(CMO) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải về giải toả đáy cá, vật chướng ngại trên sông, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Và câu chuyện giải toả đáy sông chưa bao giờ là câu chuyện dễ giải quyết, khi các địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho người dân bao đời gắn bó với nghề này.
Hàng đáy Ông Gầy, thuộc địa bàn ấp Xóm Mới, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, là một trong những hàng đáy cố định lớn, với chiều dài chiếm hơn 2/3 sông Cái Lớn, số lượng miệng đáy ở đây lên đến con số 19. Mặc dù nghề đóng đáy cá không còn hưng thịnh như trước, nhưng nó vẫn là “nồi cơm” của hơn 20 hộ dân sinh sống tại khu vực này.
Vấn đề giải toả hàng đáy cố định trên các tuyến sông đang là thách thức lớn đối với ngành chức năng, các địa phương. |
Chủ trương giải toả hàng đáy đến với người dân nơi đây đã tạo tâm lý lo lắng, bởi đối với họ, nghề này không chỉ là mưu sinh mà còn là nghề cha truyền con nối. Có mấy chục năm làm nghề đáy cá tại đây, ông Ngô Văn Đắc bộc bạch: “Hơn 25 năm gia đình sống bằng nghề khai thác thuỷ sản từ miệng đáy này. Nhà có 6 người, không đất ở, không đất sản xuất, nếu Nhà nước giải toả không biết sẽ sống bằng gì? Tới giờ tôi vẫn chưa có phương án tìm nghề gì khác để thay thế lo cho cuộc sống trong tương lai”.
Tương tự như gia đình ông Đắc, hộ ông Tiêu Minh Sơn có 1 miệng đáy tại hàng đáy này cũng chung cảnh ngộ. Đôi mắt đượm chút lo lắng, ông Sơn chia sẻ: “Nhà nước có chủ trương giải toả thì gia đình thống nhất, đồng thời cũng đã ký cam kết với địa phương về việc chấp hành giải toả. Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa biết sống bằng gì, vì không có đất sản xuất, không nghề nghiệp. 3 đứa con đều trong tuổi đến trường nên tôi tha thiết mong Nhà nước hỗ trợ nghề nghiệp để ổn định cuộc sống sau khi hàng đáy bị giải toả”.
Đó cũng chính là cảnh ngộ của hơn 20 hộ dân đóng đáy trên địa bàn này. Vấn đề tìm ổn định cuộc sống sau khi bị giải toả hàng đáy chính là vấn đề mấu chốt. Đây cũng là khó khăn, bất cập đang tồn tại trong việc giải quyết thanh thải hàng đáy, vật chướng ngại trên sông của địa phương có mật độ sông ngòi chằng chịt như huyện Ngọc Hiển.
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Hiển Nguyễn Thanh Sử cho biết: “Băn khoăn lớn nhất của địa phương vẫn là vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho những hộ dân này, nhất là những hộ có hàng đáy cố định. Bởi đa phần họ không đất sản xuất, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản trên sông. Họ đều mong có nghề ổn định, phù hợp điều kiện thực tế, chứ không phải là việc hỗ trợ bằng tiền. Hiện ngành NN&PTNT đang trong quá trình xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề nhưng rất chậm, nên việc giải toả vẫn đang gặp khó. Nếu thực hiện ngay phương án giải toả thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân đang sinh sống bằng nghề này”.
Việc giải toả các loại đáy, hàng đáy, vật chướng ngại trên sông lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa gây mất an toàn giao thông là một chủ trương đúng, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, để công tác giải toả được hiệu quả, nhất là đối với các hàng đáy cố định, lâu đời thì càng không phải là câu chuyện dễ. Lộ trình giải toả đối với loại đáy này bao giờ mới thực hiện được? Đây là một trong những câu hỏi lớn đang được đặt ra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh./.
Song Khuê
Theo số liệu thống kê mới nhất, huyện Ngọc Hiển có 1.177 vật chướng ngại trên sông. Trong đó, có tới 256 hàng đáy cố định với 440 miệng đáy; 737 vật chướng ngại vật là đáy đăng con giống thuỷ sản của 401 hộ gia đình với 1.590 nhân khẩu. Đây là con số không hề nhỏ và làm gì để bao nhiêu con người này ổn định cuộc sống sau giải toả, để họ không tái lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa gây mất an toàn giao thông đang là một vấn đề được đặt ra, khi thời điểm ra quân giải toả đang đến gần. |