Kết quả đạt được trong phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh thời gian qua khẳng định hướng đi đúng trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) - “hạt nhân” tương lai của tỉnh, đất nước. Ðó là cơ sở, nền móng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. “Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trong sự nghiệp “trồng người””, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), khẳng định.
- Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, từ công tác phát hiện, tuyển chọn học sinh năng khiếu đến nâng cao chất lượng giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất.
Trước hết, công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG được thực hiện từ sớm (từ cấp THCS qua các kỳ thi chọn HSG cấp trường, huyện, thành phố, cấp tỉnh); Sở GD&ÐT tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh khoa học, bài bản, nghiêm túc (thể hiện qua việc ra đề, phản biện đề và tổ chức thi, chấm thi, công nhận giải đối với 3 kỳ thi: chọn HSG THCS cấp tỉnh, chọn HSG lớp 10, 11 cấp tỉnh; kỳ thi chọn đội tuyển tỉnh dự thi HSG vòng quốc gia); qua đó phát hiện và tạo điều kiện để các em HSG phát huy tối đa năng lực chuyên sâu.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tặng bằng khen cho 17 học sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia năm học 2023-2024, tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024.
Ðội ngũ giáo viên giảng dạy và bồi dưỡng HSG không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng cá nhân hoá, phù hợp với năng lực từng học sinh.
Chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát đối với Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển trong công tác tuyển sinh lớp 10, để thực sự chọn được học sinh giỏi, có năng khiếu; chỉ đạo trường tập trung xây dựng chương trình chuyên kết hợp chương trình GDPT đại trà cấp THPT, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho các đội tuyển của tỉnh dự thi vòng quốc gia, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác với các trường chuyên, đại học trong và ngoài tỉnh, giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành.
- Theo ông, việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn mang lại thành quả và ý nghĩa như thế nào trong việc ươm mầm tài năng, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Nhờ sự đầu tư bài bản, chất lượng, giáo dục mũi nhọn của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể, đạt được nhiều thành tích nổi bật trong các kỳ thi HSG cấp khu vực và quốc gia. Ðiều này không chỉ khẳng định vị thế của giáo dục Cà Mau trên bản đồ tri thức cả nước mà còn góp phần quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương. Nhiều thế hệ học sinh xuất sắc đoạt giải cấp quốc gia đã tiếp tục học tập tại các trường đại học danh tiếng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.
Không chỉ dừng lại ở thành tích, giáo dục mũi nhọn còn góp phần khơi dậy niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học trong học sinh. Chúng tôi tin rằng, những HSG hôm nay sẽ là những trí thức, nhà khoa học, nhà lãnh đạo trong tương lai, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau ngày càng giàu đẹp.
Riêng trong Kỳ thi HSG quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh có 23 thí sinh đoạt giải. Trong đó, 1 giải Nhì môn Ngữ văn, 8 giải Ba các môn: Toán, Vật lý, Sinh học, Ngữ Văn và 14 giải Khuyến khích. Ðây cũng là năm tỉnh Cà Mau có số lượng thí sinh đoạt giải nhiều nhất từ trước đến nay tại kỳ thi này.
Thông qua các cuộc thi HSG cấp trường, huyện, thành phố, thi khoa học - kỹ thuật trong học sinh cấp tỉnh, ngành giáo dục phát hiện và tạo điều kiện để các em HSG phát huy tối đa năng lực chuyên sâu.
- Xin ông cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là việc giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn, ngành giáo dục tỉnh đã đề ra những giải pháp, chiến lược phát triển giáo dục mũi nhọn trong thời gian tới như thế nào?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh xác định một số định hướng trọng tâm: xây dựng chiến lược, tầm nhìn về chất lượng mũi nhọn, phát triển giáo dục tỉnh. Ðặc biệt, quan tâm công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu ngay từ bậc THCS, xây dựng lộ trình phát triển dài hạn để các em có điều kiện học tập tốt nhất. Tiếp tục hoàn thiện chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, chú trọng phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề cho học sinh. Tăng cường hợp tác với các trường chuyên, các trường đại học, mời chuyên gia đầu ngành giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và học sinh. Ðẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, khai thác hiệu quả kho học liệu trực tuyến để học sinh tiếp cận tri thức hiện đại. Xây dựng những chính sách hợp lý để thu hút, động viên, tuyên dương cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, HSG. Ðầu tư phù hợp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để phát huy hơn nữa công tác giáo dục mũi nhọn.
Mục tiêu chung không chỉ là giữ vững thành tích mà còn đưa giáo dục Cà Mau vươn xa, góp phần đào tạo những thế hệ học sinh có bản lĩnh, tri thức, sẵn sàng hội nhập và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và đất nước trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Anh thực hiện