ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 25-7-25 10:11:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Du lịch Bạc Liêu đang cất cánh

Báo Cà Mau

Tuy không được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều danh lam thắng cảnh, với xuất phát điểm làm du lịch gần bằng 0, vậy mà với quyết tâm và nỗ lực của mình, Bạc Liêu đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách...

Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Ảnh: C.K

Do nằm trong “vùng trũng” nên Bạc Liêu đã khởi đầu con đường du lịch của mình khá gian nan. Trong nhiều năm liền kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), ngành Du lịch tỉnh luôn ở thế bị động và chỉ phát triển ở mức thấp. Một bất lợi nữa là, do không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nên Bạc Liêu không thể theo kịp xu hướng phát triển du lịch chung mang tầm quốc gia và quốc tế.

Trước đây, khi chọn tua du lịch về ĐBSCL, du khách thường chọn một vài điểm đến như Kiên Giang vì có Phú Quốc, Hà Tiên; hay An Giang vì có núi Cấm, Châu Đốc; đến Cà Mau thì có Hòn Đá Bạc, Đất Mũi, Hòn Khoai; hoặc sẽ đến các tỉnh Bắc sông Hậu vì có hệ thống sông ngòi cù lao, đặc trưng du lịch miệt vườn hình thành từ lâu…; Bạc Liêu không hề có một điểm nhấn du lịch khi chưa có sự đầu tư và khai thác đúng mức. Chính vì thế, Bạc Liêu buộc lòng phải tự mình tìm ra hướng đi mới với một “công thức” hoàn toàn đặc biệt: nâng cao hàm lượng văn hóa trong cách làm du lịch. Đó là cách làm được cụ thể hóa từ một nghị quyết chuyên đề “đẩy mạnh phát triển du lịch” (Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu).

Nhà Công tử Bạc Liêu - một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: C.K

Từ khi Nghị quyết 02 ra đời, bức tranh du lịch của tỉnh như bừng lên một gam màu tươi sáng, sặc sỡ. Với cách làm du lịch mang đặc trưng riêng của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và anh hùng khi trải qua hai lần giành chiến thắng mà không đổ máu; cốt cách của người Bạc Liêu từ xa xưa đã chuyển biến từ sự phóng khoáng, hào hiệp, khoan dung… thành sự lịch thiệp trong cách ứng xử giữa người với người và du khách - đã tạo nên thương hiệu du lịch Bạc Liêu. Bạc Liêu níu chân du khách bằng cái tình của những con người chân chất, thật thà, nhiệt tình và mến khách!

Để có tên trên bản đồ du lịch ĐBSCL, Bạc Liêu đã trải qua một quá trình nỗ lực và quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện. Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo và khu du lịch Nhà Mát - 6 điểm du lịch tiêu biểu này hiện không chỉ là những cái tên nằm trong các tua, tuyến được kết nối giữa các tỉnh, mà đó còn là những địa chỉ đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực. Có được kết quả này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo xử lý, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch. Qua đó cũng cho thấy sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh.

Khu du lịch Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K

Song song đó là chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Bạc Liêu để phát triển kinh tế và khai thác làm du lịch. So với 18 năm trước, chưa bao giờ Bạc Liêu lại đón “luồng gió mới” từ doanh nghiệp như lúc này. Các dự án du lịch lớn đã và đang đầu tư tại Bạc Liêu ngày càng nhiều. Có thể điểm qua như: Khu du lịch biển nhân tạo (Công ty Ô tô Bảo Toàn), Nhà máy Điện gió (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công Lý), khu du lịch sinh thái Hồ Nam, hệ thống nhà hàng - khách sạn Công tử Bạc Liêu (Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Du lịch Cẩm Quyên)… Từ việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp và phát triển, nhiều công trình văn hóa mọc lên làm thay đổi diện mạo của Bạc Liêu và trở thành điểm nhấn để giới thiệu với du khách. Ngoài ra, không thể không kể đến hệ thống chùa chiền, di tích lịch sử, hệ thống nhà cổ… “Điểm hẹn văn hóa Bạc Liêu” là cách làm du lịch tổng hòa các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch kiến trúc, du lịch lịch sử và du lịch tâm linh khiến du khách phải thay đổi cách nhìn về Bạc Liêu, rằng đến với Bạc Liêu là đâu chỉ có sân chim hay giai thoại Công tử Bạc Liêu…

