ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 21-5-24 02:39:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạnh phúc nghề y

Báo Cà Mau Mang niềm vui, sức khoẻ cho bệnh nhân chính là hạnh phúc, sứ mệnh to lớn của những người làm ngành y. Dẫu ở cương vị nào, họ cũng dốc tâm sức, tài đức và cường độ làm việc để thực hiện tròn sứ mệnh, nỗ lực vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên báo Cà Mau gặp gỡ các y, bác sĩ để cùng sẻ chia chuyện nghề, trăn trở và những đóng góp trong ngành y.

Bác sĩ CKII Nguyễn Mỹ Dung không ngừng học hỏi để tiếp cận với nền y học hiện đại, vì sức khoẻ và an toàn cho người bệnh.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Tình yêu với nghề y nhen nhóm từ khi phải ra vào bệnh viện chăm sóc cha bệnh nặng, Bác sĩ CKII Nguyễn Mỹ Dung, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Chuyên khoa Nội tiết), Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, đã nỗ lực hiện thực hoá tình yêu ấy. Ðến nay, chị đã có gần 30 năm khoác áo blouse trắng với tâm huyết là làm tất cả những gì có thể để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho người bệnh, luôn lấy người bệnh làm trung tâm.

Trăn trở lớn nhất hiện nay của chị chính là để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Theo chị, để cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khoẻ thì ngoài bảo hiểm y tế toàn dân, phát triển y tế địa phương, cũng cần phối hợp với các tổ chức từ thiện, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, trường học... để mở rộng và triển khai hiệu quả các chương trình về chăm sóc sức khoẻ, kỹ thuật y tế mới - hiện đại đến được từng người, từng nhà.

Kỷ niệm đáng nhớ của Bác sĩ Nguyễn Mỹ Dung trong thời gian  làm nghề là thời khắc cùng bác sĩ sản khoa của bệnh viện tiếp nhận theo dõi điều trị một thai phụ được làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) có rối loạn đường huyết. Trong quá trình theo dõi, chị tư vấn tận tâm, đồng cảm và chia sẻ lo lắng với thai phụ. Niềm vui như vỡ oà cùng với cặp vợ chồng hiếm muộn ấy khi chị và ê kíp y - bác sĩ nhìn thấy em bé chào đời khoẻ mạnh.

“Kiến thức là vô tận nên cần được cập nhật liên tục, học tập, trau dồi, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có thể tiếp cận với nền y học hiện đại, vì sức khoẻ và an toàn cho người bệnh là trên hết”, Bác sĩ Dung khẳng định.

“Tôi mong ngành y của tỉnh sẽ phát triển xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho y, bác sĩ làm việc”, Bác sĩ CKI Trần Thanh Tuấn chia sẻ.

Làm việc bằng tất cả tâm huyết

Thầm lặng với công việc “giải mã” bệnh dựa trên siêu âm chụp chiếu, Bác sĩ CKI Trần Thanh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, luôn cần mẫn trau dồi chuyên môn, đưa ra những chẩn đoán bệnh chính xác từ những tấm phim, soi rọi từng lát cắt trên màn hình máy tính để tìm ra bất thường bên trong cơ thể người bệnh. Anh làm công việc này bằng tất cả say mê của mình.

“Dù là công việc lặng thầm phía sau các thành công trong điều trị của đồng nghiệp, nhưng những bác sĩ chẩn đoán hình ảnh như chúng tôi vẫn luôn tận tâm, hỗ trợ đắc lực nhất sau quá trình thăm hỏi và khám bệnh. Bởi hiện nay, không có chuyên khoa nào là không liên quan đến hình ảnh học y khoa. Ngay cả da liễu, tâm thần... cũng phải dùng đến chẩn đoán hình ảnh để giúp cho việc chẩn đoán bệnh được toàn diện hơn. Do đó, chẩn đoán hình ảnh tương tác với mọi chuyên khoa và hỗ trợ theo nhiều cấp độ trong việc cung cấp thêm thông tin lâm sàng cho bệnh nhân”, Bác sĩ Tuấn vui vẻ.

