ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-12-23 21:43:33

Du lịch Cà Mau - Cơ hội bứt phá

Báo Cà Mau (CMO) Mùa du lịch cao điểm dịp 30/4 và 1/5 năm 2022, chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch Cà Mau sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2022”, du lịch là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có những bứt phá mạnh mẽ nhất để tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch dồi dào của địa phương.

Theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau: “Du lịch Cà Mau từ lâu đã xác định hướng đi là phát triển theo hướng du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng đước, rừng tràm, văn hoá sông nước, di tích văn hoá - lịch sử, trang trại nông nghiệp... Đây là những nét đặc trưng riêng có, sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút lớn với du khách. Có thể nói, các điểm, khu du lịch của tỉnh nhà đã có sự chuẩn bị chu đáo, tâm thế chủ động để nắm bắt cơ hội khi thị trường du lịch có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ”.

Định hình diện mạo

Thời gian qua, cùng với chủ trương phát triển du lịch đúng đắn của Cà Mau, các mô hình du lịch đã phát triển mạnh mẽ. Phía rừng đước có mô hình du lịch homestay của các hộ dân ở huyện Ngọc Hiển, phía rừng tràm có nhiều điểm du lịch farmstay của các hộ dân thuộc huyện U Minh, Trần Văn Thời. Những nông dân Cà Mau sau bỡ ngỡ ban đầu, đã gặt hái được những kết quả tích cực khi chuyển sang làm du lịch chuyên nghiệp.

Trải nghiệm bơi xuồng tham quan rừng tràm, tận hưởng không gian U Minh Hạ trong lành, mát mẻ ở farmstay Hoa Rừng, xã Khánh An, huyện U Minh.

Ông Nguyễn Văn Hôn, chủ điểm dừng chân và du lịch sinh thái Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Tôi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi về cách làm du lịch, nhận thấy Đất Mũi quê nhà có những lợi thế mà không nơi đâu có được, từ văn hoá, sản vật cho đến vị trí địa lý, hệ sinh thái rừng đước... Tất cả những điều ấy đều là cái riêng, cái mới lạ mà du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm”.

Nhìn vào sản phẩm du lịch của Hoàng Hôn, rõ ràng là đã tìm thấy hướng đi phù hợp. Khách đến với Đất Mũi sẽ được trải nghiệm đi ca nô, xuồng máy xuyên rừng đước, ghé trạm dừng chân phía bãi bồi để thoả lòng ngắm vùng đất thiêng liêng địa đầu cực Nam Tổ quốc. Thưởng thức ẩm thực với những món ăn đậm vị xứ sở, lắng mình nghe câu vọng cổ trong đêm. Cùng với bà con vùng Mũi bắt ba khía, ốc len, giăng lưới, đặt rập cua... rồi tự tay chế biến, tận hưởng hương vị của xứ rừng, biển Cà Mau. Ngã lưng trên cánh võng mắc ở hàng đước xanh mát để thư giãn, nghỉ ngơi. Khi về có quà lưu niệm là vô số sản phẩm mỹ nghệ, thủ công, ẩm thực để trao gởi người thân, bè bạn.

Cá thòi lòi, nét ẩm thực độc đáo của hệ sinh thái rừng đước Cà Mau.

Về rừng tràm, du khách sẽ đắm mình trong hương sắc của vùng U Minh Hạ huyền thoại. Những mô hình farmstay với nhiều lựa chọn cho du khách cùng các sản phẩm du lịch phong phú, không trùng lặp. Ghé điểm du lịch dựa vào cộng đồng Mười Ngọt của anh Phạm Duy Khanh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời ăn ong, mua mật. Về vườn trái cây ông Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), xã Nguyễn Phích, huyện U Minh để tận hưởng mùa quả ngọt. Thăm Điểm Du lịch Hương Tràm, xã Khánh An để nhung nhớ U Minh xưa qua trải nghiệm đặt lọp, tát đìa bắt cá. Hay về farmstay Hoa Rừng, cũng ở Khánh An, nhưng là để tìm thấy một Đà Lạt thu nhỏ lạ lùng giữa vùng đất phèn trũng, hoang sơ.

