Tiếp tục giám sát về kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh, ngày 5/6, đồng chí Dương Huỳnh Khải, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác có chuyến giám sát tại xã Khánh Lâm và làm việc với UBND huyện U Minh; tổ khảo sát do ông Nguyễn Minh Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, dẫn đoàn đến khảo sát tại huyện Cái Nước.
Theo đó đoàn giám sát đã đến gặp trực tiếp hộ dân, chi bộ, chính quyền ấp, để nắm thông tin thực tiễn đời sống chính trị, việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý đất đai; việc chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, đánh giá kết quả thực hiện của các cấp chính quyền sau giám sát, đồng thời ghi nhận những vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý, huyện U Minh cần ban hành văn bản phân giao trách nhiệm cụ thể, tránh đùn đẩy công việc trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện theo Kết luận của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND các xã có rừng tiến hành tuyên tuyền, vận động hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận sai mục đích giao nộp lại để thực hiện điều chỉnh đúng mục đích sử dụng. Đến nay, đã điều chỉnh được 104/235 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai mục đích.
Về quỹ đất công, trên địa bàn huyện có 42 thửa, diện tích khoảng 300.000 m2, huyện đang thực hiện thu hồi theo quy định, đảm bảo cho công tác quản lý, sử dụng đất đi vào nền nếp và có hiệu quả. Đã qua huyện gặp khó khăn trong việc giao đất, giao rừng cho dân, do kế hoạch giao rừng của huyện chưa được phê duyệt.
Trong xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,5 tiêu chí. Năm 2024, huyện tập trung xây dựng xã Khánh Lâm, Khánh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cùng các thành viên trong đoàn giám sát tại Ấp 2, xã Khánh Lâm.
Qua giám sát thực tế tại Ấp 2, 5 và 7, xã Khánh Lâm, thành viên của đoàn nhận thấy, một bộ phận người dân còn chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới; công tác tuyên truyền trong dân chưa sâu sát, bài bản; kế hoạch xây dựng nông thôn mới còn chung chung, chưa giao việc cụ thể cho các ngành, đoàn thể. Đồng thời, đoàn quan tâm đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; động thái của sở, ngành tỉnh hướng dẫn thực hiện các tiêu chí; việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới…
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện, chia sẻ, người dân trên địa bàn thường xuyên đóng góp vật chất, ngày công lao động xây dựng, sửa chữa cầu lộ nông thôn, hiến đất xây dựng trụ sở văn hoá ấp... Huyện gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông, phần lớn các xã nông thôn mới bị rớt tiêu chí này.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện đề xuất hằng năm tỉnh sớm phân bổ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để huyện kịp phê duyệt đầu tư, triển khai thực hiện.
Ông Thịnh cho biết, năm 2024, huyện U Minh được phân bổ từ các chương trình mục tiêu quốc gia gần 59,8 tỷ, trong đó chương trình nông thôn mới khoảng 27,4 tỷ đồng, hiện giải ngân đạt 4,5%. Từ đó, huyện đề xuất hằng năm tỉnh sớm phân bổ nguồn vốn để khi xác định được nguồn vốn, huyện mới phê duyệt đầu tư, triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý, huyện cần xử lý bài bản, linh hoạt trong giải quyết đất đai; phát huy vai trò của chi bộ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, huy động nguồn lực của dân trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đề nghị huyện ban hành văn bản phân giao trách nhiệm cụ thể, việc nào của huyện, của xã, của ấp, của dân, tránh đùn đẩy công việc trong xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Cái Nước, tổ khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Theo ghi nhận ý kiến từ các xã, thị trấn, trên các địa bàn vẫn còn tình trạng cất nhà trên đất nông nghiệp, sai mục đích sử dụng đất, lấn chiếm...
Ông Nguyễn Minh Đương nhấn mạnh: “Vấn đề quản lý đất đai là vấn đề phức tạp hiện nay, địa phương cần kiểm tra, rà soát, xử lý quỹ đất công trên địa bàn huyện Cái Nước.
Đối với quỹ đất công, nhiều đơn vị thẳng thắn nhìn nhận việc quản lý quỹ đất gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương đều vướng phải vấn đề thu hồi quỹ đất công sau khi cho mượn tạm. Một số nơi còn xảy ra tranh chấp, thưa kiện.
Ông Ong Văn Đủ, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Xã có 11 quỹ đất công, chính quyền địa phương đã tiến hành thu hồi, người dân cơ bản đồng tình nhưng yêu cầu phải tạo điều kiện về chỗ ở. Có 4 hộ đã thu hồi, còn lại 7 hộ, trong đó có một gia đình chính sách (vợ liệt sĩ). Xã đã gửi văn bản báo cáo lên cấp trên để có hướng xem xét, xử lý”.
Ngoài ra, việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất chậm, kết quả chưa cao. Trong đó, đối với công tác cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính đến ngày 15/3/2024, còn 2.557 thửa, với diện tích 676,26 ha đã được kê khai nhưng người dân chưa thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 17 thửa với diện tích 0,34 ha chưa được kê khai. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa có nhu cầu và nguồn gốc đất phức tạp.
Đối với công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã triển khai trao được 2.186/6.256 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2014 đến nay đã được scan và lưu trữ thành dạng số. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đối với các hồ sơ từ năm 2013 trở về trước. Tuy nhiên, hồ sơ số được thực hiện từ ngày 10/10/2022 trở về trước chưa được cập nhật đầy đủ vào hệ thống VNPT iLIS nên không thể truy xuất dữ liệu trong không gian mạng.
Đối với việc triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Cái Nước có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng xã Lương Thế Trân đạt chuẩn nông thôn mới; xã Thạnh Phú và Hưng Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đối với giải ngân đầu tư công, huyện Cái Nước gặp khó khăn do vướng mắc Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh quy định Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 65% tổng mức đầu tư/dự án; phần còn lại do người dân đóng góp và nguồn vốn huy động hợp pháp khác”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Đa phần lộ nông thôn về sau đầu tư ở những vùng khó khăn, điều kiện người dân nơi đó chật vật, vận động rất khó 35% đóng góp, nhiều công trình đến nay không triển khai được”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, cho biết, huyện đã chỉ đạo quyết liệt trong quản lý đất công trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Đương nhấn mạnh: “Vấn đề quản lý đất đai là vấn đề phức tạp hiện nay, địa phương cần kiểm tra, rà soát, xử lý quỹ đất công trên địa bàn huyện để xử lý dứt điểm tình trạng đất công cho thuê, cho mượn, bị hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm, từng bước hoàn thiện, đảm bảo cho công tác quản lý, sử dụng đất đi vào nền nếp và có hiệu quả.
Đồng thời, rà soát lại số liệu cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó xác định nguyên nhân, vướng mắc, tồn tại để có những kiến nghị cụ thể để kịp thời báo cáo cấp trên có biện pháp tháo gỡ. Về vướng mắc trong thực hiện cơ chế xây dựng nông thôn mới, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ cùng các ngành chuyên môn tháo gỡ cho các địa phương, trong đó có huyện Cái Nước.
Các thành viên đoàn khảo sát mô hình nuôi chồn của hộ dân Nguyễn Văn Hưng, ấp Tân Hoà, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước.
Mộng Thường - Hồng Nhung