ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 01:35:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đừng để “tụt” chuẩn y tế cơ sở - Bài 2: Khó giữ chuẩn

Báo Cà Mau (CMO) Ngoài thực trạng cơ sở vật chất xuống cấp, hiện tại ở hầu hết các trạm y tế trên địa bàn tỉnh còn tồn tại tình trạng trang thiết bị y tế bị hư hỏng, không sử dụng được, hoặc còn sử dụng nhưng thiếu người có chứng chỉ chuyên môn để tiếp cận nên đành để không. 

Chậm đầu tư mới

Năm 2019, tỉnh triển khai xây mới 3 trạm y tế từ nguồn vốn tài trợ EU và đang thực hiện “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” sử dụng vốn vay ODA của ADB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo chương trình này, dự kiến năm 2020 sẽ triển khai thực hiện 23 trạm y tế (xây mới 13 trạm, sửa chữa, nâng cấp 10 trạm).

Đó là tương lai, còn hiện tại hầu hết các trạm y tế đều kêu khó, nhất là về trang thiết bị y tế được đầu tư từ các nguồn dự án. Bởi, việc đầu tư cho y tế tuyến cơ sở từ năm 2014 trở về trước được thực hiện chủ yếu từ Dự án “Nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu của tỉnh Cà Mau” (viết tắt là Dự án AP), bao gồm: xây dựng mới 52 trạm y tế; nâng cấp, sửa chữa 49 trạm y tế. Các nhóm trang thiết bị được trang cấp là nhóm thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm, nha khoa, đông y, bộ dụng cụ sản khoa và các thiết bị thông thường khác. Đến nay, sau thời gian dài sử dụng, nhiều trạm y tế đã xuống cấp, hư hỏng. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Thuỳ, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Trạm xây dựng từ lâu, lại ở vùng mặn nên hiện đã xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, nền lún. Riêng tại phân trạm ấp Lưu Hoa Thanh, tường bị thấm nước, la phông đổ vỡ nhưng không có nguồn sửa chữa. Điều đáng lo nhất là các trang thiết bị y tế được đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả”.

Thực tế, với các trang thiết bị được tuyến trên cấp theo các dự án: 10/80, AP, Tình chị em, Mặt trời bé thơ... Trạm Y tế xã Tân Thuận tương đối đảm bảo công tác khám, điều trị tại trạm. Tuy nhiên, nhiều thiết bị đã xuống cấp, cũ kỹ, hư hỏng, không sử dụng được như: Máy siêu âm, máy phun khí dung, máy tính. Không những vậy, một số trang thiết bị không có dụng cụ thay thế, không có nhu cầu sử dụng.

“Máy sử dụng nước tiểu 12 thông số trên thị trường mua không có que thử và nhiều dụng cụ khác cũng trong tình trạng trên, như bộ đếm hồng cầu, máy đếm giọt dịch truyền. Máy hút chân không thì từ khi được cấp đến nay không sử dụng, hay như bộ dụng cụ nha khoa chỉ có cấp ghế nha khoa đơn giản mà không có dụng cụ khám và nhổ răng nên chẳng biết cấp để làm gì?!”, Bác sĩ Nguyễn Minh Thuỳ cho biết. 

Do có 2 cơ sở đặt tại 2 ấp khác nhau, Trạm Y tế xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi gặp khó về nhân lực.

Với nguồn nhân lực hạn chế nên việc sử dụng các thiết bị được đầu tư chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, mặc dù tại trạm y tế có máy siêu âm, máy đo điện tim nhưng vì không có nhân lực có chứng chỉ chuyên môn nên đành bỏ không. Bởi nếu sử dụng thì bảo hiểm không thanh toán do không đáp ứng đủ điều kiện.

