(CMO) Nắm được tâm lý ít hiểu biết và nhu cầu có tiền nhanh của người dân vùng nông thôn nên tình trạng cho vay nặng lãi, hay còn gọi là tín dụng đen, hoạt động ngày càng nhiều và không ít người trở thành nạn nhân của hoạt động cho vay nặng lãi này.
Trong vai người cần vay tiền, nhóm phóng viên chúng tôi gọi đến một số điện thoại ghi trên tờ rơi được rải ở khu dân cư thì nhận được lời đảm bảo vay tiền rất nhanh: Hồ sơ làm rất nhanh, có thể trong vòng 1 tiếng là nhận được tiền, 1 tiếng là đối tượng dự trù có khi nhanh hơn, tầm khoảng 15, 20 phút là có tiền, nếu vay có thể hẹn gặp nhau ở địa điểm nào đó để trao đổi thêm".
Với những lời mời chào “có cánh” như: Vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh lẹ, có tiền ngay đã thu hút những người đang gặp khó khăn, cần tiền gấp. Vì vậy, nhiều gia đình vướng vào đường dây tín dụng đen. Nhiều người cho biết, do thấy tờ rơi và lô gô của ngân hàng, có địa chỉ rõ ràng nên không nghi ngờ, hồ sơ đơn giản, thủ tục lại nhanh nên mới vay.
Bà Kim Tuyến, ngụ tại thị trấn Thới Bình là một trong những nạn nhân của tín dụng đen. Do cần tiền gấp để gửi cho con đi học xa, thấy tờ rơi trên đường, bà Tuyến liền gọi và chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ bà đã vay được số tiền 3 triệu đồng. Theo thoả thuận, bà trả góp hàng ngày trong vòng 1 tháng sẽ dứt nợ. Tuy nhiên, bà trễ 1 ngày thì bị các đối tượng đến làm khó và đòi bà phải trả số tiền trên 5 triệu đồng. Bà Tuyến cho biết, lúc thoả thuận vay có thể chấp nhận được, khi vay rồi thì lãi suất lên rất cao.
Bà Kim Tuyến chia sẻ: "Bữa đối tượng lại lấy tiền tôi không có nhà, đối tượng liền cho người đến la mắng còn đẩy đồ đạc đổ ngã. Khi mới gặp vay thì chúng nói chuyện rất đàng hoàng, nhưng vô vòng rồi chúng rất hung hăng, trễ 1 ngày là lớn chuyện".
Tín dụng đen đã thâm nhập khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Tại nhiều địa phương ở huyện Thới Bình có không ít biển quảng cáo được treo lủng lẳng trên cây dọc theo các tuyến đường, cứ hễ biển này tháo xuống thì ngay lập tức có biển mới thay thế. Điều này minh chứng đường dây tín dụng đen luôn hiển hiện ở khắp nơi để chờ con mồi sa vào lưới. Hệ luỵ để lại không chỉ ở người vay mà còn gây tâm lý lo sợ cho cả gia đình. Có người phải trốn khỏi địa phương vì không đủ khả năng trả lãi cao. Người thân ở nhà ăn ngủ không yên vì bọn đòi nợ thuê đến đe doạ hàng ngày.
Mời gọi quảng cáo trên cây dừa. |
Anh Nguyễn Quốc Doanh, người thân của nạn nhân dính đến tính dụng đen, lo sợ nói: "Ban ngày chúng tới kiếm em dâu tôi, không có nhà thì chúng ra lời hăm he, rồi ban đêm chúng đập miểng chai rải trước nhà, xịt nước sơn, tạt mắm tôm hôi thối vào nhà, kinh tởm lắm. Nước sơn màu đỏ giờ cạy không ra nữa, đe doạ sẽ hành hung tới người nhà. Bây giờ chúng làm vậy, không biết sau này chúng sẽ làm như thế nào nữa". Cũng vì vay tiền từ tín dụng đen mà ông Lê Mộc Quyền, ở Khóm 8, thị trấn Thới Bình, phải trốn đi biền biệt, để lại số nợ trên 15 triệu đồng cho vợ con mà chính họ không hề hay biết. Bị chủ nợ cho người đòi nợ thuê đến nhà hành hung, đe doạ, bà Nguyễn Thị Ý, vợ ông Lê Mộc Quyền và các con luôn sống trong cảnh lo sợ, không còn tâm trí gì để làm ăn, mua bán. Có ngày chúng kéo đến gần 30 người chửi bới, hăm doạ, nếu không trả đúng hạn sẽ tăng lãi suất lên rất cao và tính mạng cả nhà không được đảm bảo.
Trước tình hình phức tạp trên, Công an huyện Thới Bình mở chuyên án để điều tra. Cùng với đó, lực lượng công an các cấp tổ chức nhiều đợt ra quân để tháo dỡ các biển quảng cáo và thu gom tờ rơi về hoạt động của tín dụng đen. Cụ thể, từ giữa năm 2018 đến nay, lực lượng công an huyện và các xã, thị trấn đã tháo dỡ trên 1 ngàn biển quảng cáo và thu gom khoảng 5 ngàn tờ rơi về hoạt động cho vay tiền.
Trưởng Công an huyện Thới Bình Nguyễn Hồng Quân cho hay: "Năm 2018, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 8 vụ liên quan đến 18 đối tượng. Bên cạnh xử lý hành chính 6,5 triệu đồng các vụ gây rối mất an ninh trật tự, đơn vị sẽ xem xét những trường hợp đủ điều kiện sẽ xử lý hình sự đúng theo quy định của pháp luật".
Để hạn chế nạn tín dụng đen, ngoài sự vào cuộc xử lý của lực lượng công an, người dân không nên vay tiền của những tổ chức không rõ ràng, hay còn gọi là “ngân hàng trên cây”. Đồng thời, khi phát hiện các đối tượng lạ đến địa bàn cho vay lãi nặng, người dân cần thông báo cho công an để có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an và sự quan tâm tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay của hệ thống ngân hàng Nhà nước, tin chắc rằng nạn tín dụng đen sẽ dần dần bị loại ra khỏi đời sống xã hội./.
Thuỳ Linh