ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 09:28:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hệ lụy ngân hàng liên kết bán chéo bảo hiểm - Bài cuối: Làm sao để "khơi thông" quy trình vay vốn?

Báo Cà Mau (CMO) Thực trạng buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khi vay vốn nở rộ làm ảnh hưởng đến cách nhìn không mấy tích cực về ngành ngân hàng trong thời gian gần đây, do vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh và liên tục có các văn bản yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc việc bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số TCTD vẫn bỏ qua các quy định, còn gợi ý với khách hàng mua BHNT khi vay vốn.

Thiếu kiến thức

Ông N.T.T (huyện Trần Văn Thời) cũng gặp trường hợp buộc mua bảo hiểm khi đi vay vốn, theo ông T thì nhân viên ngân hàng kiêm bán bảo hiểm sẽ rất ít tư vấn cụ thể với khách hàng, tất cả đều tiến hành cấp tốc, miễn sao hợp đồng được ký. “Khi mua bảo hiểm tôi không nắm rõ quyền lợi của mình, vì toàn bộ hồ sơ kê khai về tình hình sức khỏe của tôi cũng đều do nhân viên ngân hàng khai và kêu tôi ký là hoàn thiện thủ tục vay” – ông T, ngậm ngùi.

Theo bà Nguyễn H, một nhân viên tín dụng ngân hàng TMCP tại Cà Mau, bên cạnh nâng cao nghiệp vụ ngân hàng, để đạt đủ chỉ tiêu kinh doanh thì nhân viên ngân hàng phải học sản phẩm bảo hiểm và thi cử. Nhưng không dễ dàng cho nhân viên ngân hàng, bởi kiến thức BHNT mênh mông, không thể nào hiểu được hết chỉ qua vài buổi học, từ cách chia % khách hàng hưởng, bảo hiểm hưởng và nhiều loại sản phẩm. Trong khi đó, những người làm bảo hiểm chỉ chuyên tâm đúng cho một sản phẩm chính là bảo hiểm chứ không phải kiểu bên này bên kia.

Nghiên cứu kỹ điều khoản hợp hợp là tự bảo vệ quyền lợi khách hàng khi tham gia BHNT.

Nhân viên ngân hàng chỉ được đào tạo về bảo hiểm một thời gian ngắn nên không đủ hiểu về sản phẩm, cũng như biết hết nội dung của hợp đồng bảo hiểm nên dễ dẫn đến khả năng tư vấn sai, không đầy đủ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm “Thời gian đầu tôi nhờ gia đình, dòng họ mua BHNT để đủ doanh số, về sau này càng khó bán”- Nguyễn H nói.

Ông Trần Huỳnh Luân, Trưởng Văn phòng Tổng Đại lý Dai – ichi Life Việt Nam tại Cà Mau cho biết: “Thật ra, người giữ tiền là ngân hàng khi khách hàng đến ngân hàng, họ lấy lý do áp lực trên gói vay để bán bảo hiểm ra, câu chuyện này bên hệ thống bảo hiểm chúng tôi không ủng hộ. Bởi vì, tham gia hợp đồng bảo hiểm là trên tinh thần tự nguyện, khi ký hợp đồng phải tư vấn đầy đủ cho khách hàng, đặc biệt là về thông tin sức khỏe". 

Chưa rõ ràng ở khâu quản lý 

Việc ép buộc người vay tiền mua bảo hiểm dù với cách thức nào là dấu hiệu lợi dụng quyền lực thị trường để chèn ép người có nhu cầu vay vốn. Vì lợi thế quyền lực này, nhân viên tín dụng biết trước sẽ bán được sản phẩm bảo hiểm nên không cần tư vấn kỹ lưỡng. Theo Ông Đặng Minh Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Minh Đăng, khi đứng vai trò là bên đi vay, khách hàng có thể bị ngân hàng lấn lướt, mất đi sự bình đẳng trong quan hệ giao dịch, đặt khách hàng vào thế bị cưỡng ép tham gia mua BHNT theo yêu cầu của ngân hàng mà không hoàn toàn tự nguyện. 