Diện mạo du lịch Cà Mau đã dần định hình rõ nét trên bản đồ du lịch nội địa và xa hơn là thị trường du khách quốc tế. Khi hội tụ đầy đủ các yếu tố từ cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhất là nguồn lực tư nhân trong phát triển du lịch, Cà Mau rõ ràng có đầy đủ tự tin để trở thành thị trường du lịch trọng điểm, có sức hút không thua kém bất cứ nơi đâu.

Xác định sản phẩm du lịch chủ lực

Việc tìm kiếm, xác định sản phẩm du lịch chủ lực chính là yếu tố sống còn của các điểm, khu du lịch, rộng hơn là quyết định thương hiệu, sức hút, tầm vóc du lịch của một địa phương, quốc gia. Việc mặc đồng phục cho du lịch, sản phẩm du lịch na ná hoặc trùng lặp nhau là điều tối kỵ nếu muốn bứt phá phát triển. Với nhận thức ấy, du lịch Cà Mau đã có những chuyển biến phù hợp, từng bước xây dựng nét duyên riêng, đủ sức cạnh tranh và thu hút du khách một cách sòng phẳng.

Ông Thái Doãn Ân, chủ farmstay Hoa Rừng, xã Khánh An, huyện U Minh đặt trọn tâm huyết của bản thân qua slogan thương hiệu “Nông trại nhỏ, tình yêu lớn” cùng hướng đi riêng biệt khi làm du lịch. Với 14 ha đất rừng tạp, ông Ân dành 6 phần trồng tràm, 4 phần làm trang trại hoa, vườn cây ăn trái. Khuôn viên Hoa Rừng tràn ngập sắc hoa, từ hoa sen, hoa súng, hoa sim đồng quê cho đến những loại hoa lạ, đẹp được đem về ươm trồng từ khắp mọi vùng miền, phần nhiều trong số đó là từ Đà Lạt.

Hoa Rừng tập trung vào sản phẩm du lịch cảnh trí để du khách check-in, chụp ảnh, tất nhiên kèm theo đó là chuỗi sản phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí... Với ông Ân: “Nếu mình không có cái riêng, vô đây không thấy cái mới, cái thú vị thì rất khó để thu hút khách, làm cho khách muốn quay trở lại. Trang trại hoa là điểm nhấn du lịch của Hoa Rừng, cũng là tình yêu lớn nhất mà bản thân tôi nỗ lực xây dựng”.

Chị Đinh Lê Thảo Nguyên, chủ farmstay Vườn bơ Ông Lạc, TP Đà Lạt, khi về trải nghiệm tại Hoa Rừng, phải thốt lên trầm trồ: “Ở Cà Mau mà có một trang trại hoa như một Đà Lạt thu nhỏ như thế này quả là ngoạn mục. Tôi cảm thấy thích thú, khâm phục ý tưởng và sự kỳ công của người chủ Hoa Rừng khi giữa U Minh hoang sơ này đã vun trồng, chăm sóc thành công một vườn hoa vừa đẹp, vừa nhiều chủng loại. Chính bản thân tôi, một người Đà Lạt gốc, còn thấy tuyệt vời thì du khách sẽ ưng ý lắm”.

Ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh, cho biết: “Cao điểm mùa du lịch 30/4 và 1/5, địa phương chủ trì tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” với nhiều nét mới lạ, hấp dẫn. Điểm nhấn là các kỷ lục về tổ ong lớn nhất, lẩu mắm lớn nhất và chuỗi hoạt động văn hoá - thể thao - du lịch kèm theo. Cái chính yếu nhất là giới thiệu hình ảnh du lịch U Minh Hạ với những sản phẩm độc đáo, riêng có, thú vị, từ đó khẳng định thương hiệu, uy tín và vị trí của du lịch địa phương”.

