(CMO) Hiện nay, trên địa bàn TP. Cà Mau, đi dọc các tuyến phố, hẻm hay các khu dân cư, tình trạng chó thả rông không xích khoá, không rọ mõm, thậm chí là vô chủ vẫn còn. Tình trạng này trực tiếp đe doạ an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại.
Khi “thú cưng” trở thành nỗi ám ảnh
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có khoảng 135.000 con chó, khá lớn so với các tỉnh khác (dao động từ 80.000-90.000).
Tại TP. Cà Mau, việc tổ chức ra quân bắt chó thả rông được ngành thú y thực hiện liên tiếp trong 6 năm (từ 2011-2016), với mục đích kiểm tra những đàn chó chưa qua tiêm phòng, đặc biệt là xác nhận chó vô chủ, vì chó vô chủ có thể đi lang thang tiếp xúc nhiều giống chó khác gây nên dịch bệnh.
Chó không xích khoá, rọ mõm thản nhiên “dạo chơi” trên đường phố. |
Nhắc đến chó thả rông, chị Phạm Hồng Yến (34 tuổi, Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) vẫn chưa hết ám ảnh. Chị kể: “Có lần tôi cùng các con lên TP. Cà Mau thăm ông bà, bỗng đâu một con chó từ trong bụi rậm xông ra rượt theo tới tấp. Hai con tôi trên xe hốt hoảng, còn tôi thì thất kinh hồn vía, sợ nó cắn hai đứa nhỏ. Theo quán tính, tôi chỉ biết lao xe như bay đi một khoảng xa, con chó rượt theo không nổi, 3 mẹ con mới thoát nạn. Kể từ đó về sau, chạy xe trên đường, mỗi lần gặp chó thả rông, tôi lại ám ảnh, lo sợ, chỉ biết chạy chậm rồi tìm cách tránh xa”.
Anh Lê Thanh Hoàng (ngụ Phường 9, TP. Cà Mau) cũng vô cùng bức xúc trước việc chó thả rông phóng uế bừa bãi. “Nơi tôi ở là một dãy trọ, không có cổng rào. Gần đó một số nhà nuôi rất nhiều chó, nhưng điều làm tôi khó chịu ở đây là chó có chủ, nhưng không thấy ai quản lý, để chúng tự do phóng uế bừa bãi ngay trên đường dẫn vào phòng trọ, vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể mỗi lần tôi đi làm về đêm, đường hẻm tối om, gặp thêm mấy chú chó lông đen thích nằm giữa đường, có một lần vì tránh nó tôi lạc tay lái ngã xe, rất may chỉ bị thương ngoài da. Nếu như mình bực tức la lên thì thế nào cũng có xung đột, cự cãi, còn nếu chủ có thấy cũng chỉ nhận lại cái cười trừ, hoặc tỏ vẻ vô can, rồi lần sau vẫn để thú cưng của mình tự do làm những gì chúng thích”, anh Hoàng cho biết.
Hai trường hợp kể trên chỉ là ở mức độ nhẹ. Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp chó tấn công người. Cụ thể, trong hơn 6 tháng đầu năm, có 4.100 ca tiêm ngừa dại do chó mèo cắn, trong đó có đến 3.439 ca do chó gây ra. Nghiêm trọng hơn đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì phát bệnh dại tại huyện Đầm Dơi và Trần Văn Thời.
Chó thả rông - nguyên nhân chủ yếu gây bệnh dại
Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định về việc xử phạt người nuôi chó không rọ mõm, không xích khoá đã được ban hành và có hiệu lực. Nhưng một thực tế đáng buồn là ý thức chấp hành của người dân còn rất thấp, việc quản lý hay áp dụng các chế tài xử phạt người vi phạm của các cấp có thẩm quyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế, những chú chó được thả rông vẫn ngang nhiên ngày đêm “dạo chơi” từ vỉa hè cho đến các khu phố, từ nông thôn cho đến vùng thành thị, đe doạ an toàn giao thông và tính mạng người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, thông tin: "Ở khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư, chó nuôi tuyệt đối không được thả rông. Thường những con chó không có người quản lý, chạy lang thang khắp nơi chắc chắn đã mang bệnh dại, hoặc nghi dại, hết sức nguy hiểm. Nếu xảy ra tình trạng chó cắn người, nạn nhân phải được tiêm vắc-xin phòng dại, đồng thời phải tiêm thêm kháng huyết thanh dại. Nếu người nhà chủ quan không tiêm phòng cho đến khi phát hiện triệu chứng tê bì lúc đó sẽ không còn cứu kịp, người bị cắn sẽ tử vong. Thời gian ủ bệnh nhanh nhất từ 10-14 ngày, thậm chí kéo dài đến 1,5 năm. Tuy nhiên, đối với một số giống chó mang trong mình triệu chứng tiềm ẩn (mang vi-rút dại và thời gian ủ bệnh chưa phát ra cơn dại), việc nhận biết bằng mắt thường rất khó".
Trong năm 2018, tỷ lệ tiêm phòng dại cho động vật chỉ đạt 3.500 liều, trong khi đó để đảm bảo an toàn dịch bệnh, việc tiêm phòng phải đạt từ 60-70%. So với con số 135.000 con chó trong toàn tỉnh thì tỷ lệ này quá thấp.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chia sẻ: "Việc tiêm phòng còn gặp rất nhiều khó khăn bởi những vấn đề về phí tiêm phòng, số lượng chó mèo tăng khó kiểm soát, cũng như sự phối hợp giữa cán bộ thú y, chính quyền địa phương và người nuôi chưa chặt chẽ. Trong năm 2017, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án xây dựng chương trình khống chế phòng trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và đang trong quá trình thực hiện, bao gồm hỗ trợ tiêm vắc-xin miễn phí cho vùng có nguy cơ và vùng có dịch. Tại các xã được hỗ trợ kinh phí thành lập các đội bắt chó, tiêu huỷ chó nghi dại. Tại các huyện, thị, chi cục thú y và ngành y tế tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân".
“Tôi hy vọng, thời gian tới, tỉnh sẽ có đủ kinh phí để tất cả đàn chó được tiêm phòng miễn phí”, ông Huy chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân khuyến cáo, khi bị chó dại cắn mà không đi tiêm ngừa, hay tin vào các bài thuốc dân gian và áp dụng phương pháp chữa trị vô căn cứ thì nguy cơ tử vong là chắc chắn. Các hộ dân chấp nhận nuôi chó là phải tiêm phòng cho chó. Ngoài ra, các địa phương phải quản lý đàn chó, xích khoá, rọ mõm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người nuôi và những người xung quanh./.
Nghĩa Lâm