Về vấn đề này, Bác sĩ Tô Văn Lành, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, thông tin: “Từ khi đầu tư trang thiết bị từ Dự án AP, trung tâm đã cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo để sử dụng. Tuy nhiên, tại một số trạm, cán bộ sau khi được đào tạo vì nhiều lý do khác nhau như chuyển công tác, nghỉ việc... nên không có người sử dụng”.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện có 85% trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực có siêu âm, 90% có điện tim, các phòng khám đa khoa khu vực có xét nghiệm sinh hoá, xét nghiệm huyết học. Hiện tại, siêu âm và máy đo điện tim đang phát huy hiệu quả, các xét nghiệm sinh hoá, huyết học triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao do hoá chất giá cao, không đủ bù đắp cho tuyến xã thực hiện. Một số kỹ thuật xét nghiệm chưa đủ điều kiện để bảo hiểm thanh toán, do thiếu chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm của trạm y tế có giá thu thấp so với tuyến tỉnh, huyện nên một số xét nghiệm không đủ bù đắp, như xét nghiệm đường huyết (theo Thông tư số 39/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn, áp dụng giá thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp quy định: trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, trạm y tế kết hợp quân dân y thanh toán “mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ”).

Trạm Y tế xã Khánh Thuận, huyện U Minh xuống cấp khá nghiêm trọng.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn 

Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế không đảm bảo dẫn đến công tác triển khai các chương trình y tế khó khăn. Đơn cử như 101/101 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều triển khai công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT), tuy nhiên, hiện chủ yếu thực hiện châm cứu, điện châm; bắt mạch, hốt thuốc rất ít. Hiện chưa xã nào triển khai thực hiện được việc thanh quyết toán BHYT về YHCT tại y tế xã do cơ sở vật chất chưa đảm bảo, cán bộ phụ trách YHCT chưa có chứng chỉ hành nghề... 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực có xây dựng mô hình vườn thuốc nam mẫu (40-60 cây thuốc hoặc tranh ảnh), nhưng bảo quản và phát triển chưa đạt yêu cầu.

Cuối năm 2017, tỉnh công nhận 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, là tỉnh đi đầu trong cả nước công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ sở vật chất của phần lớn các trạm y tế xuống cấp, trang thiết bị được đầu tư không phát huy hết hiệu quả đã và đang có, nguy cơ kéo trạm y tế “tụt chuẩn” nếu không sớm khắc phục.

Một trong những vấn đề lớn mà các trạm y tế đang đối mặt đó là hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Qua các đợt kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cũng như phản ánh của chính các trưởng trạm y tế, hiện hầu hết các trạm không có hệ thống xử lý chất thải; lò đốt rác hư hỏng, không sử dụng được. Trong khi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Bác sĩ Phạm Xuân Vũ, Phó trưởng Trạm Y tế xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Không có hệ thống xử lý nước thải, lò đốt rác không sử dụng được, hiện rác thải y tế tập trung lại rồi định kỳ thuê xe chuyển về bệnh viện huyện đốt nhờ. Kinh phí vận chuyển thì trạm lo”.

Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngọc Hiển, cho biết: “Hiện không có trạm y tế nào có hệ thống xử lý nước thải. Có trạm có đường ống dẫn ra bể lắng rồi đổ ra sông, có trạm không có bể lắng thì đổ trực tiếp ra sông. Lò đốt rác đốt thủ công là chủ yếu”.

Hàng loạt khó khăn mà mạng lưới y tế cơ sở trong toàn tỉnh đang gặp phải là thực trạng chung, bởi gần như huyện nào cũng xảy ra tình trạng tương tự chứ không chỉ riêng một vài trạm y tế. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước phân bổ cho y tế xã chưa đảm bảo các hoạt động, trong khi nguồn thu một số nơi hầu như không có, như các trạm y tế thị trấn và phường.

Hướng tháo gỡ cho y tế cơ sở như thế nào khi ngành y tế đặt ra chỉ tiêu năm 2020 duy trì 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; duy trì thành quả 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã? Đây là bài toán rất cần lời giải./.

Đặng Duẩn

Bài cuối: Tìm hướng nâng chất 

Liên kết hữu ích

Cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm

Chiều 14/9, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi phối hợp với Viện Tim mạch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.

Ðiểm sáng công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình

Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, Phòng khám Ða khoa khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ), tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu tại TP Cà Mau

Sáng nay (5/9), theo kế hoạch đã đề ra, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 có buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên toàn địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.