Cùng với các ngành khác, ngành giao thông vận tải (GTVT) của tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số (CÐS) nhằm đem lại hiệu quả trong việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa; quản lý vận tải, từng bước góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá cho việc thực hiện mục tiêu của ngành và mang lại sự tiện ích, thuận lợi, an toàn cho người dân.
Thời gian qua, VNPT phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác CÐS chính quyền nói chung và ngành GTVT nói riêng, như: nền tảng bản đồ số, hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống camera giám sát giao thông; hệ thống tiếp nhận quản lý sự cố và trung tâm điều hành tập trung. Trong đó, thời gian gần đây, thuật ngữ “Nền tảng bản đồ số GIS” đã trở nên quen thuộc trong nhiều lĩnh vực như GTVT, xây dựng...
Hệ thống CSDL GTVT tỉnh Cà Mau. (Nguồn ảnh: Chụp màn hình hệ thống cơ sở dữ liệu GTVT tỉnh Cà Mau).
Ông Phạm Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, cho biết: “Với nền tảng GIS, sẽ cung cấp bản đồ ngành GTVT, chia sẻ, tích hợp với các ngành khác thông qua trục LGSP (nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu được triển khai ở cấp tỉnh và bộ). Ðồng thời, chia sẻ, tương tác thông tin với người dân lưu thông giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, quản lý vận tải... của tỉnh. Quản lý và giám sát điều phối quá trình tuần tra đường bộ, tuần tra đường sông, phân công xử lý, khắc phục các vấn đề trên các tuyến đường thuỷ... Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo phân lớp, theo thời gian. Tích hợp quản lý danh sách tàu thuyền, danh sách xe, thiết bị, đội nhóm tàu, xe; danh mục, vùng; khu vực hoạt động...”.
Cà Mau là tỉnh tiên phong thực hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GTVT do VNPT phát triển từ tháng 6-12/2023. Ông Lê Thành Huấn, Phó giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, cũng như kế hoạch CÐS của tỉnh, Sở GTVT là một trong những đơn vị được UBND tỉnh chọn đưa vào danh mục xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành giao thông. Thực tế, xây dựng CSDL là một bước CÐS quan trọng để số hoá toàn bộ hồ sơ có liên quan cũng như kết cấu hạ tầng giao thông để đưa lên bản đồ số, tích hợp và chia sẻ cho các bên có liên quan, đặc biệt làm CSDL cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh”.
Hệ thống này sẽ giúp cái nhìn toàn cảnh về quy hoạch giao thông, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ quản lý, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo.
Theo đó, đến nay cơ bản đã hoàn thiện hệ thống phần mềm giúp quản lý CSDL giao thông, gồm các phân hệ lớn như: Quản trị CSDL; Quản trị bản đồ; Quản lý hồ sơ; Quản lý tra cứu số liệu tổng hợp; Quản lý cung cấp dịch vụ chia sẻ bản đồ hạ tầng GTVT và Quản trị hệ thống.
Ðồng thời, tiến hành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm: thu thập, chuẩn hoá xây dựng CSDL tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuẩn hoá xây dựng CSDL tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; chuẩn hoá xây dựng CSDL hạ tầng vận tải; chuẩn hoá chuyển đổi CSDL quy hoạch hạ tầng giao thông.
Với hệ thống CSDL này, sẽ giúp quản lý dữ liệu tập trung, tổng hợp theo không gian, thời gian trên cùng một hệ thống trực quan hoá. Cơ sở dữ liệu được minh bạch hoá và đưa về chung một chuẩn (đúng toạ độ VN2000, đúng các quy chuẩn bộ, ngành đề ra). Theo đó, có thể tra cứu, thống kê, báo cáo dữ liệu chính xác, hiệu quả, trực quan theo tiêu chí, thông tin mong muốn. Ðồng thời chia sẻ, kết nối dữ liệu giao thông với các hệ thống khác của tỉnh dễ dàng. Cập nhật dữ liệu theo thời gian trên cùng một hệ thống đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống". Ðặc biệt, giúp có cái nhìn toàn cảnh về quy hoạch giao thông, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ quản lý, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo.
Tại Hội thảo các giải pháp chuyển đổi số ngành GTVT, đại diện lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phía Nam cũng trao đổi về việc xây dựng, ứng dụng, vận hành hệ thống CSDL GTVT của tỉnh Cà Mau. (Trong ảnh: Ông Phạm Quốc Thắng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu).
Ông Lê Thành Huấn cho biết thêm: “Dự án này mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh, Sở để có tầm nhìn rõ hơn về lĩnh vực giao thông. Bởi trong dự án này, ngoài CSDL còn có một lớp quy hoạch của ngành giao thông để định hướng. Khi mở ra sẽ rất trực quan, chẳng hạn như biết được tuyến đường đó có đồng bộ giữa cầu và đường chưa, hay cần xây dựng như thế nào để đảm bảo tải trọng lưu thông. Ngoài ra, với tính kết nối, sẽ kiểm soát được ưu tiên đầu tư cái nào trước, cái nào sau để đạt hiệu quả cao nhất”.
Chia sẻ với các tỉnh, thành khu vực miền Nam tại Hội thảo các giải pháp chuyển đổi số ngành GTVT, ông Huấn thông tin, đây là dự án mới và Cà Mau triển khai đầu tiên nên cần nhiều thời gian, từng bước đưa vào vận hành. Ðến nay, Sở GTVT chỉ mới phân quyền cho các cán bộ, chuyên viên thực hiện các thao tác để làm quen; còn vận hành và chia sẻ dữ liệu thì vẫn chưa triển khai, do cần ban hành quy chế vận hành sau khi xây dựng giải pháp để việc áp dụng vào thực tế công tác quản lý, khai thác hiệu quả. Ngoài ra, đây là dự án về công nghệ thông tin nên tính bảo mật phải đảm bảo. Sở GTVT đã trình xin phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin, khi đó mới đảm bảo được vận hành và chia sẻ dữ liệu.
Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện quy chế, hoàn thiện CSDL giao thông đường thuỷ còn lại do tỉnh quản lý; tổ chức hội thảo và lấy ý kiến các huyện, TP Cà Mau thực hiện đối với đường đô thị, đường huyện./.
Hồng Nhung