Ở khâu quản lý nhân viên ngân hàng chưa rõ ràng, triển khai sản phẩm đúng hay không, phục vụ khách hàng tốt hay chưa, xử lý thông tin khi khách hàng cần hỗ trợ. “Khách hàng đến vay ở ngân hàng không phải ép, mà ngân hàng sẽ thoả thuận bằng mức lãi suất, khách hàng chọn gói nào thì làm gói nấy, như có bảo hiểm thì lãi suất thấp, không có thì lãi suất cao!”. Ông Trần Huỳnh Luân, Trưởng Văn phòng Tổng Đại lý Dai – ichi Life Việt Nam tại Cà Mau cho biết.

Ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Cà Mau, thông tin: “Phần lớn do nhân viên ngân hàng giải thích không cặn kẽ để khách hàng ngộ nhận. Trường hợp một khoản vay lãi suất 12%/năm, sau khi được giới thiệu, khách hàng đồng ý mua gói bảo hiểm 3-4 năm. Khi đó, nhân viên ngân hàng trình lên cấp trên phê duyệt để được tiếp cận khung lãi suất ưu đãi giảm xuống còn 11%/năm. Đây giống như món quà khuyến mãi ngân hàng dành cho khách hàng. Chứ không phải gói vay này có lãi suất 12%/năm nếu mua bảo hiểm thì còn 11%/năm”.

NHNN chi nhánh Cà Mau đã chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn tỉnh, lồng ghép kế hoạch thanh tra hằng năm. 

Ông Võ Kiên Giang khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, phía ngân hàng không có quyền bắt khách hàng mua BHNT. Việc lựa chọn tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng”. NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng, bảo đảm quá trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho vay khách hàng được thực hiện đúng quy định. 

Khi khách hàng không sử dụng bảo hiểm thì ngân hàng vẫn giải ngân cho vay và áp dụng lãi suất thông thường. Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng hiểu và sử dụng chứ không được ép, hiện tại hành vi ép là sai pháp luật. Ông La Thiên Tứ, Giám đốc LienVietPost Bank chi nhánh Cà Mau cho biết: “Trên thực tế cũng có việc như sau: Nhiều hồ sơ vay cùng lúc thì chuyên viên sẽ nhiệt tình và ưu tiên hơn khách hàng sử dụng nhiều sản phẩm, đặc biệt là có mua BHNT hoặc phi nhân thọ. Từ đó, dẫn đến hồ sơ khách hàng thông thường sẽ chậm hơn các hồ sơ kia. Tuy nhiên, cũng phải nằm trong giới hạn cho phép, nếu khách hàng phản ánh là bị kỷ luật”.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra 

NHNN đã chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn tỉnh, lồng ghép nội dung thanh tra về việc chỉ đạo của NHNN với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hằng năm. Đến thời điểm hiện tại, NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau chưa nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp về việc ngân hàng “ép” mua bảo hiểm mới được cho vay vốn, kể cả từ NHNN cũng không nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh về việc ngân hàng ép mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Ông Võ Kiên Giang khuyến cáo: Khi người dân đi vay vốn, nếu bị nhân viên ngân hàng buộc mua bảo hiểm, thì cần nắm thông tin, tài liệu có liên quan làm căn cứ, sau đó đăng ký gặp trực tiếp với lãnh đạo ngân hàng đó để có thông tin chính thức và trình bày rõ nhu cầu của mình về việc tham gia hay không tham gia sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp chưa thoả đáng, phản ánh về NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau xem xét, phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Kiên Giang nhấn mạnh: “Nếu trường hợp các ngân hàng có “ép” khách hàng mua bảo hiểm, thì khuyến khích khách hàng mạnh dạn gửi đơn khiếu nại đến trực tiếp Thanh tra giám sát NHNN (Số điện thoại của Thanh tra, giám sát chi nhánh: 0290.3836 895). Các đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ được NHNN bảo mật thông tin không để lộ danh tính khách hàng phản ánh, hoặc đến trực tiếp trụ sở NHNN chi nhánh Cà Mau để cung cấp thông tin, bởi NHNN có bộ máy tiếp công dân do giám đốc NHNN trực tiếp chỉ đạo”.

