh Khang