Các điểm, khu du lịch ở Cà Mau đang tất bật chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm năm 2022. Đây có thể sẽ trở thành cú hích và dấu mốc quan trọng để du lịch Cà Mau khẳng định diện mạo, thương hiệu và vị trí tương xứng hơn trên bản đồ du lịch. Dù phía trước vẫn còn nhiều, rất nhiều việc phải làm, nhưng cơ hội bứt phá cho du lịch Cà Mau đã thực sự hiện hữu./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Nền tảng cho du lịch Cà Mau phát triển xứng tầm

"Nhờ các hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông đưa tin quảng bá rộng rãi, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh đã giúp du lịch có nhiều khởi sắc, lượt khách đến Cà Mau ngày càng tăng trở lại và dần đi vào ổn định", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cho biết.

Giải Marathon - Cà Mau 2023 Cup Petrovietnam kết thúc thành công

Sau thời gian tranh tài sôi nổi, giải Giải Marathon - Cà Mau 2023 Cup Petrovietnam với chủ đề “ Hương rừng U Minh” đã khép lại vào sáng 26/11.

Khảo sát, giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau

Trong 2 ngày (25 và 26/11), Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau tổ chức đoàn Famtrip khảo sát tuyến du lịch TP Cà Mau – U Minh – Thới Bình – Trần Văn Thời.

Thiết thực hoạt động ngoại khoá tìm hiểu về Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Chiều 24/11, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đầm Dơi cùng với các ngành của huyện phối hợp Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức hoạt động ngoại khoá tìm hiểu nội dung, sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là tại Khu tượng đài Nữ kiện tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Dương Thị Cẩm Vân.

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023: Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt

Ngày 21/11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Họp báo công bố sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023.

Tạo điểm nhấn, ấn tượng đẹp về Cà Mau từ Giải Marathon – Cà Mau 2023

Sáng 10/11, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị cho Giải chạy Marathon – Cà Mau Cup Petrovietnam diễn ra tại Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh, một trong nét đặc sắc của giải lần này là xuyên Vườn Quốc gia U Minh Hạ, vì thế, cần phải tạo điểm nhấn, ấn tượng đẹp trong lòng vận động viên, du khách khi tham gia, cổ vũ cho giải

Chút tình U Minh Hạ

“U Minh và U Minh Hạ khác nhau à?", những người bạn ngạc nhiên khi chúng tôi khẳng định như thế. U Minh Hạ là cách gọi bao hàm cả không gian - thời gian văn hoá của xứ sở cây tràm ở Cà Mau. Nói rộng ra một chút, theo hành trình khẩn hoang, mở đất về phương Nam, U Minh là cách gọi thiên nhiên ban sơ “u u minh minh”, mà Nhà Nam Bộ học Sơn Nam cắt nghĩa nôm na là “hoang vắng, đen tối” và chưa xa, ở thế kỷ XIX, “vùng Cà Mau (được) hiểu là U Minh Hạ”.

Cà Mau không còn xa

“Cà Mau không còn xa” là chủ đề của hoạt động giới thiệu điểm đến du lịch tỉnh Cà Mau tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, dự kiến diễn ra vào ngày 20-21/10. Đây cũng là dịp để tỉnh Cà Mau giới thiệu, quảng bá các hoạt động trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau được tổ chức vào cuối năm 2023.

Thiết thực hoạt động ngoại khoá

Thực hiện kế hoạch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Cái Nước về việc nhân rộng Mô hình tổ chức hoạt động ngoại khoá năm 2023, ngày 1/10, Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện Cái Nước tổ chức hoạt động ngoại khoá tại Di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá Nhà Thể (ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú).

Khai trương Khu du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau-ECO

(CMO) Sáng ngày 1/9, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Làng rừng Cà Mau-ECO (toạ lạc tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chính thức được khai trương, đi vào phục vụ du khách. Dự lễ khai trương có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời; đông đảo các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành cùng du khách tham quan.