Đồng thời, NHNN nhận phản ánh trực tiếp của người dân trên địa bàn liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0290.3836 896 hoặc 0817 992 966./.

Bài và ảnh: Hồng Phượng - Việt Mỹ

Liên kết hữu ích

Cầu nối lan toả tín dụng chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là ngân hàng duy nhất thực hiện uỷ thác vốn tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân kịp thời, thuận lợi, hiệu quả.

Dòng tiền “không ngủ”

Những năm gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của tính năng “sinh lời tự động”. Ðây là một trong những sản phẩm tài chính nổi bật được các ngân hàng và tổ chức tài chính liên tục giới thiệu nhằm thu hút khách hàng. Tính năng này cho phép người dùng đầu tư tự động, giảm thiểu rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận. Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, “sinh lời tự động” nhanh chóng trở thành xu hướng mới trong quản lý tài chính cá nhân.

Xác thực sinh trắc học - Ðảm bảo an toàn giao dịch tài chính

Theo Quyết định 2345/QÐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ ngày 1/7/2024, tất cả giao dịch chuyển tiền Online có giá trị trên 10 triệu đồng bắt buộc phải bổ sung xác thực sinh trắc. Ðây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường bảo mật cho các giao dịch tài chính trong bối cảnh tình hình gian lận và lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng.

Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh vàng

Chiều ngày 6/6, Cục Thuế tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị thu hút gần 120 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý trên địa bàn tỉnh tham dự.

Vốn chính sách đến với người dân lâm phần

Là đơn vị quản lý nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lớn nhất tại xã Khánh Thuận (trong 4 hội, đoàn thể), thời gian qua, Hội Nông dân xã Khánh Thuận tích cực triển khai nguồn vốn chính sách đến nhiều đối tượng khác nhau, từ đó giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Xây dựng nền tảng tài chính cho tương lai

Việc sở hữu kiến thức về tài chính là kỹ năng hữu ích, yếu tố quyết định đến sự thành công trong cuộc sống. Ðể thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho cộng đồng, vai trò của ngân hàng trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục tài chính (GDTC) trở nên vô cùng quan trọng. Bằng cách cung cấp kiến thức, sản phẩm, dịch vụ phù hợp, ngân hàng không chỉ giúp cá nhân và doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả, mà còn góp phần xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Tín dụng chính sách - Ðồng hành phát triển kinh tế

Ông Trần Phương Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước, cho biết, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện luôn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương; các phòng, ban, ngành và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác. Từ đó, đã tác động tích cực đến nhận thức của cấp uỷ, chính quyền. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc trách nhiệm hơn, nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn...

Tránh lịch sử tín dụng xấu trên CIC

Lịch sử tín dụng tích cực không chỉ là chìa khoá mở cửa cho các cơ hội tài chính, mà còn là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tin cậy với các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, một trong những rủi ro lớn nhất đối với lịch sử tín dụng là sự xuất hiện của nợ xấu.

Cảnh giác với thiết bị đọc trộm tại cây ATM

Phương thức đánh cắp dữ liệu thẻ ATM ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người sử dụng. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về phương thức cài đặt thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, cũng như khuyến cáo cách thức để người dùng tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp thông tin.

Giải pháp linh động giúp đẩy lùi tín dụng đen

Ðể có hướng mở, giúp người có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, người có nhu cầu vay vốn làm ăn, kể cả người tuổi hưu có nhu cầu về tài chính được tiếp cận vốn vay mà không phải ràng buộc về tài sản thế chấp, ngành bưu điện đã phối hợp với một số ngân hàng và tổ chức, cho vay vốn với nhiều ưu đãi.