Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Các trường đều đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống về chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào các buổi họp chi bộ cũng như họp hội đồng sư phạm tại trường.
- Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên 6 tháng đầu năm
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực công bố kế hoạch kiểm tra tại Cà Mau
- Tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế
- Họp phiên thường kỳ Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cà Mau
- Phòng, chống tham nhũng: Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Tranh: Kiều Loan |
Xây dựng khối đoàn kết vững mạnh
Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, giữ gìn sự đoàn kết phải có tính thống nhất, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Ðoàn kết nhất trí là truyền thống quý báu của Ðảng ta. Ngay cả những lúc cách mạng gặp sóng gió, khó khăn, ở những bước ngoặt phức tạp của lịch sử, Ðảng ta luôn giữ vững khối đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Ðảng đã lãnh đạo và đoàn kết được toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên”.
Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực đang là một trong những thách thức lớn nhất đe doạ sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Những hành vi tham nhũng tinh vi, len lỏi sâu vào bộ máy Nhà nước, Ðảng, trong đó có rất nhiều cán bộ là đảng viên giữ chức vụ chủ chốt. Một số cán bộ đảng viên thoái hoá về tư tưởng, bị biến chất vì lợi ích bản thân mà đã kết bè, kết phái, thông đồng, cấu kết bất chấp thủ đoạn coi thường pháp luật. Ðề cập đến vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật tư, hàng, tiền, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, buôn lậu, ăn cắp gian thương, ăn hối lộ, thông đồng với bọn gian thương để làm giàu. Ðiều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên kể cả một số cán bộ cấp cao, đảng viên lâu năm bị những ham muốn vật chất cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ”.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đứng trước những thời cơ vô cùng to lớn để phát triển, tuy nhiên, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, lớn nhất là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Chúng lợi dụng chiêu bài nhân quyền, tôn giáo, lợi dụng công nghệ 4.0 để chống phá chế độ bằng mọi âm mưu và thủ đoạn vô cùng gian xảo. Chúng tạo dựng clip, gán ghép hình ảnh, cắt xén âm thanh, lồng ghép những lời lẽ vô cùng phản động để chống phá chế độ. Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để khoét sâu vào khối đại đoàn kết của ta.
Âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch vô cùng tàn độc, bởi chúng biết được rằng, những thành quả mà chúng ta có được là do trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta biết phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, biết nâng tầm sức mạnh dân tộc trước thời đại mới. Do đó, muốn làm mất uy tín của Ðảng ta, dẫn đến đánh đổ chế độ ta, chúng phải bằng mọi giá phá tan khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, vì đồng tiền thiếu trong sạch mà đánh mất mình, sẽ tạo nên “sân sau”, vô tình tiếp tay, “nối giáo” cho các thế lực thù địch dễ dàng chống phá.
Trước tình hình đó, để đập tan những âm mưu và thủ đoạn của địch, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên chân chính phải đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết chặt chẽ với Ðảng để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chăm lo gìn giữ sự đoàn kết trong cơ quan lãnh đạo của Ðảng là cơ sở tăng cường đoàn kết nhất trí trong toàn Ðảng”, cụ thể, “cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nói rõ sự thật, nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng phải gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ “Liêm - Dũng - Chính - Trực”. Bản thân phải sạch thì mới chống tham nhũng được. Ðồng thời phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau và đoàn kết chống tham nhũng giữa các cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ðể xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Ðảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Phải xác định tập trung dân chủ là “xương sống vận hành” tạo nên sức mạnh của tổ chức, của Ðảng; tự phê bình và phê bình là liều thuốc nội sinh để chữa những “căn bệnh” có thể gây tổn hại đến tổ chức, tổn hại Ðảng. Ðây là những nguyên tắc có tính sống còn của tổ chức, của Ðảng, không thể lơ là, bỏ sót, lãng quên.
Thực tế cho thấy, nếu nguyên tắc này không được duy trì nghiêm túc thì tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ dễ xảy ra. Do đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải giữ vững quy chế làm việc đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo, những vấn đề quan trọng phải trải qua thảo luận tập thể, biểu quyết và chấp hành theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số”.
Ðồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, tích cực tự phê bình và phê bình. Ðây là con đường, phương thức căn bản để làm sạch nội bộ, tăng cường củng cố đoàn kết, thống nhất trong Ðảng.
Ðoàn kết phải vì lợi ích toàn dân
Ðoàn kết phải trên cơ sở lợi ích toàn dân, của dân tộc. Ðoàn kết theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ðoàn kết là chiến lược, chứ không phải thủ đoạn chính trị”. Trước hết phải từ bên trong, từ chính trong nội bộ, trong tổ chức của cơ quan, đơn vị, bên trong mỗi cá nhân. Ai cũng phải “tự đánh thắng lòng tà của chính mình”, loại bỏ ham muốn vật chất, phù phiếm xa hoa, loại bỏ ham muốn vô nguyên tắc, ham muốn cái không phải của mình.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gương, những người có chức vụ phải thực sự trong sạch, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, xứng đáng “là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Mỗi cá nhân biết tạo cho mình sức mạnh cá thể sẽ tạo nên tập thể vững mạnh, đơn vị, tổ chức vững mạnh, đủ sức đẩy lùi tiêu cực. Người người đều mạnh, nhà nhà đều mạnh, tất cả tạo nên sức mạnh khổng lồ, sẵn sàng nghiền nát âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Bên cạnh tăng cường đoàn kết trong Ðảng, sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân là rất quan trọng. Muốn chống tham nhũng thành công, phải có sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, nòng cốt là cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Ðể công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục lan toả mạnh mẽ, cần phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo niềm tin vững chắc cho Nhân dân; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội. Sẵn sàng đưa ra khỏi Ðảng những đảng viên không đủ tư cách, phẩm chất, uy tín, làm nguy hại đến quốc gia, dân tộc.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo, không ngừng trau dồi học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng lý luận chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức để giữ gìn cái tâm trong sáng, gìn giữ phẩm giá của người đảng viên, đấu tranh vượt qua mọi cám dỗ.
Ðối với người dân, cần chủ động tiếp cận thông tin từ những kênh chính thống; không để dao động, mơ hồ trước những luận điệu xuyên tạc về vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mỗi người cần giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định ủng hộ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bác bỏ mọi âm mưu đả kích, xuyên tạc của kẻ thù.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Muốn thành công, cần đoàn kết chặt chẽ trong từng cán bộ, đảng viên các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từ đó để làm gương phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện hiệu quả nội dung này, góp phần to lớn đập tan những âm mưu, đẩy lùi những thủ đoạn của các thế lực thù địch. Theo đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, tiến tới xây dựng thành công chế độ chủ nghĩa cộng sản.
Lâm Ngọc Ân