ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 10:13:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðọng lại những câu chuyện du lịch

Báo Cà Mau Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ngày càng có sức hút lớn với du khách, trở thành một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Một số địa phương như: Tiền Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đã có cú bứt tốc ngoạn mục trong du lịch, trở thành những gợi ý bổ ích đối với Cà Mau trong việc lựa chọn mô hình, xây dựng sản phẩm và chiến lược phát triển lĩnh vực này.

Du lịch vì cộng đồng

Về Ðại Phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đô thị cổ kính bên dòng Sông Tiền, thăm cù lao Thới Sơn mà dân gian hay gọi là Cồn Lân, một trong tứ linh cồn Long, Lân, Quy, Phụng trong mùa thấp điểm du lịch nhưng lượng khách tham quan hết sức tấp nập. Nhà thơ Lê Quang Vui, người con Cà Mau sinh sống và làm việc tại Tiền Giang hơn 20 năm, cho biết: “Tứ linh cồn thì có 2 cồn, Long và Lân, thuộc Tiền Giang, còn Cồn Quy, Phụng thuộc tỉnh Bến Tre. Nhờ du lịch mà cư dân sinh sống trên các cồn ngày càng sung túc. Cái hay là du lịch được tổ chức bài bản, rất chú trọng đến sinh kế, lợi ích của người dân”.

Tại Cồn Lân, du khách được trải nghiệm không gian văn hoá đặc trưng miệt sông nước. Từ mật ong nhãn hảo hạng xứ cồn, các loại bánh dân gian, vị đậm đà của cây trái, những món ăn thôn dã, điệu đờn ca tài tử mộc mạc... tất cả đều là những sản phẩm du lịch cây nhà lá vườn nhưng được tổ chức rất chuyên nghiệp, có sức hấp dẫn lớn đối với khách tham quan. Nhưng ấn tượng hơn là bởi không khí làm du lịch sôi nổi, chan hoà của bà con cù lao Thới Sơn. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thương, gắn bó với nghề bơi xuồng ba lá chở khách tham quan cù lao đã khá lâu, biết thêm nhiều thông tin thú vị về cách làm du lịch nơi đây.

Du khách nước ngoài tham quan cồn Thới Sơn, Tiền Giang.

Chị Thương tâm sự: “Ở đây có khoảng 300 chiếc xuồng chở khách, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 600 lao động. Lượt chở khách được bổ đồng đều cho mọi người, bình quân ngày 3-4 chuyến, tiền lương thì cuối tháng lãnh một lần. Bà con bơi xuồng được chính quyền xã ưu tiên lựa chọn những hộ khó khăn, chưa có công ăn việc làm ổn định. Như nhà chị, có 2 đứa con đang đi học, nên được ưu tiên cho tham gia làm du lịch. Mai mốt đỡ khó khăn hơn, thì mình nhường lại cho bà con khác làm”.

Nghề bơi xuồng chở khách tham quan tại cồn Thới Sơn, Tiền Giang đã giải quyết công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên cho 600 lao động nhàn rỗi của địa phương này.

Ở Cồn Lân, người người, nhà nhà làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch. Ðây cũng là điều mà tỉnh Cà Mau đang hướng đến và bắt đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Có thể kể đến các điểm du lịch dựa vào cộng đồng ở ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi; khu vực làng nghề truyền thống phía Nguyễn Phích, U Minh. Trong tương lai, những nơi này hoàn toàn có thể xây dựng trở thành những làng du lịch, cộng đồng du lịch có sự tham gia, kết nối, hài hoà và bền vững về lợi ích của người dân. Cà Mau cũng đã xác định chiến lược làm du lịch với các loại hình chủ lực là trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp, du lịch văn hoá... và cách làm du lịch của cù lao Thới Sơn hoàn toàn là một gợi ý bổ ích, thiết thực, phù hợp.

Cần "có chuyện"

Xu thế du lịch hiện nay, du khách không chỉ cần trải nghiệm đơn thuần, mà quan trọng hơn là thâu nạp thêm kiến thức, hiểu biết về vùng đất, con người, văn hoá nơi đến tham quan. Vì thế, câu chuyện du lịch là một trong những điều hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định sự hài lòng của du khách. Khi đến viếng khu Lăng Hoàng gia, Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (thờ ông Phạm Ðăng Hưng, thân sinh Thái hậu Từ Dụ, ông ngoại vua Tự Ðức), chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì khả năng thuyết trình, dẫn dắt câu chuyện của ông Võ Thành Sơn, một nông dân tự nhận mình chỉ chuyên việc hương khói cho tiền nhân, không có bất kỳ chuyên môn nào về du lịch.

Khi giới thiệu về di tích Lăng Hoàng gia, ông Sơn chứng tỏ am hiểu đến tường tận, chi tiết, mạch lạc về những câu chuyện liên quan đến lịch sử, thân thế tiền nhân và các câu chuyện dân gian truyền tụng về khu lăng mộ này. Ðiều chúng tôi cảm nhận, đó là ông Sơn không chỉ am tường, mà hàm chứa trong lời giới thiệu sự tự hào, tình cảm lớn lao dành cho quê hương, cho những đấng bậc hào kiệt của đất Gò Công. Chuyên gia du lịch ÐBSCL, Thạc sĩ Phan Ðình Huê, từng nhấn đi nhấn lại rằng: “Trong mọi sản phẩm du lịch thì con người là sản phẩm du lịch quan trọng nhất, là cái tạo nên hồn cốt của du lịch. Không ai khác, chính những người nông dân gắn bó máu thịt với đất đai, với cuộc sống là những đại sứ thương hiệu uy tín nhất, thuyết phục nhất”.

