(CMO) Ma tuý làm băng hoại đạo đức con người, gây xáo trộn tình hình an ninh trật tự, kéo chậm sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác phòng và chống loại tệ nạn này cần phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Nhằm tăng cường các giải pháp tấn công trấn áp tội phạm về ma tuý, các lực lượng chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, triệt phá, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý đối tượng nghiện, cũng như quản lý đối tượng sau cai nghiện. Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn luôn diễn biến phức tạp ở từng lúc và từng thời điểm khác nhau.
Sửa đổi biện pháp cai nghiện bắt buộc
Trước đây, đối tượng nghiện được tổ chức cho cai nghiện tại cộng đồng (theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ). Sau thời gian cai nghiện đối tượng tiếp tục tái nghiện thì công an sở tại sẽ lập hồ sơ thông qua hội đồng tư vấn địa phương đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP).
Đội Kiểm tra phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Cà Mau phát hiện đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý trong nhà trọ. |
Từ khi thực hiện theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 94) thì trong thời gian giáo dục tại cộng đồng, nếu người được giáo dục không tiến bộ thì chính quyền địa phương sẽ tổ chức cuộc họp có đầy đủ các thành phần, trong cuộc họp phải có mặt người được giáo dục và gia đình người được giáo dục. Còn theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 135), thì khi có quyết định của toà án thì công an mới tiến hành đưa đối tượng đi cai nghiện, mà trước đó công an địa phương phải tiến hành thu thập tài liệu, lập hồ sơ người nghiện chuyển cho phòng tư pháp đề nghị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau đó, phòng tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và gửi cho phòng lao động - thương binh và xã hội, đơn vị này sẽ xem xét, ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị TAND cùng cấp ra quyết định.
Song, khổ nỗi, biết cuộc họp là xem xét đưa mình đi cơ sở cai nghiện bắt buộc nên người nghiện cố tình tránh né, vắng mặt và tiếp tục sử dụng ma tuý. Trong khi đó, ở nhiều nơi, y tế địa phương chưa được tập huấn và hướng dẫn thực hiện nên không đủ điều kiện để trả lời kết quả kết luận. Bởi thế, việc lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc kéo dài thời gian, tỷ lệ người tái nghiện tăng, tình hình trật tự an toàn xã hội từng lúc bất ổn.
Vì vậy, tháng 9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2016/NĐ-CP “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221”. Theo đó, quy định 3 đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thay vì 2 đối tượng (như quy định tại Nghị định số 221). Bên cạnh đó, thẩm quyền xác định người nghiện ma tuý, chế độ ăn, mặc và sinh hoạt đối với học viên tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cũng được sửa đổi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc xử lý đối tượng nghiện ma tuý.
Công bằng với cai nghiện tự nguyện
Ma tuý không chỉ huỷ hoại bản thân người nghiện mà gia đình người nghiện cũng ảnh hưởng không nhỏ. Song, thuyết phục người nghiện đi cai nghiện đã khó mà tìm nguồn kinh phí để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện càng khó hơn, bởi người cai nghiện tự nguyện phải đóng trên 6 triệu đồng (thời gian cai nghiện tối thiểu là 6 tháng).
Tại Cà Mau, cuối năm 2016, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện. Xét thấy vấn đề cần thiết, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xin được hỗ trợ 100% kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện. Và, tháng 1/2017, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí cai nghiện tự nguyện.
Trong thời gian chờ các đơn vị chức năng tham mưu sửa đổi Quyết định 15/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh (ban hành tháng 6/2016), về “Quy định mức hỗ trợ, các khoản đóng góp, chế độ miễn, giảm chi phí đối với người nghiện ma tuý bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc hỗ trợ 100% kinh phí cai nghiện tự nguyện từ ngày 1/3/2017.
Theo ông Lý Việt Thống, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Cà Mau, hiện nay, việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện… Trong khi đó, người nghiện ma tuý muốn tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện thì lại không có tiền. Bởi theo quy định, người nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí trong quá trình cai nghiện, còn người cai nghiện ma tuý tự nguyện thì bản thân và gia đình người đó phải đóng góp kinh phí (bằng với mức hỗ trợ của Nhà nước cho người cai nghiện bắt buộc).
Thế nên, việc tỉnh Cà Mau hỗ trợ 100% kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cai nghiện. Tin rằng, đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tập trung rà soát, vận động người nghiện ma tuý đi cai nghiện tự nguyện, người nghiện ma tuý ngoài xã hội sẽ giảm trong thời gian tới và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ ổn định hơn.
Mỹ Pha