(CMO) Mưa cộng với triều cường gây ngập úng, tràn bờ bao là câu chuyện không còn xa lạ với người dân vùng sông nước Cà Mau. Những năm gần đây, hiện tượng thiên tai này càng trở nên phức tạp khi có nhiều vùng ngập sâu hơn, thiệt hại lớn hơn.
Nhắc đến triều cường, hẳn không ai có thể quên được những đợt mưa lớn kéo dài kết hợp nước dâng cao gây ngập úng hầu khắp địa bàn tỉnh, diễn ra thời điểm tháng 11/2020, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, làm ngập và hư hỏng nặng nhiều tuyến đường. Hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Chỉ tính riêng việc giặm vá, sửa chữa, khắc phục các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh cũng đã tốn số tiền lên đến trên 140 tỷ đồng.
Còn đối với sản xuất, đã có hơn 14.300 ha lúa cùng hàng ngàn héc-ta rau màu, cây ăn trái và nhà cửa của người dân bị ngập. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là bà con nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tại đây đã có trên 1.400 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 8.500 ha thiệt hại trên 70%. Hay như huyện U Minh, cũng có trên 4.500 ha lúa bị ngập, thiệt hại trên 877 ha; 83 tuyến đường với tổng chiều dài 178 km bị ngập sâu và hư hỏng…
Ðợt triều cường dâng cao lịch sử này diễn ra trong nhiều ngày đã làm xáo trộn tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân, một số điểm trường phải cho học sinh nghỉ học.
Nhiều hộ dân xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời chủ động tôn cao bờ bao vuông vừa để hạn chế thiệt hại khi có triều cường, vừa tận dụng trồng thêm cây ăn trái. |
Thực tế, triều cường không phải là hiện tượng quá xa lạ với người dân ven biển như Cà Mau. Tuy nhiên, hầu như đợt triều cường nào cũng để lại những thiệt hại.
Còn nhớ trước đó, đợt triều cường đầu tháng 12/2017 cũng đã làm ngập cục bộ hầu hết các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh, gây ra thiệt hại về công trình giao thông, nhà cửa, thất thoát thuỷ sản, ngập úng rau màu, cây ăn trái, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2021 này có 2 đợt triều cường, cao nhất là vào tháng 11 và tháng 12. Ðồng thời, theo dự báo, từ nay đến hết năm, trên biển Ðông còn khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Với dự báo này, mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của triều cường từ nay đến cuối năm càng trở nên nghiêm trọng và khó lường hơn. Bởi lẽ, hiện dù đã rất nỗ lực nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là triều cường, nước biển dâng vẫn chưa được đồng bộ, đặc biệt là tuyến ven biển.
Một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại từ thiên tai là tiến hành đầu tư xây dựng cống tại các cửa sông, khép kín tiểu vùng để điều tiết nước phục vụ sản xuất, hạn chế triều cường dâng cao. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được khoảng 181 cống, trong đó tập trung nhiều nhất tại các huyện thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi có mưa lớn và triều cường như Trần Văn Thời với 81 cống, Phú Tân 35 cống, Ðầm Dơi 27 cống, Cái Nước 17 cống và U Minh 12 cống. Ðồng thời, triển khai xây dựng nhiều tuyến đê bao tiểu vùng kết hợp lộ nông thôn.
Cống T25 là một trong những cống quan trọng để tiêu thoát nước, tháo úng xổ phèn cho người dân huyện U Minh và cả huyện Trần Văn Thời. |
Song song với việc đầu tư hệ thống cống, đê bao tiểu vùng, để người dân chủ động hơn trong sản xuất, hạn chế ngập úng, toàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng được 20 trạm bơm với 50 máy. Theo đó, máy có lưu lượng bơm lớn nhất là 12.500 m3/giờ (1 máy) và máy có lưu lượng bơm nhỏ nhất là 2.500 m3/giờ (30 máy), còn lại 19 máy có lưu lượng bơm 55.000 m3/giờ.
Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là triều cường, nước biển dâng vẫn chưa được đồng bộ, đặc biệt là tuyến ven biển. Nguy hiểm nhất là khu vực bờ biển Ðông, với chiều dài khoảng 100 km đã có đến hơn 48 km xói lở nguy hiểm. Ðáng quan tâm, khu vực này hiện nay gần như chưa có đê bao để bảo vệ sản xuất và người dân bên trong. Khu vực biển Tây dù đã được đầu tư con đê biển, thế nhưng, nhiều đoạn vẫn chưa được nâng cấp, nên cao trình đỉnh đê thấp hơn đỉnh triều những năm trước.
Cụ thể như đoạn đê Kênh Năm - Mỹ Bình dài hơn 36 km, cao trình đỉnh đê khoảng từ 1,3-1,6 m, trong khi đó đỉnh triều xảy ra vào tháng 10/2020 tại huyện Năm Căn dâng cao hơn 1,51 m.
Dù chưa bước vào thời gian cao điểm của đỉnh triều, nhưng từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cộng với triều cường làm hơn 28 km lộ và 496,4 ha nuôi thuỷ sản bị ngập, tràn; hơn 572 căn nhà bị ngập; 110 m bờ bao vuông tôm bị vỡ; thiệt hại và ảnh hưởng 2.386 ha lúa (thiệt hại 106 ha, ảnh hưởng 2.280 ha) và nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái. Ngoài ra, dòng chảy mỗi con nước triều lên xuống cũng là nguyên nhân chính gây ra hơn 117 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 2.380 m, trong đó có 639 m lộ bê-tông, 2 mố trụ cầu, 40 m bờ kè, 100 m lộ cấp VI…
Hạ tầng công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được đồng bộ, trong khi đó thiên tai, thời tiết diễn biến ngày một khó lường. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản và sản xuất của gia đình mình. Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn một số huyện ven biển đã chủ động be bờ, đắp đập, xây dựng bờ kè bê-tông… nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường. Sự chủ động này của người dân là một tín hiệu đáng mừng trước diễn biến khó lường của thời tiết như hiện nay./.
Nguyễn Phú