ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 25-5-25 13:59:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Báo Cà Mau Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi sau những biến động do đại dịch và các yếu tố quốc tế tác động, chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp đã trở thành công cụ quan trọng để kích thích tăng trưởng tín dụng. Ðặc biệt trong năm 2025, khi nền kinh tế cần thêm động lực để phát triển, việc duy trì lãi suất thấp là một chiến lược phù hợp, không chỉ giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô mà còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến hết quý I năm 2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Ðây là một tín hiệu rõ ràng về hiệu quả của chính sách lãi suất thấp trong việc kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cũng như các hộ kinh doanh cá thể.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Tính đến hết quý I năm 2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024, cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế”. Chính sách duy trì lãi suất thấp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.

Nhân viên Agribank tư vấn gói vay ưu đãi cho khách hàng.

Nhân viên Agribank tư vấn gói vay ưu đãi cho khách hàng.

Từ đầu tháng 3 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng đi xuống, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, tại kỳ hạn 3 tháng, Agribank đã điều chỉnh giảm xuống còn 2,4%/năm, trong khi VPBank cũng hạ về mức 3,8%/năm. Ðáng chú ý, xu hướng giảm lãi suất không chỉ dừng lại ở các kỳ hạn ngắn mà còn lan rộng sang trung và dài hạn. Ở kỳ hạn 6 tháng, BVBank điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 5,1%/năm; OCB và Eximbank cùng đưa mức lãi suất về 5%/năm. Ðầu tháng 4, VPBank tiếp tục giảm thêm 0,1 điểm phần trăm, đưa lãi suất kỳ hạn này xuống còn 4,7%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, một trong những kỳ hạn được gửi tiền nhiều nhất thì làn sóng giảm lãi suất càng thể hiện rõ rệt. VPBank có hai lần cắt giảm liên tiếp, tổng cộng 0,2 điểm phần trăm, đưa lãi suất về 5,2%/năm. Các ngân hàng khác cũng không đứng ngoài cuộc, như: BVBank giảm về 5,55%/năm, OCB còn 5,1%/năm, và Eximbank còn 5,2%/năm. Với kỳ hạn dài 24 tháng, xu hướng giảm tiếp tục duy trì. VPBank giảm 2 lần liên tiếp, hiện ở mức 5,4%/năm; OCB cũng điều chỉnh xuống còn 5,6%/năm. Những điều chỉnh này cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc linh hoạt chính sách lãi suất để thúc đẩy tín dụng, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, yếu tố quan trọng giúp tiếp sức cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.

Ông Lê Quán Thượng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Cà Mau, cho hay: “Việc duy trì lãi suất thấp là quyết sách đúng đắn trong thời điểm này. Ngân hàng nhận thấy rõ sự tích cực từ chính sách này, khi nhu cầu vay vốn của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Mặc dù các chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn cần phải đảm bảo, nhưng với lãi suất thấp, ngân hàng có thể tạo ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ cho khách hàng. Ðồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế”.

Một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ chính sách lãi suất thấp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), vốn luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Lãi suất thấp giúp giảm bớt chi phí vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này để đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng sản xuất. Không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chính sách này còn góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế địa phương.

Ông Ðặng Minh Ðăng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bao bì Minh Ðăng (Phường 9, TP Cà Mau), cho rằng: “Lãi suất thấp trong thời gian qua đã thực sự giúp nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt là khi công ty đang mở rộng sản xuất và đầu tư các dây chuyền sản xuất bao bì tự động cho ngành thuỷ sản. Mức lãi suất ưu đãi từ ngân hàng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay để đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Việc giảm lãi suất cho vay không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn giúp chúng tôi thực hiện các dự án dài hạn và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường”.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tại các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ 3,9%/năm. Ðây là một động thái của NHNN nhằm thúc đẩy những ngành kinh tế trọng yếu, có thể tạo ra hiệu quả kinh tế lớn trong dài hạn như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất khẩu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và đổi mới sáng tạo. Việc áp dụng mức lãi suất ưu đãi này đã và đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn vay, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế chiến lược.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập và yêu cầu về cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc giảm lãi suất cho vay giúp các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với những khó khăn trong việc huy động vốn mà còn tạo ra cơ hội để gia tăng năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, một trong những vấn đề mà các ngân hàng và cơ quan quản lý cần đặc biệt lưu tâm khi duy trì lãi suất thấp là áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Nếu tỷ giá tăng mạnh hoặc lạm phát vượt mức kiểm soát, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp có thể dẫn đến những bất ổn trong nền kinh tế. Theo dự báo của Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính, NHNN, nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh (trên 4%), việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ trở thành thách thức và lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm nhẹ từ 0,03-0,08 điểm phần trăm trong quý II năm 2025 và cả năm 2025. Ðiều này cho thấy chính sách lãi suất thấp vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Ðể đảm bảo sự bền vững của chính sách lãi suất thấp, NHNN không chỉ áp dụng các biện pháp cắt giảm lãi suất mà còn phối hợp chặt chẽ với các công cụ tiền tệ khác như mua bán ngoại tệ, nghiệp vụ thị trường mở và điều hành tỷ giá linh hoạt. Ðồng thời, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn./.

 

Việt Mỹ