Bác sĩ Tuấn cho rằng, không chỉ riêng nghề y, nghề nào cũng vậy, phải yêu nghề mới làm được nghề. Trong môi trường đặc thù của nghề y, thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh, mắc các bệnh lý phức tạp nên rất áp lực. Y, bác sĩ phải luôn đặt mình trong tâm thế của người nhà để thấu hiểu, đồng cảm, đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, từ đó, giải quyết mọi áp lực, căng thẳng, hướng tới chất lượng làm việc tốt nhất.

"Khi làm việc bằng tất cả tâm huyết, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ cảm nhận được, thể hiện qua những sự bày tỏ hết sức giản dị, chân thành như: lời cảm ơn, dòng tin nhắn hỏi thăm nhân ngày lễ, Tết, ngày thầy thuốc... hay đơn giản chỉ là cái bắt tay thật chặt và niềm vui, nụ cười khi xuất viện... Ðó chính là món quà ý nghĩa nhất mà các y, bác sĩ nhận được", Bác sĩ Tuấn chia sẻ.                                           

Theo Bác sĩ Lê Thanh Dị, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tạo niềm tin và sự hài lòng cho người dân.

Luôn là người thân của bệnh nhân

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, niềm hạnh phúc lớn nhất với Bác sĩ Lê Thanh Dị, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau là có rất nhiều ông bà, cô, chú, cậu, dì, anh, chị... Anh cười: “Họ xuất viện rồi vẫn gọi, nhắn tin hỏi thăm, biểu con ráng giữ sức khoẻ. Rồi thi thoảng lại gửi tôm, cá, mớ rau, trái cây vườn nhà... như thể gửi cho con cháu ở xa quê”.

Khoa Cấp cứu là khoa duy nhất trong bệnh viện không bao giờ được báo hết giường, không bao giờ được phép từ chối người bệnh và mọi việc đều luôn khẩn trương, chính xác, kịp “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh... Do vậy, Bác sĩ Lê Thanh Dị luôn tự dặn lòng phải đọc, phải học nhiều hơn để nâng cao chất lượng và niềm tin của người bệnh. Anh vui vì có thể góp sức cùng sự phát triển của bệnh viện khi bệnh viện được xếp hạng I.

“Những ai có người thân, người nhà làm trong ngành y tế sẽ thấu hiểu sự vất vả mà những nhân viên, y, bác sĩ phải trải qua. Ðại dịch Covid-19 vừa qua đã minh chứng tất cả. Tôi mong xã hội có cái nhìn cảm thông hơn với ngành y, để lực lượng khoác áo blouse trắng giảm bớt áp lực, có nhiều hơn thời gian, tâm, trí, lực học hỏi, luyện tập, nghiên cứu phụng sự cho sự phát triển ngành y”, Bác sĩ Lê Thanh Dị bộc bạch.

Theo Bác sĩ Lê Thanh Dị, để ngành phát triển hơn, mong rằng tỉnh chú trọng công tác đào tạo, đào tạo liên tục, chuyên sâu hơn, để đội ngũ y, bác sĩ đi tu nghiệp, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, chú trọng đời sống cho lực lượng ngành y. Ðối với người dân, khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị; không nên đến những cơ sở y tế không được cấp phép, hay tin những lời đồn, hoặc không phải bác sĩ chuyên khoa, điều trị phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng.

Với Bác sĩ Trần Bé Hiếu, những ca mổ thành công, sự hồi phục của bệnh nhân, nụ cười hạnh phúc của gia đình người bệnh là món quà quý giá nhất.

Dồn hết tâm sức cho từng ca phẫu thuật

Là bác sĩ nữ đầu tiên và duy nhất theo Khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, nên khi mới về công tác, dường như ai gặp Bác sĩ Trần Bé Hiếu cũng hỏi vì sao nữ lại chọn ngoại khoa (một chuyên ngành vất vả), đã vậy còn chọn Ngoại Thần kinh - chuyên ngành phức tạp.

“Tôi bị hỏi nhiều đến mức lo sợ bản thân làm không nổi. Nhưng đến nay đã gần 5 năm công tác tại khoa, tôi nhận ra ngành nghề nào, chuyên ngành nào muốn thành công đều vất vả, bất kể là nam hay nữ. Một ca bệnh nội khoa phức tạp đâu vì gặp bác sĩ nam mà trở nên đơn giản, một ca chấn thương nghiêm trọng đâu vì gặp bác sĩ nam mà trở nên dễ dàng, một đêm trực đâu vì là bác sĩ nam mà rút ngắn vài tiếng... Với chúng tôi, mỗi người đều vì mục tiêu riêng, giữ cho mình những động lực riêng mà tiếp tục cố gắng; đó là sức khoẻ của người bệnh”, Bác sĩ Bé Hiếu tâm tình.

