(CMO) Thời gian qua, do mưa lớn kéo dài, cộng với triều cường lên cao, hầu hết các tuyến đường nội ô TP Cà Mau ngập sâu trong nước. Theo đó, một số tuyến đường đã bị hư hỏng nặng như Nguyễn Ngọc Sanh, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Trãi…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Để tìm giải pháp khắc phục, sửa chữa các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông thời gian tới, phóng viên có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Bùi Tứ Hải.
Thưa ông! Lãnh đạo UBND thành phố đã có những giải pháp trước mắt như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên các tuyến đường hư hỏng nặng hiện nay?
Ông Bùi Tứ Hải: Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa kéo dài cũng như triều cường đạt đỉnh trên 1,2 m, nhiều tuyến đường nội đô ngập sâu. Trong đó, ngập sâu và hư hỏng nhiều nhất phải kể đến tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Ngọc Sanh, Hải Thượng Lãn Ông… Chúng tôi đã chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, khi phát hiện có hố sâu nguy hiểm sẽ cắm biển ngay để cảnh báo người dân. Đồng thời, tổ chức ra quân sử dụng những bao đá đắp tạm những nơi có hố sâu. Nói chung, đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, những điểm nào sâu quá không thể xử lý được, chúng tôi khoanh cảnh báo, chỉ dẫn đường để người dân đi an toàn. Ngay thời điểm nước vừa rút, nắng khô, chúng tôi tiến hành cho lực lượng giặm vá, với phương châm khô tới đâu giặm vá tới đó để đảm bảo việc lưu thông của người dân.
- Vậy còn giải pháp lâu dài sẽ như thế nào, thưa ông?
Đường Nguyễn Ngọc Sanh, một trong những tuyến đường trong nội ô thành phố nước thoát rất chậm. Ảnh: Lê Chí |
Ông Bùi Tứ Hải: Hiện thành phố đã báo cáo về tỉnh và được hỗ trợ hơn 22,5 tỷ đồng. Trước mắt, UBND thành phố sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa, giặm vá những tuyến cấp bách. Đối với những tuyến bị ngập sâu do không có hệ thống thoát nước như đường Hải Thượng Lãn Ông, Huỳnh Thúc Kháng, khi nước rút chúng tôi sẽ cho đổ bê-tông. Những tuyến nào chỉ định được chúng tôi sẽ cho vừa làm vừa thiết kế, bố trí lực lượng giặm vá bằng bê-tông nhựa nguội. Đối với những tuyến hư hỏng quá nặng phải thông qua bước đấu thầu.
Thành phố đang đề xuất nâng lên một số tuyến thấp so với các tuyến lộ khác, khi thực hiện đảm bảo theo quy định cao độ của việc xây dựng, đảm bảo chống ngập như các tuyến đường khu vực Phường 2, Phường 5… Sau khi xem xét, kinh phí nâng cấp các tuyến này phải trên 30 tỷ đồng. Hiện tỉnh mới hỗ trợ được trên 22,5 tỷ đồng, trong đó phải bố trí một nửa để duy tu, sửa chữa cấp bách, còn lại một nửa sẽ tiếp tục tìm nguồn.
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố khi mưa dứt nước vẫn còn đọng lại, phải chịu cảnh ngập, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước trên địa bàn gần như tê liệt. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
Ông Bùi Tứ Hải: Cho rằng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố tê liệt cũng chưa chính xác. Do trước đây không có quy hoạch hệ thống thoát nước, khi làm thì phát triển theo từng dự án kết nối vô. Vì vậy, chưa mang tính tổng thể, hệ thống, tính toán lưu lượng nước, chỉ kết nối dự án này vào với dự án kia.
Thêm vào đó là các cửa xả nước trên các tuyến đướng quá ít. Do quá trình làm các dự án, muốn mở cửa xả sẽ vướng đến vấn đề giải phóng mặt bằng nên các đường thoát nước khá xa. Tương lai, thành phố sẽ tính toán lại việc này, sẽ tìm giải pháp mở rộng các tuyến đấu nối với nhau, tìm hướng giải phóng để làm tăng thêm các cửa xả.
Thành phố đã cho nạo vét hết các cống trên địa bàn, thế nhưng, các tuyến này vẫn bị ngập. Khó khăn là do dòng chảy khá xa. Đơn cử như tuyến Ngô Quyền - Lê Duẩn - Phan Ngọc Hiển, toàn khu này chỉ có 1 cửa xả xuống Kênh 16. Chỉ có 1 cửa xả mà dòng chảy rất xa nên việc thoát không thể nào kịp
Nhìn chung, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố đấu nối quanh co, hệ thống cống thì lại không có cống chính, cửa xả rất ít nên việc thoát nước gặp rất nhiều khó khăn. Thành phố cũng đã làm đề án trình UBND tỉnh đầu tư thêm các cửa xả để chống ngập cho địa bàn thành phố trong thời gian tới./.
- Xin cảm ơn ông!
LÊ CHÍ thực hiện