(CMO) Hơn 30 năm hình thành cũng là ngần ấy năm cuộc chiến giữ đất, giữ rừng ven đê biển Tây không phút nào ngơi nghỉ. Hàng ngàn tỷ đồng kèm theo hàng loạt các giải pháp từ công trình cho đến phi công trình đã được triển khai dọc theo chiều dài của đê, thế nhưng, đến nay hồi kết vẫn chưa ai dám khẳng định là khi nào.
Mặc cho cơn mưa nặng hạt trút xuống, những công nhân trên công trình xây dựng kè rọ đá khu vực sạt lở nghiêm trọng đoạn vàm T25 về vàm T29 cứ thế ngâm mình dưới nước khuân từng cục đá, cẩn thận xếp vào rọ. Ðối với họ, điều kiện thời tiết không còn quá quan trọng, mà mối quan tâm nhiều nhất là làm sao sớm hoàn thành công trình tạo được thêm một lớp bảo vệ cho đê, cho hàng chục ngàn bà con phía trong.
Dù thời tiết biển rất khắc nghiệt, nhưng các công nhân vẫn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kè rọ đá đoạn sạt lở nghiêm trọng khu vực từ vàm T25 đến vàm T29 trên đê biển Tây. |
Ðược hình thành từ những năm 1990, tuyến đê biển Tây dài khoảng 108 km. Ðây là tuyến đê có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cả quốc phòng an ninh tỉnh. Nếu chỉ tính riêng về kinh tế, đê biển Tây đang là vành đai chắn sóng bảo vệ hơn 26.000 hộ dân và trên 129.000 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ven đê, trong đó đặc biệt là hệ sinh thái rừng U Minh Hạ, một trong những khu vực quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Hơn 30 năm được hình thành là ngần ấy năm công tác bảo vệ, bồi trúc đê không phút nào được ngơi nghỉ, nhất là trong khoảng thời gian hơn 10 năm gần đây. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nhất là hiện tượng mưa bão xuất hiện với cường độ ngày một cao hơn đã khiến tình trạng sạt lở, sụt lún liên tục xuất hiện làm rừng phòng hộ cứ thế mất dần, tuyến đê biển Tây ngày một mỏng manh hơn, nhất là mỗi khi đến mùa mưa bão.
Ðể bảo vệ đê, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân bên trong, suốt thời gian qua, tỉnh đã dốc toàn lực đầu tư từ các giải pháp công trình cho đến phi công trình trên đê, ngoài biển và cả trong đê. Công trình kè rọ đá đang triển khai tại khu vực vàm T25 hướng về vàm T29, thuộc Ấp 8, xã Khánh Hội, là một trong số hàng loạt những công trình đã và đang được triển khai thời gian qua trên tuyến biển Tây. Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam, suốt thời gian qua, rất nhiều giải pháp xây dựng kè chống sạt lở, giải pháp khôi phục rừng phòng hộ, kể cả hàng loạt các dự án tái định cư… đã được triển khai trên khu vực biển Tây.
Một trong những công trình nổi bật nhất là dự án nâng cấp đê biển Tây tại Cà Mau. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, dù còn khó khăn nhất định, song dự án đã tạo ra nhiều điểm nhấn trên đê biển Tây, nhất là trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Ðã có hơn 50 km đê biển kết hợp với đường giao thông từ Tiểu Dừa đến thị trấn Sông Ðốc được hoàn thành. Ngoài biển có gần 15 km kè bê-tông ly tâm được xây dựng nhằm chắn sóng, tạo bãi trồng lại rừng phòng hộ đã mất. Trong đê, 3 khu tái định cư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để bố trí, di dời những hộ dân vùng thiên tai vào nơi ở an toàn. Không chỉ vậy, hàng loạt tiểu dự án khác đã và đang tiếp tục được triển khai nhằm bảo vệ đê, bảo vệ đời sống người dân một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, dù đã dốc toàn lực, nhưng trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, tuyến đê và khu vực ven bờ biển Tây chưa bao giờ được bình yên, nhất là trong giai đoạn mưa bão kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh như hiện nay. Trong số nhiều điểm sạt lở diễn biến phức tạp trên tuyến biển Tây thì hiện nay, đoạn bờ biển cách vàm T25 khoảng 700 m hướng về vàm T29, thuộc Ấp 8, xã Khánh Hội có gần 1.000 m đang trong tình trạng sạt lở nhanh. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn cuối năm 2020, đoạn bờ biển này đai rừng còn từ 40-65 m, nhưng mới bước vào đầu mùa mưa bão năm 2021, trước tác động trực tiếp của sóng biển làm cho đai rừng chỉ còn lại từ 30-55 m.
Liên quan đến tình trạng sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh, một thống kê khiến nhiều người phải giật mình. Cụ thể, chỉ trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Cà Mau đã mất đến 8.870 ha rừng phòng hộ ven biển. Nếu lấy diện tích tự nhiên của tỉnh là khoảng 521.000 ha chia đều cho 101 xã, phường, thị trấn hiện nay, thì bình quân mỗi xã, phường, thị trấn khoảng 5.158 ha. Như vậy, diện tích đất bị mất do sạt lở trong 10 năm qua gấp 1,7 lần diện tích bình quân 1 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Cùng với mất đất, mất rừng, sạt lở là thiên tai đang đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển.
Theo thống kê, dù chưa phải cao điểm mùa mưa bão, nhưng từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng đã làm 2 thuyền viên mất tích trên biển; 2 tàu cá bị chìm; thiệt hại hơn 28 km lộ, 496,4 ha nuôi trồng thuỷ sản, 2.371 ha lúa, 2 ha rau màu, 13 ha chuối; 43 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 959 m, trong đó có 309,5 m lộ bê-tông; 661 căn nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng (bị ngập 572 căn, sập 29 căn, tốc mái 52 căn, hư hỏng 8 căn). Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai trong 6 tháng đầu năm khoảng 2 tỷ đồng.
Nhiều cây mắm, đước bị sóng biển đánh bật gốc, nằm trơ trọi sát mé đê biển Tây. |
Tại khu vực bờ biển đoạn từ vàm T25 đến vàm T29, không khó để thấy nhiều xác cây mắm, đước bị sóng biển đánh bật gốc nằm trơ trọi sát mé đê. Hình ảnh này cho thấy công tác phòng, chống thiên tai, nhất là phòng chống sạt lở ven biển Tây vẫn còn là hành trình đầy gian nan phía trước./.
Nguyễn Phú