“Nói bị oan thì không ai tin, mà nói tuổi trẻ bồng bột thì cũng không phải. Tóm lại do rượu mà ra cả”, Nguyễn Thanh Khổng phân bua khi nhắc lại chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm.
“Nói bị oan thì không ai tin, mà nói tuổi trẻ bồng bột thì cũng không phải. Tóm lại do rượu mà ra cả”, Nguyễn Thanh Khổng phân bua khi nhắc lại chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm.
Khổng là con thứ ba trong gia đình nông dân có đến 5 người con ở ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Nhà nghèo, chuyện học hành cũng dở dang từ nhỏ và không được sự quan tâm giáo dục của gia đình nên tuổi thơ của Khổng là những tháng ngày lêu lổng, tụ tập chơi bời với những thành phần xấu. Và cái giá Khổng phải trả cho lối sống sa đoạ này là 6 tháng tù giam.
Nguyễn Thanh Khổng tất bật với công việc thu mua tôm, cá của gia đình. |
Năm 2003, mốc thời gian mà Khổng không thể nào quên được trong cuộc đời. Năm đó, Khổng 23 tuổi nhưng chẳng lao động giúp đỡ gia đình mà suốt ngày đàn đúm, nhậu nhẹt bê tha. Một ngày đầu tháng 3/2003, sau 4 tăng nhậu kéo dài từ chiều đến khuya, Khổng và 2 người bạn nhậu đã thực hiện vụ trộm tài sản (chỉ lấy được 1 đầu đọc đĩa) và bị phát hiện, cả 3 bị bắt ngay sau đó.
“Thật tình thì lúc đó tôi say khướt, tưởng đâu tụi bạn rủ đi nhậu tiếp nên mới theo. Tôi chẳng biết tụi nó đã có ý định trộm cắp và tôi cũng không tham gia vụ trộm đó. Khi tỉnh rượu mới ngỡ ngàng, nhưng tình ngay lý gian, tôi bị buộc tội đồng phạm”, Khổng phân trần.
6 tháng trong trại cải tạo là khoảng thời gian để Khổng bình tâm suy nghĩ về cuộc đời mình. Sau khi ra tù, Khổng được chính quyền địa phương quan tâm động viên, giúp đỡ hoà nhập cộng đồng. Phần quyết chí làm ăn, phần tự ti với ánh mắt kỳ thị của láng giềng nên Khổng cùng cha chạy xuồng qua huyện Năm Căn mua bán hàng rong trên sông từ sáng đến chiều tối mới về. Cả ngày phơi nắng, bồng bềnh trên sông nước mà thu nhập không đáng là bao, nên sau 2 năm bán hàng rong, Khổng quyết định rời quê lên Bình Dương giúp việc ở quán ăn.
Cuộc sống mới nơi đất khách tuy có ổn định, nhưng nghĩ tới cha mẹ già và em trai còn nhỏ ở quê (lúc này anh lớn và 2 em gái đã có gia đình ra ở riêng), điều kiện mưu sinh khó khăn, nên sau 3 năm làm nghề bưng bê, dành dụm được ít tiền, Khổng quyết định trở về quê nhà. Khổng cải tạo miếng vuông nhỏ của gia đình để nuôi tôm, thời gian rảnh thì đi câu rắn để kiếm thêm thu nhập. Thấy Khổng tu chí làm ăn và không còn rượu chè bê tha nên chính quyền địa phương động viên Khổng tham gia tổ tự quản, gia nhập chi đoàn ấp. Khổng nhận lời và rất tích cực trong các phong trào quần chúng ở ấp. Bà con láng giềng, anh em đoàn viên trong ấp ngày càng mến phục.
Năm 2012, gom hết tiền bạc dành dụm, Khổng cùng với mẹ thu mua cá của mấy hộ dân ở các ấp đem ra chợ Rau Dừa bán. Sau đó, Khổng phân loại cá, loại nào bán tại chợ, loại nào đem bán cho vựa ở Cái Nước, Năm Căn, cá nhỏ thì đem bán cho mấy người nuôi cá chình, bống tượng. Hơn 2 năm hành nghề, điểm thu mua cá của gia đình Khổng đã trở thành đầu mối ở chợ Rau Dừa, số lượng thu mua cũng như phân phối lại ngày càng nhiều. 3 giờ sáng, cả gia đình Khổng đã phải ra chợ và quần quật có khi đến 2 giờ chiều mới về tới nhà.
Tuy cực mà vui, mỗi ngày trừ hết các khoản chi tiêu thì cũng còn dư được 500.000-700.000 đồng. Ðầu năm 2015, gia đình Khổng mở vựa thu mua thêm rau, củ, quả, nguồn thu tăng đáng kể. Khổng có ý định sẽ sửa lại căn nhà đang xuống cấp sau khi tuyến lộ từ trung tâm xã về ấp Thị Tường A hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng.
“Với tôi, bây giờ cố gắng lao động để kiếm được nhiều tiền, cất lại căn nhà cho đàng hoàng để cha mẹ được ấm cúng hơn lúc tuổi già, và để còn… tìm mái ấm cho mình, năm nay tôi cũng 35 tuổi rồi”, Khổng nói với vẻ mặt hân hoan.
Hiện tại, Nguyễn Thanh Khổng là Tổ trưởng Tổ tự quản số 5, Phó Bí thư Chi đoàn ấp Thị Tường A. Với sự xông xáo trong các phong trào quần chúng ở địa phương và nỗ lực trong lao động mưu sinh, năm 2013, Khổng được UBND xã Hưng Mỹ tặng giấy khen về thành tích hoàn thành nhiệm vụ. Và năm 2014, Khổng được UBND huyện Cái Nước điển hình tiêu biểu về việc tái hoà nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha