ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 11:42:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giải toả chướng ngại vật trên sông, rạch: Nhiều ngành, nhiều cấp cùng vào cuộc

Báo Cà Mau (CMO) Giải toả đáy cũng như các hoạt động khai thác thuỷ sản khác trên sông, rạch không chỉ nhằm khôi phục nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ mà còn là điều kiện cần thiết để bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, công việc này dù đã được Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn còn khá chậm và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để xây dựng kế hoạch giải toả các hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, rạch cũng như xây dựng đề án chuyển đổi sinh kế của các hộ bị giải toả, ngày 28/3/2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 2248/UBND-NNTN về việc điều tra nghề đáy trên địa bàn tỉnh và yêu cầu Sở NN&PTNT có báo cáo kết quả điều tra trước ngày 30/4. Tuy nhiên, đến ngày 22/6, Sở NN&PTNT mới có báo cáo tổng hợp về UBND tỉnh.

Không chỉ chậm mà còn... thiếu thông tin

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.266 hộ làm nghề đáy sông...
... và khoảng 275 hộ làm nghề đặt lú trên sông, rạch.

Căn cứ theo thời gian quy định trong Công văn số 2248 của UBND tỉnh với thời gian mà Sở NN&PTNT báo cáo cho thấy hoạt động điều tra diễn ra khá chậm. Tuy nhiên, dù đã trễ gần 2 tháng nhưng những số liệu điều tra mà các địa phương gởi về được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Kết quả điều tra bước đầu của các huyện, thành phố cho thấy toàn tỉnh hiện có tổng số khoảng 1.578 hộ với trên 4.159 lao động tham gia hoạt động nghề khai thác thuỷ sản trên các sông, rạch. Trong đó, có 1.266 hộ làm nghề đáy sông, 16 hộ làm nghề đăng, 275 hộ làm nghề đặt lú và 21 hộ làm nghề khác.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tại Báo cáo số 1014 ngày 22/6, số liệu điều tra mà các huyện, thành phố còn thiếu nhiều thông tin cần thiết. Cụ thể, độ tuổi, nơi tạm trú, thường trú, nhân khẩu, diện tích đất trồng lúa, đất nuôi thuỷ sản, nghề hoạt động, thời gian làm nghề, giấy phép hoạt động, giá trị đầu tư, tổng thu nhập… Ngoài ra, có một số thông tin trong kết quả điều tra chưa phù hợp và sát với nghề hoạt động của các hộ dân.

Từ đó, chưa đủ tính thuyết phục để tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giải toả các hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, rạch cũng như xây dựng đề án chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thể triển khai giải toả hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông một cách đồng loạt và bền vững.

Trong khi đó, bên cạnh những công văn chỉ đạo, tại các phiên họp gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải còn chỉ đạo, trong năm 2018, các ngành chức năng có liên quan cũng như chính quyền địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải toả các hàng đáy, nò đó, các chướng ngại vật trên sông, rạch và phải làm quyết liệt. Đối với các hàng đáy trên sông lớn đã tồn tại nhiều năm qua mà bà con chỉ sống dựa vào nghề này, phải thống kê thật chính xác và có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề trước khi giải toả. Còn lại những nò đó loại nhỏ, mới phát sinh trên các sông, rạch phải kiên quyết giả toả hết và giao về cho địa phương quản lý. Nếu địa phương nào để phát sinh thì chịu trách nhiệm.

Công tác quản lý sông, rạch, phương tiện thuỷ nội địa, nghề khai thác thuỷ sản trên sông, rạch... thuộc trách nhiệm của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị: NN&PTNT, Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Đoạn quản lý đường sông, chính quyền địa phương, cơ sở... và chịu sự chi phối, phân cấp của nhiều văn bản quy định khác nhau như Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Thuỷ sản... Quá nhiều ngành quản lý và chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp quy, trong khi đó, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với nhau chưa chặt chẽ nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng và mất nhiều thời gian.

Khó do là nghề "cha truyền con nối"

Đa phần các hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, rạch của người dân nằm rải rác trên địa bàn rộng, không tập trung, nguồn kinh phí và nhân lực có giới hạn... Đây là nguyên nhân khiến việc xử lý khá chậm. Theo ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, số lượng đáy trên sông của huyện hiện rất lớn. Song song đó, số hộ phụ thuộc vào nghề này cũng rất lớn mà lại không có ngành nghề khác nên việc giải toả vô cùng khó.

Việc giải toả các đáy lú và các chướng ngại vật trên sông nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn đường thuỷ nội địa, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời giữ gìn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Các hoạt động hành nghề đáy cũng khai thác thuỷ sản khác trên sông, rạch đã tồn tại qua nhiều thời kỳ, có lịch sử lâu đời và chuyển tiếp qua nhiều thế hệ nên trong quá trình điều tra, thu thập thông tin mất nhiều thời gian. “Đây là nguyên nhân khiến huyện Ngọc Hiển phải xin gia hạn thời gian hoàn thành nhiệm vụ dài hơn, thay vì vào tháng 9 này theo sự phân công giao nhiệm vụ của UBND tỉnh”, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, phân tích.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp, trong tổng số các hộ đang hoạt động khai thác trên sông, rạch, có khoảng 1.173 hộ đồng ý giải toả, 337 hộ không đồng ý. Ngoài ra, trong có số này có 1.344 hộ có nguyện vọng chuyển đổi nghề sau khi giải toả, 75 hộ không đồng ý chuyển nghề, 91 hộ không có ý kiến. Trong đó có 727 hộ muốn chuyển qua nghề nuôi thuỷ sản, 208 hộ chuyển nghề chăn nuôi, 223 hộ chuyển nghề mua bán, 100 hộ chuyển nghề khác, 252 hộ không có ý kiến. Có thể thấy, tuy chưa phải toàn bộ số hộ đồng ý chuyển đổi sinh kế, nhưng theo tính toán tổng nhu cầu nguồn vốn đề nghị Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề theo nguyện vọng của người dân đã lên trên 386 tỷ đồng.

Từ những con số trên có thể khẳng định, việc giải toả các hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, rạch rất khó khăn, nhạy cảm và phức tạp. Tiến độ giải toả hoạt động lấn chiếm trên đầm Thị Tường là một minh chứng sinh động. Dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt từ năm 2016, nhưng đến nay hiện trạng ở đây vẫn chưa có sự chuyển biến nhiều. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, đã từng cho biết, việc giải toả trả lại hiện trạng ban đầu cho đầm Thị Tường vượt ngoài khả năng của xã do diện tích và số hộ quá lớn. Đặc biệt, trong đó có 19 hộ đời sống vô cùng khó khăn, nếu di dời phải có phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, vì họ đã sống bằng nghề này mấy mươi năm nay.

Là nghề truyền thống tồn tại nhiều năm nay, là sinh kế hằng ngày của nhiều người dân, trong đó đa phần là dân nghèo, di cư tự do... cũng là khó khăn chung của toàn bộ các hộ dân đang hành nghề khai thác thuỷ sản trên các sông, rạch bằng đáy, lú, nò, đó…

Do đó, để đảm bảo thực hiện hiệu quả, cần có sự gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của từng sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong dân mới mang tính bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, để làm được việc này, trước mắt phải có số liệu điều tra một cách chính xác. Trên cơ sở đó, để phân loại các hàng đáy và hoạt động khai thác thuỷ sản khác trên sông, rạch, đối tượng nào vận động, tuyên truyền, buộc cam kết tự giải toả, đối tượng nào bắt buộc phải giải toả ngay, đối tượng nào cần phải có lộ trình giải toả, đối tượng cần chuyển đổi nghề... chỉ như vậy mới có thể hoàn thành việc giải toả dứt điểm trước tháng 12/2018 theo chỉ đạo của UBND tỉnh./.

Nguyễn Phú

Theo Thông báo số 147/TB-VP ngày 9/2/2017 của Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, khi giải toả xong sẽ giao lại cho địa phương quản lý và có hậu kiểm cũng như kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương huyện, xã nếu để phát sinh vi phạm, tái phạm.

 

Ô tô lưu thông giờ cấm gây mất an toàn trước cổng trường

Theo phản ánh của một số người dân Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, hiện nay, tuyến đường Thái Thanh Hoà xuất hiện tình trạng nhiều ô tô, trong đó có cả ô tô tải lưu thông vào giờ cấm. Ðiều này đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực, nhất là vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh tan học tại điểm Trường Tiểu học Ngô Bình An.

Học sinh vi phạm giao thông giảm

Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh, tình hình chấp hành luật giao thông trong học sinh chuyển biến tích cực, nhất là hạn chế tình trạng lỗi vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông. Từ những kết quả đạt được, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác này trong những tháng còn lại của năm, với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với lứa tuổi học sinh.

Không giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi

Hiện nay, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông diễn ra phổ biến tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Ðể giải quyết thực trạng này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý chặt con em mình ngay từ gia đình của PHHS, người giám hộ, trong đó có việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chở hàng cồng kềnh, nguy cơ tai nạn

Thời gian gần đây, trên các tuyến lộ từ nông thôn đến thành thị, xuất hiện ngày càng nhiều xe máy, xe tự chế chở hàng hoá, vật dụng có kích thước dài vượt quá quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ va quẹt, tai nạn giao thông khó lường.

Tra cứu phạt nguội trước khi đăng kiểm xe cơ giới

Theo Thông tư 30/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện bị “phạt nguội” (vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát) chưa thực hiện việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ðây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ phương tiện trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa nắm rõ quy định này, khi đến hạn đăng kiểm, bị từ chối thì mới vỡ lẽ mình vi phạm.

Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thực hiện tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông (VPGT) đối với học sinh của Cục Cảnh sát giao thông, trong những ngày vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt xử lý vi phạm đối với đối tượng học sinh tại các điểm trường.

Biển chỉ dẫn giao thông gây… mất an toàn

Ðó là biển chỉ dẫn trước cổng Trường Tiểu học Ðông Hưng 2, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng.

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Hiện nay, tổng số xe thuộc các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn tỉnh là hơn 3.100 xe, gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe trung chuyển và xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về việc học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, năm học 2024-2025. Điểm cầu tỉnh Cà Mau được đặt tại Trường THPT Cái Nước (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Dừng, đỗ xe cần đúng luật và văn minh

Hiện nay, tại các khu vực nội thị TP Cà Mau, các loại phương tiện giao thông đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là đối với xe ô tô. Ðiều này đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, chuyện đậu, đỗ xe nơi công cộng đã và đang là đề tài nóng, bởi có nhiều chuyện đáng bàn đằng sau vấn đề này.