Tâm niệm của Bác sĩ Bé Hiếu là bản thân không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, không ngừng luyện tập để ngày càng thành thạo kỹ thuật; lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn để mang đến sự hài lòng và hơn hết chính là giành lại sự sống từ tay “tử thần” cho nhiều bệnh nhân.

“Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi muốn gửi đến tất cả đồng nghiệp, những y, bác sĩ, nhân viên y tế lời chúc sức khoẻ vì đôi khi những người chăm sóc sức khoẻ cho người khác lại là người ít quan tâm đến sức khoẻ của mình nhất. Mục tiêu năm 2024 của tỉnh là 13,5 bác sĩ/10.000 dân, con số cũng phần nào nói lên trách nhiệm, thách thức trong tương lai. Thế nên, mong rằng tất cả nhân viên, cán bộ y tế lắng nghe cơ thể nhiều hơn, chăm sóc bản thân nhiều hơn, khoẻ mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để tiếp tục vượt qua khó khăn, nỗ lực cống hiến vì sức khoẻ Nhân dân”, Bác sĩ Hiếu nhắn gửi./.

 

Băng Thanh lược ghi

 

Ðảm bảo đủ vắc xin tiêm bù cho trẻ

Thời gian qua, do thiếu một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tỷ lệ trẻ chưa được tiêm và chưa tiêm đầy đủ còn khá nhiều, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm ở trẻ có thể quay trở lại. Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, ngành y tế đẩy mạnh việc tiêm bù, tiêm vét cho trẻ, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Hoạt động thể chất có ích cho người ung thư

Hoạt động thể chất (thể dục, thể thao) không những nâng cao sức khoẻ, tăng cường kháng thể, kéo dài tuổi thọ, cải thiện tinh thần và chất lượng cuộc sống… đối với người bình thường, mà còn là một liệu pháp hiệu quả trong công tác điều trị kết hợp dành cho người chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư.

Chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” (từ ngày 15/4-15/5), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau kết hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ra quân thực hiện công tác tổng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn.

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (KLN), thường là các bệnh mạn tính, bệnh phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài thậm chí cả cuộc đời.

Chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

Ma tuý là chất kích thích thần kinh gây hưng phấn, giảm đau, buồn ngủ, nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và lệ thuộc. Hiện nay, ma tuý có nhiều dạng khác nhau: ma tuý tổng hợp, ma tuý đá, heroin, ngoài ra ma tuý còn biến tướng thành các dạng bột nước trái cây hoặc dạng viên kẹo hấp dẫn người sử dụng.

Vấn nạn chó thả rông đô thị

Vấn nạn chó thả rông không đeo rọ mõm hiện hữu nhiều nơi trên địa bàn các phường nội ô thành phố. Ðây luôn là vấn đề nhức nhối, không ít lần được lãnh đạo các cấp nhắc nhở trong các cuộc họp quan trọng, đặc biệt trong tình hình xây dựng các tuyến phố văn minh như hiện nay.

Kỹ thuật tân tiến cứu sống nhiều trẻ sinh non

Bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nhất, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã thành công cứu được nhiều trẻ sinh non chỉ với 27 tuần tuổi, cân nặng chỉ 700 gram.

Chủ động phòng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch dại trên động vật ở các huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Tập quán nuôi chó thả rông; ý thức còn chủ quan của người dân, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp xuất hiện ổ bệnh dại, tử vong ở người.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày lễ

Đại lễ 30/4-1/5 là kỳ nghỉ lễ dài trong năm, cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí, ăn uống. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã và đang tăng cường, liên tục kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân và du khách trong những ngày lễ.

Tầm soát sớm, nhẹ nỗi lo

Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm, thực hiện tầm soát ung thư cho bản thân và tự ý thức tìm hiểu việc kiểm tra thăm khám về căn bệnh này cho con trẻ.