Chuyến đi của chúng tôi còn vòng về Ðồng Tháp để ghé Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh), thăm lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ (TP Cao Lãnh); qua An Giang, thăm khu lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng (cù lao Ông Hổ, TP Long Xuyên), mỗi nơi đều đọng lại những câu chuyện đẹp, thấm đẫm ân tình, dấu ấn công lao, dào dạt tự hào của đất và người ÐBSCL. Trong lòng thầm mong, ở Cà Mau mình, những câu chuyện hào sảng của vùng địa đầu cực Nam Tổ quốc ngày càng được trân trọng, lan toả một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn để góp thêm hương sắc cho du lịch địa phương thì hay biết mấy.

Ở phía khác, những câu chuyện du lịch còn là sự kế thừa, nối dài, kết tinh giá trị văn hoá của quê hương, đất nước. Cảnh sắc đẹp có thể khiến người ta say mê, món ăn ngon có thể làm người ta nhung nhớ, nhưng chỉ có những hiểu biết sẽ là điều khắc ghi vào lòng dạ, tâm trí người ta mãi mãi. Ðó cũng là gợi ý rất bổ ích cho du lịch của Cà Mau trong chặng đường sắp tới./.

 

Phạm Hải Nguyên

 

Liên kết hữu ích

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi lưu giữ hiện vật lịch sử đặc biệt

Toạ lạc gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh và thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các phong trào yêu nước khác.

Ðộc, lạ nhà dừa

Không phải ở xứ dừa Bến Tre, mà ngay tại cù lao cây trái An Bình (ấp Hoà Quý, xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có một ngôi nhà dừa độc, lạ nhất nước.

Thăm “Vườn ông Sáu Dân”

“Vườn ông Sáu Dân” là cách gọi thân thương, gần gũi của người dân khi nói về Khu Tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Di tích cấp Quốc gia, toạ lạc tại số 10, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. 86 tuổi đời, 70 năm tham gia cách mạng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dâng hiến trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Những hoạt động trong Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024

Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV gắn với một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024). Các hoạt động chính sẽ diễn ra từ ngày 24 - 28/8, mời quý độc giả cùng du khách gần xa về trải nghiệm.

Ðạp xe xuyên rừng khám phá Thác Mai

Những năm gần đây, xu hướng du lịch mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang sơ ngày càng thu hút nhiều người. Một trong những hành trình đầy thử thách và ấn tượng phải kể đến là chuyến đạp xe xuyên rừng khám phá Thác Mai, điểm đến ẩn mình giữa rừng núi hoang sơ tại tỉnh Ðồng Nai.

Khu mộ ba vua nhà Nguyễn

An Lăng là nơi an nghỉ của ba vua triều Nguyễn gồm Dục Ðức, Thành Thái và Duy Tân, nằm trên đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế, rộng gần 6 ha. Lăng được Vua Thành Thái xây dựng vào năm 1899 để thờ phụng cha mình là Vua Dục Ðức. Ðến năm 1954, Vua Thành Thái qua đời và được đưa về An Lăng chôn cất cùng vua cha. Còn Vua Duy Tân mất năm 1945, trong một tai nạn máy bay ở Pháp. Ðến năm 1987, di hài của vua được đưa từ Pháp về Việt Nam, an táng tại An Lăng cùng với cha (Vua Thành Thái) và ông nội (Vua Dục Ðức). Sau hơn trăm năm tồn tại, di tích bị hư hỏng nhiều, đứng trước nguy cơ hoang phế.

Ấn tượng ngôi chùa trên đỉnh núi Linh Quy

Toạ lạc trên đỉnh núi Linh Quy, thuộc xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng, chùa Linh Quy Pháp Ấn được xây dựng với kiến trúc đẹp giữa khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, tạo nét độc đáo riêng.

Chinh phục đỉnh Sa Mu

Nằm giữa vùng núi rừng nguyên sinh hùng vĩ ở khu vực miền núi phía Tây Bắc, thuộc tỉnh Sơn La, đỉnh Sa Mu không chỉ là một thử thách về thể lực mà còn là trải nghiệm đầy cảm xúc đối với người muốn chinh phục. Với độ cao hơn 2.756 m so với mực nước biển, đỉnh núi này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích mạo hiểm và khám phá thiên nhiên.

Chùa Hội Khánh - Nơi quy tụ nhân sĩ yêu nước

Chùa Hội Khánh là ngôi chùa cổ, được xây dựng năm Tân Dậu (năm 1741) trên một ngọn đồi ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thiên đường ruộng bậc thang Tây Bắc

Khi nhắc đến Mù Cang Chải, hình ảnh những cánh đồng ruộng bậc thang vàng óng trải dài trên những ngọn đồi dường như ngay lập tức hiện lên trong tâm trí nhiều người. Ðây là địa danh thuộc tỉnh Yên Bái, nằm giữa lòng vùng núi Tây Bắc của Việt Nam. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hoá độc đáo, Mù Cang Chải không chỉ là nơi thu hút những người yêu thiên nhiên mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc vùng cao.