ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 09:05:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Doanh nhân sáng tạo, cống hiến

Báo Cà Mau (CMO) Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài, phong toả nhiều khu vực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Cà Mau. Tuy nhiên, không vì "sóng cả" mà "ngã tay chèo”, các doanh nghiệp, kể cả rất nhiều hộ kinh doanh đã và đang gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động; bên cạnh đó còn góp sức vì cộng đồng và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Phóng viên báo Cà Mau có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp để ghi nhận những ý kiến tâm huyết, kỳ vọng khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

* Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau: Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi doanh nhân là một chiến sĩ

Trải qua nhiều lần dịch bùng phát trong năm 2021, cả nước gồng mình chống dịch nói chung, Cà Mau nói riêng; nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khốn đốn, hoạt động cầm chừng, tạm ngừng, giải thể, người lao động mất việc làm, nhưng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Cà Mau vượt qua mọi thách thức, đảm bảo doanh nghiệp trụ vững, vừa thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, vừa chăm lo đời sống người lao động, đồng thời tích cực tham gia phong trào an sinh xã hội, thiện nguyện rất có hiệu quả như đóng góp vào quỹ vắc-xin, ủng hộ gạo, các thực phẩm thiết yếu, tiền và nhiều hiện vật khác, đặc biệt trong những ngày bà con đi lao động từ các tỉnh về.

Ông Lê Hoàng Phước trao học bổng tại chương trình "Ðồng hành cùng học sinh vượt khó" nhân ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5.

Chúng ta trân trọng ghi nhận những tấm gương, cống hiến xuất hiện đúng vào thời điểm khó khăn nhất, doanh nghiệp và doanh nhân các bạn là những bông hoa thắm đậm bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm và trách nhiệm, các bạn đem đến ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 tỉnh Cà Mau niềm tin, khát vọng chiến thắng.

Theo tôi, sau dịch, xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu, còn các đầu tư khác, kể cả đầu tư công là ưu tiên tiếp theo, càng có ý nghĩa đối với kinh tế mũi nhọn là xuất khẩu hàng nông thuỷ sản. Ðây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các bạn hãy nắm lấy thời cơ.

Theo đó,  Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau rất mong lãnh đạo địa phương sẽ có nhiều cơ chế mới, linh hoạt hơn, tạo mọi điều kiện có thể để nhóm ngành mũi nhọn này nhanh chóng phục hồi, phát triển, đầu tàu cho các nhóm ngành khác.

Ðối với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cần tập trung đầu tư có hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo hướng: hiện đại, tinh gọn, linh hoạt, quản trị rủi ro thật tốt; đồng thời, đẩy nhanh chương trình chuyển đổi doanh nghiệp, tận dụng tối đa môi trường, không gian nhiều tiện ích, đây là con đường đưa doanh nghiệp đến với thành công nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần tự lực, tự cường, không nên trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ quá nhiều.

Trước mắt, con đường chúng ta còn nhiều chông gai, nhưng phải chọn một con đường, một hướng đi để tự cứu lấy mình đến với chiến thắng gần nhất, chiến thắng này đồng nghĩa với sự mất mát chúng ta sẽ đổi lấy. Ai cũng biết và thấu hiểu câu nói như một nguyên tắc: “Chống dịch như chống giặc”, là truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là: vừa đánh giặc, vừa chăm lo sản xuất. Một lần nữa hình ảnh: tay súng, tay cày đã trỗi dậy trong chúng ta, trong các lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi doanh nhân là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế.


*Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Giáp Diệp: Chúc chị em kiên cường, mạnh mẽ, vững niềm tin vượt qua đại dịch

Do ảnh hưởng của đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đã chạm ngưỡng giới hạn khả năng chống chịu. Chỉ riêng hoạt động vận tải đã thấy rõ rất nhiều khó khăn khi vừa bùng dịch từ tháng 5 phải tạm dừng hoạt động liên tỉnh, kế tiếp là giữa tháng 6 xe nội tỉnh cũng ngưng hoàn toàn, đến nay vẫn chưa thể hoạt động.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải gặp khó vì vốn liếng dồn hết, cộng thêm lãi suất ngân hàng mà ngay cả những lao động tự do: lơ xe, tài xế… trước đây chỉ hưởng lương công nhật, không có bảo hiểm xã hội cũng mất đi thu nhập. Do đó, việc Cà Mau đang từng bước nới lỏng giãn cách, đưa ra các phương án phục hồi kinh tế là cần thiết bởi doanh nghiệp nếu không phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ như kinh tế suy giảm, thất nghiệp, giảm thu nhập và các vấn đề an sinh xã hội… Tôi rất mong muốn lãnh đạo tỉnh nhà có những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể, ngành vận tải cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng kiểm, hỗ trợ đồng vốn tái sản xuất từ Ngân hàng Chính sách…

Tuy khó khăn vì phải cầm cự, dốc sức phục hồi kinh tế, nhưng tôi tự hào và xúc động bởi sự sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác an sinh xã hội. Nhất là đối với chị em nữ doanh nghiệp tỉnh, các chị đã ngày đêm tích cực vận động, hỗ trợ, tặng quà cho bà con khó khăn, tiếp sức tuyến đầu chống dịch... Ðặc biệt, từ đầu tháng 10, khi người dân từ vùng dịch về rất đông, các chị đã hết lòng sẻ chia. Những người nhận được quà, cảm ơn và coi đó là sự đùm bọc, san sẻ yêu thương.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam và hướng tới là ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi chúc chị em phụ nữ Việt Nam nói chung, chị em nữ doanh nghiệp Cà Mau nói riêng luôn kiên cường, mạnh mẽ, vững niềm tin và vững tay chèo vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế để có đủ sức mạnh và nguồn lực tiếp tục sẻ chia yêu thương vì cộng đồng.

Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh cùng nhóm mạnh thường quân Spa Kim Tiền (Phường 5, TP Cà Mau) trao quà cho phụ nữ mang thai tại các khu cách ly của huyện Ðầm Dơi.

* Ông Trần Thanh Nghị, Trưởng Văn phòng Ðại diện BenThanh Tourist tại Cà Mau: Ngành du lịch sẽ sớm thích ứng theo xu hướng “Sống chung an toàn với dịch Covid”

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 lần thứ tư là đòn đánh chí mạng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Khi các doanh nghiệp đã trải qua quãng thời gian dịch bệnh quá dài, thiệt hại quá nặng nề, nội lực kiệt quệ khi doanh thu lữ hành năm 2021 gần như bằng không.

Tuy khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với quyết tâm giữ vững thương hiệu, chờ đợi cơ hội phục hồi, Ban lãnh đạo BenThanh Tourist đã có những kế hoạch kinh doanh, chiến lược phục hồi ngay sau khi địa phương “bình thường mới”. Theo đó, củng cố lại bộ phận nhân sự nòng cốt còn lại của doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm, dịch vụ theo xu hướng, nhu cầu đã thay đổi của du khách hậu Covid. Làm sao để doanh nghiệp có thể chung sống thích nghi và an toàn theo xu hướng “Sống chung an toàn với dịch Covid”.

Anh Trần Thanh Nghị cho biết, BenThanh Tourist đã sẵn sàng đón khách an toàn, thích ứng bình thường mới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ủng hộ và nỗ lực hết mình phối hợp cùng chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ cộng đồng, phòng chống dịch. Ðoàn kết, chia sẻ và thích ứng với điều kiện “bình thường mới” là mấu chốt sống còn để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển thời kỳ “hậu Covid”. Doanh nghiệp kỳ vọng cho tương lai phục hồi và phát triển mạnh mẽ, góp phần đóng góp chung cho nền kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), thay mặt Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành kính chúc quý doanh nghiệp, doanh nhân luôn mạnh mẽ như sỏi đá, cứng rắn như thép, vững vàng lướt sóng vượt qua đại dịch, về đích thành công khi nền kinh tế được phục hồi./.

 

Băng Thanh lược ghi