ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 13:36:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gọt vảy rồng

Báo Cà Mau (CMO) Chuyện này giờ nói ra chắc nhiều người không tin, nhưng hoàn toàn có thật. Đây là công việc quan trọng mà nhiều nhà ở xứ Cà Mau làm để chuẩn bị cho Tết đến, xuân về. Tất nhiên, đây không phải là tên của một món ăn như người miền thượng, có món ẩm thực làm từ đất.

Dù điều kiện sống trước đây còn khó khăn, nhưng với người Cà Mau, cái ăn chưa bao giờ là vấn đề đáng để bận tâm. Rừng vàng, biển bạc, sản vật minh thiên, chỉ cần quơ tay là có. Thêm thời tiết thuận hoà, thế nên cái ở của người Cà Mau cũng trở nên tối giản theo phương châm “ăn nhiều chớ ở bao nhiêu”. Căn nhà chỉ có cột kèo cặm bằng đước, bằng tràm, lợp lá dừa nước, đất nền đắp đào từ thứ bùn phù sa chưa rỏ phèn. Rất hiếm nhà có điều kiện lát gạch nền nhà. Nền nhà đất là nguyên nhân mà hàng năm, dù muốn hay không, người ta phải gọt đất để ăn Tết.

Khi gió chướng phất ngọn, Nam Bộ chính thức vào mùa khô thì nơi nơi bắt đầu râm ran chuyện ăn Tết. Làm ăn hanh thông hay chật vật, ăn Tết cũng phải tươm tất, nguyện cầu cho năm mới tấn tới, tươi vui. Cũng lạ đời, cứ gió chướng nổi lên thì cái nền nhà đất xì phèn, đóng lớp như muối. Đi ra đi vô mà chân dính nước thì quến phèn dẻo quẹo không khác gì sình non. Qua một mùa mưa hàng nửa năm trời, cái nền nhà phẳng phiu, láng bóng năm trước giờ đóng sình cục u na, u nần, lô nhô như nấm rơm mọc trong nhà mà trong nông thôn người ta gọi là nổi vảy rồng.

Minh họa: Minh Tấn

Ngặt một nỗi là khi khách bước vô nhà, phải ngó xuống dưới để bước qua các ngạch cửa. Ngó xuống thì đập vô mắt cái nền nhà trước tiên. Nhà nào mà nền nhà đóng phèn, lên mốc, nổi cục như óc trâu thì hẳn nhiên là gia chủ làm biếng nhớt thây hoặc là do mải miết lo chuyện đủ thiếu mà bỏ phế, bỏ liều việc sửa sang nhà cửa. Nhất là mấy cô, mấy chị nhà khá giả, điệu đà bộ cách, bước vô những nền nhà như thế thì cái chân vảnh vảnh, mắt nhìn dáo dát, miệng trề qua một bên như lội đường sình trời mưa. Hoặc là nhà cận Tết mà có việc hỉ, gia đình sui gia qua chơi mà ngó thấy cái nền nhà trời ơi, đất hỡi thì hết sức ái ngại.

Thôi thì nền nhà cũng coi như bộ mặt của chủ gia, có thế nào cũng phải chăm chút, sửa sang. Công việc gọt đất nền nhà nói vậy thôi chớ cũng lắm công phu. Nhà nào nền xì phèn thì việc đầu tiên là phải hạ phèn. Cũng không biết bí quyết này có từ bao giờ, nhưng mà rất hiệu quả. Đầu tiên là ra mé sông, đợi nghe tiếng rao “ai muối hông” là chủ gia ngoắt ghe lại, tuỳ vào nền nhà rộng hay hẹp mà mua vài táo muối đen. Muối đen được chủ gia rải đều lên khắp mặt nền nhà, đợi qua đêm rồi quét lại một lượt. Cách này thì cũng có đôi chút bất tiện. Muối qua đêm thì chảy quện phèn, ẩm rít. Chủ gia quán triệt cho tụi trẻ con hạn chế tối đa chuyện nhảy nhót, giỡn hớt, chờ cho nền đất ráo khô. Nhưng phèn thì cũng tiệt hẳn, trốn rúc xuống dưới nền nhà.

Nếu nền nhà dẽ chặt, không có lỗ nẻ thì đỡ cực hơn. Còn nếu đắp nền bằng đất non, dù có nện ghè cỡ nào, sau thời gian thì đất giựt thịt, hở toác chân gà. Người ta phải xách nước tưới ướt hết nền nhà, lấy thêm vá xới toàn bộ nền nhà lên mà giằm. Kế đến là lấy bàn nện bằng súc mù u kẹp hai cái tay vịn nhô lên mà ra sức nện cho đất dẽ lại. Công việc này cực nhọc không khác mấy so với việc đắp nền nhà mới. Cũng phải đợi hơn chục ngày, nền nhà mới ráo khô lại.

Những nhà chỉ có nền đất nổi óc trâu thì xử lý tương đối dễ dàng hơn. Đầu tiên, các mẹ, các chị dùng mũi dao phay sủi óc trâu cho bằng phẳng. Cạo, gọt sao cho ưng ý rồi thì tưới sơ qua lớp nước, dùng chai sành thân tròn để lăn cho bóng láng. Nhà nào có nghề mộc, cánh đàn ông dùng cây bào để bào đất cho mau, lại láng đều. Công việc gọt đất, bào nền nhà coi vậy chớ không thể làm xong trong một ngày, một bữa, mà có khi mười bữa, nửa tháng mới tạm ưng. Thông thường, chủ gia chỉ gọt đất, bào nền cho gian nhà chính, nơi đặt bàn thờ gia tiên, bộ bàn ghế uống nước trà tiếp khách. Nhà nào có đông đàn bà, con gái, việc gọt nền còn tiếp tục ở nhà sau, hiên nhà và có khi là cả khoảng sân rộng của gia đình. Đây cũng là một trong những điểm nhấn để khách tới, tinh ý biết rằng gia chủ đảm đang, kỹ lưỡng, đàn bà tề gia, nội trợ khéo léo.

Bởi vậy mới có chuyện cắc cớ ở vùng Cà Mau, dù nền nhà bằng đất nhưng khách tới chơi phải... bỏ dép ngoài hàng ba. Bước vào nhà, nền đất mun đen, bóng ngời, có khi còn chiếu bóng được. Chân không bước vào nền đất, cái mát lạnh chạy dọc sống lưng, làm lòng khách khoan khoái, thầm khen ngợi. Cái cảm tình đầu tiên đó làm cho khách - chủ thêm vui tươi, rồi khi cuộc rượu ngà ngà, trong cái gió Tết lồng lộng tứ bề, khách buông lời tán thưởng: “Nhà ông anh đúng là nền đất còn hơn lót gạch bông”. Nghe lời khen của khách, cánh đàn bà phía nhà sau mát lòng, mát dạ, làm thêm món mồi mới đãi khách nhậu tới quắc cần câu...

Sau này, nhà nền đất dần thưa bóng. Mỗi năm, người ta chỉ còn dành ra một ngày cận Tết để dọn dẹp, lau chùi lại nền nhà gạch bông đủ kiểu, đủ màu. Những nền nhà đất chỉ nép lại phía sau chái bếp, cũng không còn mùa gọt đất ăn Tết như bao năm cũ. Cũng không còn mấy cái lỗ nẻ mà ngày trước, tụi trẻ con lỡ rớt mấy viên đạn cu li xuống ngồi lấy cây mà lụi hụi vích lên, vích không được ngồi khóc hu hu. Lâu lâu, trong lỗ nẻ bỗng đâu có tờ giấy bạc hai trăm, năm trăm chẳng biết tại sao lại nằm ở đó, móc lên mà mừng như trúng cả kho báu. Ban đêm đi tè, con rết ở đâu cắn vô chân, chui xuống lỗ nẻ mất tiêu, cả nhà đốt đuốc lá dừa đỏ trời đi kiếm thủ phạm... Những lúc nền nhà gọt đất còn ướt nhẹp, ông tía lôi tụi nhỏ ra đo bàn chân coi đứa nào chạy nhẩm dấu giò...

Đã có thời, người Cà Mau gọt đất ăn Tết như thế đó. Để bây giờ, nhắc tới sao mà thấy thương, thấy nhớ...

 

Quốc Rin

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).