Quyết tâm phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh còn được thể hiện ở chỗ chủ động đăng cai và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia và khu vực như Festival Đờn ca tài tử quốc gia. Bên cạnh đó còn chủ động đăng cai tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc… để thông qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với bè bạn gần xa. Vùng đất ngậm phù sa này vẫn miệt mài dòng chảy tắm tưới cho bao tâm hồn đam mê đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã trở thành “đặc sản” mời gọi, chào đón du khách. Chính những điểm nhấn như thế, du lịch Bạc Liêu đã thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến và lưu trú. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến nay, doanh thu du lịch đã đạt trên 2.670 tỷ đồng, đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó khoảng 92.000 lượt khách quốc tế.

“Tổng hòa” các lợi thế và tiềm năng của vùng đất hữu tình giàu văn hóa này, có thể khẳng định rằng: du lịch Bạc Liêu đang cất cánh!

Ngọc Trân

6 tháng đầu năm, Cà Mau đón hơn 5,1 triệu lượt khách

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ổn định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, văn hoá – lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa nhãn chín trên đất Giồng ven biển

Cứ đến tháng Bảy hàng năm cũng là lúc những vườn nhãn xuồng trên địa bàn phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau thi nhau cho trái chín. Những vườn nhãn sai trĩu quả có tuổi đời hơn trăm năm trên đất Giồng ven biển đã trở thành điểm đến hấp dẫn mà bất kỳ du khách nào về Cà Mau đều không muốn bỏ lỡ.

Nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang tham quan các điểm du lịch Cà Mau

Vừa qua, ngày 12/7, đoàn cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ do đồng chí Nguyễn Hữu Khánh - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang dẫn đầu, đã có chuyến tham quan, tìm hiểu các điểm du lịch tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Cà Mau.

Cà Mau nâng cấp Khu lưu niệm đờn ca tài tử, hoàn thành trong năm 2025

UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt chủ trương đầu tư gần 4 tỷ đồng để thực hiện dự án tu bổ, chống xuống cấp Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường Bạc Liêu.

Hấp dẫn U Minh Hạ mùa nước nổi

Về U Minh Hạ thời điểm này, du khách không chỉ được ngắm hoa tràm nở trắng xoá, thoang thoảng hương thơm, mà còn được trải nghiệm mùa nước nổi dưới tán rừng với nhiều hoạt động thú vị như: đặt lọp, đặt lờ bắt cá, rắn, rùa; đặt trúm bắt lươn; hái bông súng; check-in làng rừng... Hiện, các điểm du lịch xứ rừng đã sẵn sàng những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách.

Cà Mau có 6 điểm đến được tái công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu khu vực”

Chiều 9/7, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trao quyết định công nhận, tái công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2025” cho 29 đơn vị.

Dòng  kinh xáng chảy ra 7 ngã

“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy/Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?”... Bài vọng cổ bất hủ của cố Soạn giả Viễn Châu được cất lên bởi đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ. Bài hát đã khái quát hành trình của ghe chiếu Cà Mau xuôi dòng về kinh xáng Phụng Hiệp-nơi con nước nối miền đất Mũi đến nơi hội tụ bảy nhánh sông huyền thoại miền Tây.

Điện xanh trên biển Cà Mau 

Sở hữu đường bờ biển dài trên 310 km, trải dọc từ biển Đông xuống tận biển Tây, vịnh Thái Lan, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Cà Mau là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp điện gió. Đây là nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng khẳng định vai trò trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Hơn 239 ngàn lượt khách tham quan đến Cà Mau trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh, tổng lượt khách tham quan, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Cà Mau 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025 (tính đến 9 giờ ngày 4/5/2025) là 239.387 lượt, trong đó có 360 khách quốc tế, tăng 12,8% so luỹ kế 5 ngày nghỉ lễ của năm 2024 (212.258 lượt).

“Hương rừng U Minh” tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Hưởng ứng các hoạt động chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” 2025, sáng nay (1/5), tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ diễn ra nhiều hoạt động thể thao nằm trong chuỗi hoạt động “Hương rừng U Minh 2025” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Quốc tế Lao động 1/5.