Với các giải pháp từ công trình cho đến phi công trình đã triển khai trong suốt thời gian qua, hành trình giữ đất, giữ rừng trước tác động của biến đổi khí hậu bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Dù vậy, với nguồn lực hiện tại, hành trình này vẫn rất dài.
Bảo vệ đê biển Tây, phòng chống và hạn chế sạt lở là nhiệm vụ được Cà Mau ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm qua. Theo đó, trong suốt hơn 13 năm qua, nhiều nguồn lực đã được huy động để triển khai các công trình, dự án phòng, chống sạt lở, nhất là các công trình kè khẩn cấp bảo vệ đê biển, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân ven biển.
Dự án kè cứng hoá mái đê biển Tây, đoạn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Kể từ năm 2010, tình trạng sạt lở khu vực biển Tây bắt đầu nóng dần lên và từ đó nhiều giải pháp bảo vệ đê, khôi phục rừng phòng hộ ven biển cũng đã được tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt. Trong suốt hành trình khoảng 13 năm qua, hàng loạt các giải pháp kè đã được tỉnh triển khai thực hiện, từ kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá cho đến kè ngầm tạo bãi, kè áp bờ..., với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Qua đó, đã xử lý và khắc phục sạt lở hiệu quả ở những vị trí xung yếu nhất.
Trong các giải pháp đã triển khai thì phương án xây dựng kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc đã mang lại hiệu và được các chuyên gia đánh giá cao. Theo ông Bùi Văn Ðông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều, những khu vực đã triển khai xây dựng kè cọc ly tâm trước đây (năm 2010) không chỉ đã khắc phục sạt lở mà còn tạo được bãi phía trong, đai rừng phòng hộ đang dần tái sinh rất tốt. Giải pháp công trình này được tỉnh và các ngành chuyên môn đánh giá mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Dự án kè cọc ly tâm tạo bãi khu vực Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh được xây dựng hoàn thành sẽ góp phấn đáng kể hạn chế sạt lở khu vực này.
Tuy nhiên, với tác động ngày một nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn nên các giải pháp công trình dù được đánh giá là hiệu quả nhưng chỉ triển khai mang tính chắp vá và chạy theo sau thiên tai. Bởi hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 35 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm và hơn 65 km sạt lở nguy hiểm. Theo đó, những khu vực đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, hằng năm biển lấn vào rừng phòng hộ từ 40-50 m, thậm chí những khu vực cửa biển con số này lên đến 80 m. Riêng những khu vực sạt lở nguy hiểm thì bình quân mỗi năm đai rừng phòng hộ mất khoảng 40 m.
Ðặc biệt, tại nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây, đai rừng phòng hộ không còn, sạt lở đã đến chân đê, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Ðông cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, dù bão hình thành ở rất xa nhưng hoàn lưu đã gây ra sạt lở nhiều điểm trên tuyến đê biển. Hiện tỉnh đang triển khai 3 công trình cứng hoá mái đê khẩn cấp tại các điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến đê biển Tây. Các đơn vị thi công nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do điều kiện thời tiết để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình khẩn cấp này vào sử dụng nhằm bảo vệ ổn định đê biển, cũng như bảo vệ sản xuất của người dân.
Theo đó, giải pháp công trình đang được triển khai là dùng những rọ được đan bằng lưới kẽm chất đá bên trong và được xếp chồng lên nhau tạo thành bức tường ngăn chặn và giảm sóng. 3 công trình này có đoạn đã đạt tiến độ hơn 80%, còn lại bình quân hơn 50%. Anh Hồng Thanh Ðảo, công nhân Công ty TNHH Phạm Trang, đơn vị đang thi công đoạn Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: "Thời tiết diễn biến bất thường, có khi đang nắng như đổ lửa thì trời lại mưa. Anh em tranh thủ tối đa thời gian thi công, làm không nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Tinh thần của công ty là đẩy nhanh tiến độ hết mức có thể, quyết tâm hoàn thành trước thời gian đề ra".
Công nhân tham gia thi công các công trình cứng hoá mái đê biển Tây, đoạn xã Khánh Bình Tây, làm không nghỉ cả thứ Bảy và Chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Chỉ tính riêng tuyến đê biển Tây dài khoảng 108 km, sau hơn 13 năm phấn đấu huy động từ nhiều nguồn lực, đến nay đã xây dựng được khoảng 54 km kè ly tâm tạo bãi, tức vẫn còn khoảng 54 km đang cần tiếp tục đầu tư. Với giá trị xây dựng khoảng 25 tỷ đồng/km thì kinh phí cần để thực hiện mục tiêu này cũng đã lên trên 1.350 tỷ đồng.
Không chỉ đầu tư xây dựng kè, những khu vực đã hình thành bãi như đoạn từ Hương Mai - Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), ngành nông nghiệp cũng đã tiến hành kê liếp để đảm bảo đủ cao trình trồng lại rừng phòng hộ. Từ năm 2021, ngành nông nghiệp đã tiến hành trồng lại rừng khu vực ven biển Tây với chiều dài hơn 9 km.
Ðoạn Hương Mai - Tiểu Dừa khi được xây dựng kè cọc ly tâm đã tạo được bãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai việc trồng lại rừng phòng hộ ven biển.
Những năm gần đây, tình trạng nước biển dâng cao bất thường diễn ra thường xuyên hơn. Có thời điểm triều cường đạt đỉnh hơn 2,2 m, kết hợp với sóng đã khiến nhiều khu vực trên đê biển Tây bị tràn, gây thiệt hại cho người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, nước biển dâng với tần suất ngày một thường xuyên và cao hơn, không còn theo quy luật như trước, do đó phải tiếp tục nâng cao đỉnh kè.
Qua kết quả khảo sát mới nhất, hiện toàn tỉnh có hơn 100 km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Ðể triển khai các giải pháp khắc phục và hạn chế sạt lở, giữ đất, giữ rừng tại những khu vực này, tỉnh cần ít nhất 3.900 tỷ đồng. Con số này vượt ngoài khả năng ngân sách đối với một tỉnh đang phát triển như Cà Mau, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương./.
Nguyễn Phú - Chí Diện